Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Khởi nghiệp thành công từ những sản phẩm nông sản địa phương

Vốn là một cô giáo dạy mầm non, nhưng với đam mê kinh doanh, năm 2016, chị Trần Thị Trang, quê ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh quyết định về quê làm ăn kinh tế. Vượt qua nhiều khó khăn, chị đã khởi nghiệp thành công, xây dựng được nhiều sản phẩm có thương hiệu, chinh phục được thị trường và người tiêu dùng trong cả nước như: Sữa bắp Gia Hân; Muối cá lá Gia Hân và Cốm gạo lứt rong biển Gia Hân.

Chị Trang cho biết, nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng những năm gần đây rất ưa chuộng loại thức uống là “Sữa bắp non”. Tuy vậy, qua khảo sát thị trường trên địa bàn huyện Vĩnh Linh chưa có cơ sở sản xuất loại thức uống này, nên chị quyết định đầu tư làm sữa bắp non để bán. Khi thực hiện ý tưởng, chị gặp không ít sự phản đối từ phía gia đình. Bởi theo mọi người, công việc là một cô giáo mầm non của chị đã rất ổn định, không nhất thiết phải bươn chải làm ăn. Hơn nữa lúc này, điều kiện kinh tế gia đình cũng không cho phép đầu tư một số vốn quá lớn cho sản xuất. Nhưng với khát vọng làm giàu, cũng như mong muốn đem sản phẩm nông sản địa phương đến gần hơn với người tiêu dùng, chị đã từng bước thuyết phục các thành viên trong gia đình. Ban đầu, chị đi mua một số sản phẩm sữa bắp đã được bán trên thị trường về uống thử. Sau đó dành thời gian nghiên cứu các công thức nấu sữa trên mạng internet, rồi tự tay mua nguyên liệu về nấu thử, uống thử và đăng lên mạng để khoe với bạn bè. Không ngờ, nhận được lời khen ngợi cùng đơn đặt hàng từ mọi người và con đường kinh doanh sữa bắp của chị cũng bắt đầu từ đó.

 

Cũng theo chị Trang, nguồn nguyên liệu để làm sữa bắp ở địa phương khá dồi dào. Tuy vậy, khi chọn bắp phải là trái bắp ngon nhất, không bị sâu bệnh. Quy trình nấu cũng phải đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Ngay từ bước chuyển sang làm số lượng lớn, chị đã đầu tư mua các thiết bị máy móc hỗ trợ như: máy xay sữa, máy thanh trùng sữa, máy đóng chai nhằm rút ngắn thời gian chế biến, cho ra một dòng sữa có chất lượng cao và đảm bảo vệ sinh. Hiện tại, sau hơn 5 năm cung cấp sản phẩm ra thị trường, chị Trang đã xây dựng được thương hiệu “Sữa bắp Gia Hân”, nhận được sự ủng hộ, tin dùng của nhiều người dân trong và ngoài tỉnh. Mỗi năm cơ sở của chị sản xuất được 30 ngàn chai sữa, đem về nguồn lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng.

 

Từ thành công ban đầu này, càng thôi thúc khát vọng làm giàu ở chị Trang. Năm 2018, chị bắt đầu tìm hiểu và cho ra thị trường sản phẩm “Cốm gạo lứt rong biển”. Chị Trang cho biết, từ những chuyến đi làm thị trường cho sản phẩm “Sữa bắp Gia Hân”, khá đông khách hàng hỏi chị, tại sao không làm thêm sữa gạo lứt, vì gạo lứt có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là đối với những người mắc chứng bệnh tiểu đường. Điều này khiến cho chị rất trăn trở, bởi sản phẩm chị làm ra đã thực sự chinh phục được khách hàng và họ đang mong muốn chị đem đến một sản phẩm khác, tốt hơn. Sau thời gian nghiên cứu chị quyết định tạo cho mình một “thử thách” mới, táo bạo hơn. Đó là, xây dựng dây chuyền sản xuất sản phẩm “Cốm gạo lứt rong biển”. Từ nguồn vốn tích cóp được chị đầu tư 250 triệu đồng mua các loại máy móc hỗ trợ sản xuất như: máy sấy, máy hấp, máy chiên. Gạo lứt phải được thu mua từ những cánh đồng canh tác theo hướng hữu cơ, không sử dụng thuốc trừ sâu và các chất kích thích. Gạo được bóc bỏ đi phần vỏ trấu, giữ lại lớp cám gạo màu đỏ bên ngoài để các thành phần dinh dưỡng không bị mất đi. Rồi đem rửa sạch, hấp chín, sấy khô, sau đó cho vào máy chiên ly tâm tách tinh dầu ra khỏi gạo. Bước cuối cùng là nêm nếm các gia vị vừa ăn, kết hợp với rong biển, mè trắng và đóng gói ra thị trường.

 

Đối với sản phẩm “Muối cá lá Gia Hân”, chị Trang cho biết, từ năm 2020, chị mới tiến hành làm những mẻ đầu tiên. Để có được một hũ muối cá thơm ngon thì khâu lựa chọn nguyên liệu đảm bảo chất lượng là yếu tố hàng đầu. Theo đó, cá nục tươi được lựa chọn rất kỹ sau khi hấp chỉ gỡ lấy phần thịt cá. Sau đó kết hợp với các loại gia vị như ớt, sả, hành tím, ngò gai rồi đem hấp sấy với nhiệt độ phù hợp nhằm đảm bảo vị thơm ngon của cá.

 

Hiện nay, sản phẩm “Cốm gạo lứt rong biển” và “Muối cá lá Gia Hân” được đóng gói theo nhiều quy cách khác nhau cho người tiêu dùng lựa chọn gồm gói: 100gam, 200gam, 350gam, 500gam. Thị trường tiêu thụ đã vươn ra nhiều địa phương trong cả nước như: Huế, Đà Nẵng, Quảng Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Năm 2021 có 15 tấn gạo lứt thành phẩm và 15.000 hộp muối cá lá được bán ra thị trường đem về cho chị nguồn lợi nhuận từ 200-250 triệu đồng/năm. Tạo công ăn việc làm cho 5 lao động có mức lương 200 ngàn đồng/ngày.

 

Chị Trần Thị Trang, chủ cơ sở sản xuất Gia Hân, thôn Nam Sơn, xã Vĩnh Sơn cho biết: “Đối với người kinh doanh, sản xuất ra sản phẩm với chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường đã khó, thì khâu quảng bá, giới thiệu và đưa đến tay người tiêu dùng lại càng gian nan hơn vạn lần”. Chính vì vậy, chị rất tích cực đưa sản phẩm tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, năm 2021 gia đình đã mạnh dạn mang sản phẩm “Cốm gạo lứt rong biển” và “Muối cá lá Gia Hân” tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm- OCOP” và được công nhận là sản phẩm 3 sao cấp tỉnh. “Hiện tôi cũng đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục để xây dựng nhà máy với quy mô sản xuất lớn hơn ở khu công nghiệp Krông Klang, huyện Đakrông. Đồng thời tôi cũng đã kết nối được đầu ra cho sản phẩm ở thị trường nước Úc. Đây là động lực để tôi tiếp tục duy trì và giữ vững thương hiệu, mong muốn sản phẩm sẽ chinh phục được những người tiêu dùng và thị trường khó tính hơn”, chị Trang bộc bạch.

 

Để có được kết quả như ngày hôm nay, ít ai biết rằng chị Trang đã trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả. Từ việc thiếu kinh nghiệm, kỹ năng, nguồn vốn cho đến việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm và tạo dựng uy tín đối với khách hàng. Thành công của chị Trang không chỉ một lần nữa khẳng định về bản lĩnh, khát vọng vươn lên làm giàu từ bàn tay, khối óc mà còn là nguồn cảm hứng cho nhiều bạn trẻ về ý tưởng lao động sáng tạo, không ngại khó, ngại khổ trên hành trình khởi nghiệp.

 

Mỹ Hằng

Bài viết liên quan