Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh
Đẩy mạnh thu hút khách du lịch thông qua các hoạt động lễ hội
- 11-01-2024
- 347 lượt xem
Trung bình mỗi năm huyện Vĩnh Linh đón khoảng 70.000 lượt khách du lịch. Tuy nhiên trong số đó lượt khách lưu trú chỉ chiếm từ 5% - 10% . Điều này đã đặt ra bài toán cho du lịch Vĩnh Linh là phải làm thế nào để gia tăng lượng du khách ở lại qua đêm nhằm góp phần phát triển kinh tế và tạo ra nhiều giá trị thương mại.
Đua thuyền tại Lễ hội Rằm tháng Giêng xã Vĩnh Sơn.
Để thu hút đông đảo lượng khách du lịch đến với Vĩnh Linh, cùng với việc đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch dịch vụ hiện có như du lịch sinh thái, du lịch di tích văn hóa, du lịch biển, danh tham thắng cảnh, du lịch nghĩ dưỡng... huyện đã đưa ra giải pháp là phát huy các giá trị văn hóa, lễ hội truyền thống vốn có của địa phương kết hợp phát triển các loại hình du lịch để làm phong phú thêm các tour. Đây cũng là một trong những định hướng nằm trong Đề án phát triển Thương mại- Dịch vụ huyện Vĩnh Linh giai đoạn 2022- 2025, định hướng đến năm 2030.
Vĩnh Linh là địa phương có rất nhiều các hoạt động lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc như lễ hội Đua thuyền truyền thống tại thị trấn Cửa Tùng dịp Tết Nguyên đán hàng năm; Hội bài chòi mùa Xuân tại trung tâm thị trấn Hồ Xá, Vĩnh Hòa, Vĩnh Giang, Vĩnh Nam; Hội đu xã Kim Thạch vào dịp Tết Nguyên đán; lễ hội Cồng chiêng của đồng bào Vân Kiều tại các xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, gắn với hoạt động kỷ niệm ngày người Vân Kiều mang họ Hồ của Bác 26/6; lễ hội Cầu Ngư rằm tháng 2, hò Chèo cạn, đua thuyền truyền thống tại thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang; Lễ hội Miếu Bà Vương phi họ Lê vào ngày 27/3 âm lịch tại xã Vĩnh Long, lễ hội Rằm tháng Giêng tại xã Vĩnh Sơn… Mỗi một lễ hội mang một nét độc đáo và ý nghĩa riêng, nhưng mỗi lần tổ chức đều rất công phu, hoành tráng. Nhờ đó luôn nhận được sự quan tâm chú ý của đông đảo người dân địa phương và nhiều du khách thập phương.
Bà Lê Thị Lưu, Khu phố 1, thị trấn Hồ Xá cho biết: “Mỗi khi quê hương có lễ hội, bản thân tôi và gia đình, bạn bè của mình đều rất háo hức tham gia; nhất là các lễ hội về đua thuyền, bài chòi, bóng đá bóng chuyền, hội diễn văn nghệ. Tôi nghĩ rằng, qua mỗi lần tổ chức lễ hội là dịp để chúng ta quảng bá hình ảnh quê hương Vĩnh Linh đến với du khách mọi nơi”.
Năm nào cũng vậy, cứ tới dịp Tết Nguyên Đán, những nghệ nhân hát bài chòi trong CLB Dân ca Sông Hiền và những nghệ nhân hát bài chòi tự do tại các địa phương trong huyện lại tất bất tập luyện, chuẩn bị những tiết mục hay để trình diễn phục vụ bà con nhân dân.
Bà Lê Thị Phương Mai, nghệ nhân hát bài chòi tại CLB Dân ca Sông Hiền cho biết: “Ngay từ những ngày đầu tháng Chạp, CLB Dân ca Sông Hiền chúng tôi đã triển khai luyện tập các làn điệu dân ca trong hoạt động bài chòi. Chúng tôi là thế hệ đi trước mong muốn rằng sẽ trở thành những người truyền lửa cho thế hệ sau về nét đẹp văn hóa dân gian của quê hương. Đồng thời, thông qua hoạt động bài chòi góp phần làm dấy lên không khí vui tươi, phấn khởi của toàn dân mừng Xuân mới, mừng Đảng quang vinh”.
Bên cạnh các lễ hội truyền thống, huyện cũng đang xây dựng kế hoạch hình thành và phát triển một số lễ hội mới gắn với phát triển du lịch như Ngày hội Văn hóa- Thể thao các dân tộc huyện Vĩnh Linh, được tổ chức định kỳ 5 năm một lần, Tuần văn hóa du lịch cấp huyện với điểm nhấn là lễ hội đường phố tại trung tâm thị trấn Hồ Xá, thị trấn Cửa Tùng, thị trấn Bến Quan, tổ chức định kỳ vào 25/8 đến 2/9 hàng năm hay Liên hoan văn nghệ các làng xã tổ chức định kỳ 4 năm một lần… Các lễ hội này được xây dựng dựa trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và nét đặc trưng văn hóa riêng có của địa phương.
Việc đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch trên địa bàn gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thông qua các lễ hội không chỉ góp phần đưa du lịch trở thành một lĩnh vực quan trọng mà còn tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, giải quyết tốt các chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo hiệu quả.
Ông Lương Ngọc Ninh, Trưởng phòng VH-TT huyện Vĩnh Linh cho biết: “Trong thời gian tới ngành văn hóa thông tin sẽ tiếp tục tham mưu UBND huyện tăng cường tổ chức sôi nổi các lễ hội văn hóa, hoạt động thể dục thể thao nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương; nhất là trong năm 2024, gắn với sự kiện kỷ niệm 70 năm truyền thống Vĩnh Linh. Cùng với đó là các lễ hội ẩm thực quy tụ các sản phẩm nông nghiệp OCOP, các món ăn truyền thống, nổi tiếng ở mỗi xã, thị trấn. Qua đó góp phần làm đa dạng, phong phú thêm các dịch vụ du lịch, thu hút mời gọi ngày càng du khách đến với Vĩnh Linh”.
Phương Nga
- Phát huy giá trị di tích lịch sử để phát triển du lịch (10/01/2024)
- “Bông Sen Hồng” năm ấy- nay không ngừng “tỏa hương” (04/01/2024)
- Vĩnh Linh đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa di tích lịch sử (03/01/2024)
- Độc đáo món bánh đúc ở làng Hiền Dũng (19/12/2023)
- Đất thép Vĩnh Linh hồi sinh (27/10/2023)
- Những chiến sĩ trên mặt trận nghệ thuật của Đặc khu Vĩnh Linh (19/10/2023)
- Vĩnh Linh vững vàng trên đường hội nhập và phát triển (24/08/2023)
- Hồ Xá vươn lên từ truyền thống anh hùng (01/08/2023)
- Nghĩa trang liệt sĩ Vĩnh Linh - Điểm đến tri ân (26/07/2023)
- Đẹp ngỡ ngàng những “nhoi đất” vươn ra biển lớn (23/07/2023)
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĨNH LINH TỈNH QUẢNG TRỊ
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Chịu trách nhiệm chính: Hoàng Thị Phụng- Chánh Văn phòng HĐND&UBND, Trưởng Ban Biên tập
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Liên hệ: 0913.485.126 (Trưởng Ban) 0963.138.913 (Phó Ban trực)
Email: vinhlinh@quangtri.gov.vn Địa chỉ: 01/ Huyền Trân Công chúa, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị
Bản quyền thuộc Cổng TTĐT huyện Vĩnh Linh (Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ website này)