Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Dành cả thanh xuân chăm sóc chốn linh thiêng

Nếu như ai đã từng một lần đến thăm Nghĩa trang Liệt Sỹ huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), chắc chắn rằng sẽ không thể nào quên được hình ảnh của 2 mẹ con: O Nguyệt và chị Phượng. Hai người phụ nữ dáng người nhỏ nhắn, một người đã có thâm niên 40 năm và một người cũng ngót nghét 12 năm gắn bó với chốn linh thiêng này. Dù trời nắng hay mưa, họ vẫn cần mẫn khói hương; nguyện dành cả thanh xuân chăm sóc mộ phần cho hương linh anh hùng liệt sỹ.

Dù đã nghỉ hưu nhưng 12 năm nay O Nguyệt vẫn hàng ngày tình nguyện chăm sóc phần mộ các AHLS.

Chuyện đời và tấm lòng O Nguyệt

O Nguyệt tên là Trần Thị Nguyệt, sinh năm 1959 tại xã Vĩnh Nam (nay là xã Trung Nam), huyện Vĩnh Linh. Năm 1978, khi vừa tròn 20 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, người con gái đang tuổi xuân xanh, viết đơn tình nguyện nhập ngũ và được biên chế vào Binh đoàn 12, Sư đoàn 470 mở đường Trường Sơn cứu nước. Năm 1981, sau một trận sốt rét ác tính, sức khỏe yếu dần, O Nguyệt được đơn vị động viên phục viên và về sống tại quê nhà.

Về cơ duyên trở thành người quản trang tại Nghĩa trang Liệt Sĩ Vĩnh Linh, O Nguyệt hồi tưởng kể: “Vào đầu năm 1983, một lần vào thắp hương cho các anh hùng Liệt sĩ ở Nghĩa trang, tôi chứng kiến cảnh một người mẹ đã ngoài 70 tuổi, đang ôm phần mộ con mình khóc mà nói: “Mẹ xin lỗi con, từ Hà Nội vào đây đường quá xa xôi, tuổi mẹ bây giờ đã già, không thể thường xuyên vào ra thăm con cùng đồng đội. Hãy tha thứ cho mẹ”. Lúc đó, lòng tôi như quặn lại,  đau cùng nỗi đau của người mẹ. Là mẹ, là con, là núm ruột của mình nhưng họ không thể cận kề chăm sóc. Chính vì vậy tôi rất mong muốn được làm điều gì đó đối với đồng đội của tôi và đối với những gia đình có người thân đã mãi mãi nằm xuống trên mảnh đất này”.

Nghĩ thế rồi O Nguyệt viết đơn gửi lên huyện xin tình nguyện trông coi, chăm sóc Nghĩa trang. “Lúc đầu, các anh chị ở Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội rất ngại cho tôi. Họ bảo tôi còn trẻ, khó mà thích hợp. Nhưng rồi với sự thuyết phục chân tình của mình, các anh chị cũng đồng ý”, O Nguyệt nhớ lại.

Kể thêm về chuyện đời của mình, O Nguyệt tâm sự: “Năm 1984, O lập gia đình, đến năm 1986, O sinh được 2 người con gái là Phạm Thị Hồng Phương và Phạm Thị Hồng Phượng. Con gái nhỏ chưa tròn 2 tuổi thì hạnh phúc gia đình đổ vỡ, chồng O đi theo một phụ nữ khác. Một mình O nuôi 2 con nhỏ, khó khăn đủ bề. Có khi không nhờ được ai trông 2 đứa, O lại đem con đến nghĩa trang, ru cho 2 chị em ngủ trong nôi rồi vừa trông con, vừa làm việc”.

“Công việc và cũng là tâm nguyện của mình nên khó khăn đến mấy cũng không bỏ bê được cháu nờ. O vẫn luôn túc trực gắn bó, chăm sóc mộ phần cho các liệt sỹ. Khi thì trồng mới, cắt tỉa cây xanh; khi thì lau chùi, quét dọn sạch sẽ khuôn viên, hương khói cho các phần mộ. Mỗi ngày có khi O phải đi bộ hàng chục km. Có nhiều lần, hài cốt liệt sĩ được quy tập đưa về đây an nghỉ nhưng chưa an táng được phải làm nhà tạm, để các anh nghỉ lại vài hôm. Từng đêm như thế O lại lên thắp hương, ngồi nói chuyện với các anh như nói chuyện với người thân của mình”, O Nguyệt kể thêm.

Trải qua 27 năm công tác, đến năm 2010, O Nguyệt nghỉ hưu theo chế độ. Dù đã nghỉ hưu nhưng 12 năm nay, không ngày nào O vắng mặt tại nghĩa trang Liệt Sỹ huyện Vĩnh Linh. Cứ 5 giờ sáng O lại cùng với người con gái của mình là chị Phạm Thị Hồng Phượng tất tả đi đến nghĩa trang, chăm lo cho mộ phần các anh hùng liệt sĩ mà không yêu cầu một chút quyền lợi với bản thân. Mỗi ngày O hỗ trợ cán bộ, nhân viên quản trang hướng dẫn đoàn thăm viếng; bảo vệ chăm sóc sạch sẽ khuôn viên, nơi yên nghỉ của các anh hùng liệt sĩ.

Vừa nói chuyện với tôi, O Nguyệt vừa đưa tay đốt bó nhang thắp hương lên mộ phần của các liệt sĩ chưa biết tên. Bao nhiêu năm làm quản trang và bây giờ là tự nguyện ở lại với chốn linh thiêng này, trong O vẫn luôn trăn trở một nỗi niềm. Đó là trong số trên 5.600 phần mộ tại nghĩa trang thì có đến 2.026 phần mộ chưa biết tên, mặc dù luôn hương khói nhưng O cảm giác vẫn phải để các anh, các chị chịu nhiều thiệt thòi. Nghĩ vậy O càng ra sức chăm lo cho những phần mộ đặc biệt này.

Gần 40 năm gắn bó với Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Vĩnh Linh, trong đó có 12 năm tự nguyện chăm sóc cho từng phần mộ các anh hùng liệt sĩ, O Nguyệt đã sống thật trọn vẹn nghĩa tình với đồng đội và với chính cả tâm nguyện của O. Điều tuyệt vời hơn với chính người làm mẹ như O, là con gái O càng hiểu sâu sắc hơn về những hi sinh của thế hệ cha anh đi trước, hiểu về những tháng năm gian khổ của đất nước, hiểu hơn về những việc O làm và cũng đang từng ngày thay O cần mẫn, chăm lo cho hương linh các anh hùng liệt sĩ.

Tiếp bước mẹ, đi làm điều tử tế

Đó là Phạm Thị Hồng Phượng, sinh năm 1986 là con gái O Nguyệt. Chị Phượng kể, tuổi thơ chị đã gắn với nghĩa trang này. Còn nhớ khi đang học cấp 2, vào mỗi kỳ nghỉ hè, cứ 5 giờ sáng là mẹ lại dắt theo 2 chị em tôi đi làm cùng. Tận mắt chứng kiến sự tảo tần với công việc của mẹ mà thương mẹ nhiều lắm. Có khi thấy mẹ vất vả quá, 2 chị em chưa hiểu chuyện cứ bảo mẹ “Thôi, đừng làm nữa”. Những lần như vậy, mẹ nhẹ nhàng răn dạy: “Đời mẹ khổ cực, nhưng mẹ vui vì mẹ vẫn đang cống hiến và làm điều có ích. Mẹ rất mong các con lớn lên, sẽ có một cuộc đời hạnh phúc, ấm êm. Và dù trong hoàn cảnh nào cũng phải sống thật tử tế. Bao năm qua, nghĩa trang này, những anh hùng liệt sĩ ở đây, cùng bao câu chuyện của những người đi tìm mộ liệt sĩ đã dạy cho mẹ làm người tử tế con ạ. Mình cứ làm từ tâm thì thấy lòng nhẹ nhàng, thanh thản lắm”.

Từ lời dạy của mẹ và tình cảm dành cho chốn linh thiêng này, năm 2008, sau khi tốt nghiệp lớp Trung cấp hành chính văn thư, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, mặc dù đã nộp đơn và được nhận vào làm văn phòng cho một công ty tư nhân ở Đà Nẵng nhưng cuối cùng chị lại từ bỏ và chọn ở lại quê hương để cống hiến. Ngày nào, chị cũng đến nghĩa trang cùng mẹ chăm sóc phần mộ các anh hùng liệt sĩ. Đến năm 2010, sau khi mẹ về hưu, thì chị được nhận vào làm chính thức tại Phòng Lao động - Thương Binh - Xã hội huyện Vĩnh Linh, trở thành người trực tiếp chăm lo hương linh cho các anh hùng liệt sĩ.

Công việc của chị Phượng là bảo vệ, chăm sóc các phần mộ liệt sĩ, cắt tỉa cây xanh quanh nghĩa trang, quản lý danh sách nghĩa trang, phục vụ các đoàn lãnh đạo, thân nhân liệt sĩ trong và ngoài tỉnh đến thăm viếng. Ngoài ra, chị còn hướng dẫn các gia đình đến thăm viếng, tìm kiếm và lập hồ sơ thủ tục cho các gia đình có nguyện vọng di chuyển phần mộ người thân về quê, đính chính thông tin trên bia mộ liệt sĩ… Những năm trước, khi chưa có bảo vệ nghĩa trang, chị Phượng phải trực đêm để phục vụ thân nhân liệt sĩ đến viếng. Bốn năm gần đây, khi có bảo vệ thì chị chỉ làm việc ban ngày, tối trở về nhà.

Khối lượng công việc nhiều, trong khi đó Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh lại là nơi có số lượng mộ phần liệt sĩ lớn nhất, với hơn 5.600 mộ liệt sĩ, diện tích rộng 6ha nhưng bất cứ ai, vào thời điểm nào khi đến thăm nơi này đều nhận thấy rất sạch sẽ, trang nghiêm. Khi thấy tôi có vẻ băn khoăn về việc bản thân là con gái, chân yếu tay mềm, tuổi đời lại còn rất trẻ mà làm việc nhiều như thế, chị Phượng cười hiền chia sẻ: "Vất vả là điều đương nhiên, nhưng vì sự gắn bó yêu thương và mong muốn được góp sức mình cho xứng đáng với sự hi sinh của các anh hùng liệt sĩ, tôi luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình”.

Tôi lại hỏi tiếp, vậy chị có ý định chuyển công tác vào làm một vị trí khác không, thì chị Phượng nói: “Vào năm 2015, nhiều lần các chú, các dì ở Phòng Lao động Thương binh Xã hội ngỏ ý muốn chuyển tôi lên làm công tác văn thư lưu trữ ở đơn vị để vừa phù hợp với chuyên môn được học, vừa đỡ vất vả, nhưng tôi không nỡ và cũng không muốn rời đi. Gắn bó với nghĩa trang nhiều năm đã thành quen, luôn có cảm giác được các anh hùng liệt sĩ bảo vệ, che chở che, thấy gần gũi lắm”.

“Có nhiều gia đình liệt sĩ như gia đình liệt sĩ Phạm Ngọc Kiên (Hải Phòng), gia đình liệt sĩ Nguyễn Thị Cảnh (TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Kim Thành (Hà Tĩnh) vì điều kiện không đến thắp hương, phúng viếng vào ngày giỗ của liệt sĩ hay ngày lễ, tết nên đã gọi điện nhờ tôi thay gia đình làm lễ cúng. Nhận lời, tôi cũng sắm đủ lễ vật, hương hoa. Đến giờ hành lễ thì gọi điện qua video để người thân, gia đình liệt sĩ cùng cúi đầu phúng viếng. Phía bên kia, mọi người tập trung đầy đủ từ người lớn đến trẻ con, chắp tay kính cẩn nghiêng mình, khóc thương người đã khuất mà lòng tôi cứ day dứt khôn nguôi, nước mắt cứ chực trào. Chứng kiến những cảnh đó, tôi chỉ muốn ở lại đây thay gia đình liệt sĩ chăm sóc con em họ như chính người thân của mình”, chị Phượng kể tiếp.

Đưa ánh mắt nhìn về hướng O Nguyệt đang tận tay trồng những khóm hoa Bông Trang đỏ, chị Phượng xúc động bộc bạch: “Mẹ tôi đó, năm ni 64 tuổi, rứa mà bà vẫn chưa cho phép mình nghỉ ngơi. Bà vẫn hàng ngày cùng tôi gắn bó với nghĩa trang này và dặn dò tôi hãy coi nơi đây như chính gia đình mình. Vậy thì làm sao tôi có thể rời khỏi nơi đây. Thanh xuân của mẹ đã gắn trọn với nơi này thì thanh xuân của tôi, tôi cũng chỉ mong mình có thật nhiều sức khỏe để làm tròn trọng trách được giao; để hương hồn anh hùng liệt sĩ luôn được thấy ấm áp; và để xoa dịu phần nào mất mát của các gia đình có con em đang nằm lại trên mảnh đất “lũy thép” Vĩnh Linh”.

Rời Nghĩa trang Liệt sĩ Vĩnh Linh, chia tay O Nguyệt và chị Phượng, tôi vẫn thấy bóng dáng 2 người phụ nữ âm thầm đi giữa hàng ngàn ngôi mộ màu trắng, nhổ từng bụi cỏ… Thực sự thấy ấm lòng và thầm biết ơn chị Phượng cũng như O Nguyệt rất nhiều. Việc mà họ làm đã cống hiến cho đời những mật ngọt yêu thương, góp phần phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” ngàn đời của dân tộc.

 

Mỹ Hằng

Bài viết liên quan