Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh
Đặc sắc nét đẹp văn hóa dân gian Vĩnh Linh
- 03-04-2022
- 1989 lượt xem
Trong quá khứ đã qua và trong hiện tại, có một miền quê Vĩnh Linh là tượng đài của lịch sử, một Vĩnh Linh đang thay da đổi thịt, khoe mình bên dòng Bến Hải thân thương… và có một Vĩnh Linh mãi bay bổng những điệu hò, tươi mới những sắc màu văn hoá dân gian mang nét đẹp truyến thống. Văn hóa dân gian Vĩnh Linh được biết đến với một dấu ấn riêng, vừa tinh túy lâu đời vừa thấm đượm tình đất, tình người.
Trong quá khứ đã qua và trong hiện tại, có một miền quê Vĩnh Linh là tượng đài của lịch sử, một Vĩnh Linh đang thay da đổi thịt, khoe mình bên dòng Bến Hải thân thương… và có một Vĩnh Linh mãi bay bổng những điệu hò, tươi mới những sắc màu văn hoá dân gian mang nét đẹp truyến thống. Văn hóa dân gian Vĩnh Linh được biết đến với một dấu ấn riêng, vừa tinh túy lâu đời vừa thấm đượm tình đất, tình người.
Là một trong 3 địa phương trên địa bàn tỉnh còn lưu giữ nghệ thuật văn hóa bài chòi. Để phát huy và gìn giữ nét đẹp dân gia này, hằng năm cứ vào mồng 2 Tết huyện Vĩnh Linh lại sổi nổi tổ chức lễ hội Bài chòi và xem là hoạt động văn hóa cộng đồng mang giá trị nhân văn sâu sắc. Thông qua trò chơi, người dân được lắng nghe những câu hát ý nghĩa về quê hương, đất nước được lưu truyền trong dân gian. Bên cạnh đó còn được gặp gỡ, giao lưu và nhận những phần thưởng may mắn để mang đến niềm vui ngày đầu xuân.
“Đầu năm ta thử hên xui
Leo lên chòi bắc ta thử vận may
Cũng là góp tiếng pháo tay
Cho hội bài chòi làng được rộn vang”.
Bài chòi là món ăn tinh thần không thể thiếu trong mỗi dịp tết đến xuân về của người dân địa phương. Nói đến hội Bài chòi ở Vĩnh Linh phải nói đến xã Vĩnh Hòa. Theo lời kể của các bậc cao niên ở đây, bài chòi có từ đời xa xưa và bắt nguồn từ quá trình lao động sản xuất, sự sáng tạo của người dân lao động để xua tan đi mệt mỏi, tìm kiếm niềm vui. Cứ thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau dần dần trở thành một nếp sinh hoạt văn hóa truyền thống quen thuộc. Nét độc đáo của bài chòi ở Vĩnh Linh đó là việc xướng những câu ca dao, tục ngữ, hò, vè kể về những câu chuyện trong dân gian có nội dung ý nghĩa tương ứng với tên gọi của mỗi quân bài được rút ra thông qua lời kêu hài hước dí dỏm của anh Hiệu. Từ những câu rao, câu hát ấy không chỉ đem lại tiếng cười, sự thư giản cho người dân sau một năm vất vả lao động sản xuất, mà còn là cơ hội cho những người đi trước mượn câu ca, tiếng hát để giáo dục đạo lý, nhắc lại truyền thống cho những người đi sau. Đó là lòng hiếu nghĩa, lòng nhân ái, biết ơn cha mẹ, cô thầy, tình yêu xóm giềng, tình nghĩa gia đình, tình yêu đôi lứa,…
“Cơm cha áo mẹ, chứ thầy
Lòng con ghi nhớ ơn này không phai
Mẹ cha vất vả ngày đêm
Thầy cô dạy dỗ chúng em nên người
Mai sau đi bốn phương trời
Công ơn trời biển suốt đời không quên”.
Sau hội hát Bài chòi, cứ đến mồng 4 Tết người dân địa phương lại nô nức tập trung về thôn Nam Phú xã Trung Nam để xem và cổ vũ cho các thanh niên trai tráng về đọ sức độ tài trong lễ hội cướp cù. Trò chơi dân gian này có tên gọi đầy đủ là Chạy cướp cù và theo quan niệm của dân làng, Lễ hội Chạy cướp cù mang ý nghĩa cầu mùa: quả cầu tròn là biểu tượng dương, tượng trưng cho mặt trời, cướp cù là giành mặt trời, giành ánh sáng cho nông nghiệp, cho nghề nông, vì vậy trong hội chơi đội nào cũng cố gắng hết mình để có thể đưa được cù vào rọ với mong muốn có được nhiều may mắn. Trước khi trò chơi bắt đầu, những bô lão trong làng sẽ tiến hành làm lễ để cúng tế trời đất, cầu cho những điều không may mắn trong năm cũ sớm qua đi để bước sang năm mới với ước mong mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, cuộc sống của dân làng được sung túc, đủ đầy hơn. Khi phần lễ kết thúc người chủ trì sẽ tiến hành tung quả cù báo hiệu phần Hội chính thức bắt đầu.
Cái hay của trò Chơi chạy cướp cù là để có thể ghi được nhiều điểm thì trong quá trình thi đấu, các cù thủ phải phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ để vừa cản phá phe bạn vừa chuyền được cù cho đồng đội; điều này thể hiện sự gắn kết, đồng tâm hợp lực trong quá chơi cũng như trong lao động sản xuất của người dân. Mặt khác người chơi chạy cù là những người có sức khỏe để chạy và giữ cù; phải nhanh nhạy, dẻo dai; đây là đại diện cho sức khỏe, tinh thần thể dục thể thao của người dân địa phương. Trong lúc trò chơi diễn ra, người xem đứng chật ních cả bốn phía sân không ngớt reo hò cổ vũ, át cả tiếng chiêng, tiếng trống. Già trẻ gái trai như bị quả cù thu hút, chạy theo hướng quả cù lao đi vun vút như muốn tiếp sức cho các đội chơi để cùng hưởng một năm tốt lành phát đạt.
Nằm về phía Bắc của huyện Vĩnh Linh, xã Vĩnh Tú là vùng đất nổi tiếng gần xa với những câu chuyện trạng độc đáo, hấp dẫn. Chuyện trạng Vĩnh Hoàng đã có từ lâu đời, với cái nôi bắt nguồn từ làng Huỳnh Công. Làng Huỳnh Công xưa có ba thôn là Huỳnh Công Đông, Huỳnh Công Tây và Huỳnh Công Nam. Năm 1949, xã Vĩnh Hoàng được thành lập, trong đó có ba thôn của làng Huỳnh Công, nên chuyện trạng từ đó được gọi chung là chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Trải qua dòng chảy của thời gian, chuyện Trạng trở nên gắn chặt với mảnh đất, con người Vĩnh Tú nói riêng và người dân Vĩnh Linh nói chung; trở thành nét đẹp văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống.
Những câu chuyện trạng Vĩnh Hoàng xuất phát từ thực tế hàng ngày. Được cường điều hóa, hư cấu một cách có lý với những tình tiết hấp dẫn nên nó vẫn phản ánh, vẻ lên bức tranh đầy sinh động của cuộc sống, sự gian gian khổ, hy sinh, mất mát trên vùng đất lửa Vĩnh Linh qua từng giai đoạn lịch sử. Đồng thời, qua những ngôn từ cường điệu, phóng đại cũng đã mang lại tiếng cười xua tan những nổi lo toan, vất vả và cũng thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời của người dân trước những khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Qua mỗi thời kỳ, giai đoạn đều có những câu chuyện Trạng nổi tiếng được nhiều người biết đến và còn lưu truyền đến tận này hôm nay. Tiêu biểu như thời kỳ chống Pháp có các câu chuyện như Vít cổ tàu bay, Quả bí có hai cuống, Dưa đỏ mà biết đánh tây…; thời kỳ chống Mỹ có Đào địa đạo xuyên lục địa, Đầu tét bom bi, Thừa một đứa con... hay thời kỳ xây dựng kinh tế thì có Cây khoai bò qua hai tỉnh, Sắn Vĩnh Hoàng, Ớt mà tưởng ngà voi…
Để lưu giữ nét đẹp văn hóa dân gian chuyện Trạng Vĩnh Hoàng, người dân địa phương vẫn thường kể cho nhau nghe những câu chuyện sau mỗi lúc lao động vất vả, dạy cho những đứa trẻ cách kể chuyện để chúng tiếp tục phát huy. Đặc biệt, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về những chiếu Trạng lại được bày ra để người dân khắp nơi trên địa bàn huyện, du khách thập phương có thể thưởng thức và góp phần tạo thêm nhiều tiếng cười trong những ngày đầu năm.
Văn hóa dân gian trên quê hương Vĩnh Linh không chỉ có lễ hội Bài Chòi, hội Chạy Cướp Cù và chuyện Trạng Vĩnh Hoàng mà còn có nhiều loại hình khác vô vùng đặc sắc. Cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về thì các nét văn hóa ấy lại được người dân các địa phương tái hiện, tổ chức biểu diễn một cách sinh động. Mỗi làng quê trên mảnh đất Vĩnh Linh đều ẩn chứa một nét văn hóa truyền thống độc đáo riêng như Hò chèo cạn của làng Tùng Luật, Cồng chiêng ở miền núi Vĩnh Ô, đua thuyền truyền thống Cửa Tùng, Lễ hội Cầu ngư Vịnh Mốc - Kim Thạch, Lễ hội Cầu ngư Tùng Luật - Vĩnh Giang, Lễ hội Rằm tháng Giêng - Vĩnh Sơn... Chính những lễ hội, những nét văn hóa này đã làm cho không khí, hơi thở của mùa xuân thêm vui tươi, rộng ràng.
Phương Nga
- Bác Hồ với quê hương Vĩnh Linh (03/04/2022)
- Một đơn vị tiêu biểu trong làm theo lời Bác (03/04/2022)
- Anh nông dân thầm lặng lái đò giúp dân vượt dòng nước lũ (03/04/2022)
- Về miền đất thép Vĩnh Linh anh hùng (03/04/2022)
- Về miền quê Tân Trại Hạ (03/04/2022)
- Bác Hồ với mảnh đất địa đầu giới tuyến Vĩnh Linh (03/04/2022)
- Người Anh hùng vinh dự 5 lần được gặp Bác Hồ (03/04/2022)
- Gánh hát Trùm Bá (03/04/2022)
- Độc đáo lễ Đám Chay của đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều (03/04/2022)
- 35 năm văn học nghệ thuật Bến Hải - Vĩnh Linh (03/04/2022)
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĨNH LINH TỈNH QUẢNG TRỊ
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Chịu trách nhiệm chính: Hoàng Thị Phụng- Chánh Văn phòng HĐND&UBND, Trưởng Ban Biên tập
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Liên hệ: 0913.485.126 (Trưởng Ban) 0963.138.913 (Phó Ban trực)
Email: vinhlinh@quangtri.gov.vn Địa chỉ: 01/ Huyền Trân Công chúa, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị
Bản quyền thuộc Cổng TTĐT huyện Vĩnh Linh (Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ website này)