Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Góp phần phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Một trong những giải pháp quan trọng trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 và phục hồi nền kinh tế sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 mà Trung ương, tỉnh và huyện Vĩnh Linh đã xác định đó là tăng cường đầu tư tín dụng cho nền kinh tế. Đây cũng được xem là một trong những giải pháp góp phần tiếp sức cho doanh nghiệp và người dân. Thực tế cho thấy, hoạt động hiệu quả của hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn huyện từ đầu năm đến nay đã đóng góp tích cực vào quá trình phục hồi và phát triển triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Linh tổ chức hoạt động tín dụng tại xã Kim Thạch.

Trên địa bàn huyện Vĩnh Linh hiện có 6 Ngân hàng thương mại mở chi nhánh và phòng giao dịch, 1 Ngân hàng Chính sách xã hội, 5 Quỹ tín dụng nhân dân. Với sự chủ động, linh hoạt và bám sát  tình hình kinh tế- xã hội của địa phương, ngay từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách trọng tâm của Đảng, Nhà nước và ngành Ngân hàng. Trong đó Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về các giải pháp phục hồi và phát triển nến kinh tế xã hội sau đại dịch, Nghị quyết số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ NHNN đối với khoản vay của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh; Nghị định 36 về hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại NHCS, Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 .

Cùng với đó, các ngân hàng, tín dụng trên địa bàn đã nổ lực thực hiện việc cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục nhằm giúp cho doanh nghiệp và người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng; đẩy mạnh việc rà soát, xử lý dư nợ xấu. Thực hiện nghiêm việc giám sát tăng trưởng tín dụng, ưu tiên nguồn vốn đầu tư các lĩnh vực thuộc diện ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp sạch. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng trong các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, trái phiếu, bất động sản... Ngoài ra các ngân hàng, tín dụng cũng đặc biệt quan tâm đến công tác điều hòa lưu thông tiền tệ, cung ứng đủ khối lượng tiền mặt theo yêu cầu của nền kinh tế, công tác quản lý hạt động kinh doanh vàng và ngoại tệ cũng được tăng cường thực hiện theo quy định.

Bằng những giải pháp đồng bộ và tích cực, hoạt động của hệ thống ngân hàng trên địa bàn huyện Vĩnh Linh trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn từ đầu năm đến nay đạt 4.123 tỷ đồng, tăng 279 tỷ đồng so với cuối năm 2021 và chiếm tỷ trọng 14,2%/tổng nguồn vốn huy động toàn tỉnh. Hoạt động tín dụng có tổng dư nợ đạt 5.956 tỷ đồng, tăng 1.055 tỷ đồng với tỷ lệ tăng 21,53% so với cuối năm 2021; chiếm tỷ trọng 12% /tổng dư nợ toàn tỉnh. Nợ xấu đến cuối tháng 8 còn 12,58 tỷ đồng.

Đặc biệt, với chủ trương tiếp tục đồng hành, “chia lửa” cùng với chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế như hiện nay, các chương trình tín dụng trọng điểm của NHNN đã phát huy được hiệu quả. Trong đó, tín dụng cho các đối tượng chính sách với tổng dư nợ đến nay tăng lên 535 tỷ đồng. Trong 8 đầu năm các chương trình tín dụng đối tượng chính sách đã  hỗ trợ kịp thời cho gần 2.356 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn phát triển kinh tế; góp phần giải quyết việc làm cho 1.356 lao động; hỗ trợ 215 học sinh, sinh viên tiếp bước đến trường; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 925 công trình nước sạch và vệ sinh, xây mới 35 căn nhà cho vay đối tựng nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2012/NĐ-CP. Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được thực hiện nghiêm túc và đầy đủ theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Tổng dư nợ từ chương trình này tính đến hết tháng 8/2022 đạt 1.860 tỷ đồng, tăng 375 tỷ đồng so với đầu năm. Đã có 4.930 khách hàng được hỗ trợ vay vốn; trong đó khách hàng doanh nghiệp có 16 khách hàng với số dư nợ cấp tín dụng là 57 tỷ đồng, khách hàng cá nhân là 4.914 với dư nợ 1.804 tỷ đồng.

Một trong những điểm nổi bật khác trong hoạt động của hệ thống ngân hàng trên địa bàn huyện thời gian qua đó là  phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương mở rộng các điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt, khuyến khích thanh toán trực tuyến qua thiết bị di động SmartBanking, QR Code... Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động nghiệp vụ, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng theo Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 13/01/2022 của Thống đốc NHNN. Qua đó, đã góp phần đẩy mạnh thực hiện chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin trong lao động, học tập và làm việc của chính quyền địa phương; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách trong quá trình giao dịch.

Với những hoạt động tích cực từ đầu năm đến nay, các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn huyện đã góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương tiếp tục tăng trưởng ổn định. Tổng thu ngân sách nhà nước ước 9 tháng ước đạt 751,1 tỷ đồng, đạt 143,28% so với dự toán được giao. Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng 22,39% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ ước tăng 13,13% so với cùng kỳ; trong 9 tháng đầu năm có 1.830 lao động được tạo việc làm mới; hơn 3.685 người dân được hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19...

Tuy nhiên để hoàn thành kế hoạch hoạt động mà các ngân hàng và tổ chức tín dụng trên địa bàn đã đề ra và hỗ trợ tích cực hơn nữa cho sự phát triển kinh tế- xã hội của huyện, thời gian tới các đơn vị sẽ tiếp tục bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Vĩnh Linh lần XIX, nhiệm kỳ 2020- 2025 để đầu tư tín dụng góp phần hoàn thành nhiệm vụ mà Nghị quyết đề ra. Nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ ngân hàng. Đặc biệt, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và hộ dân trong quá trình vay vốn. Thực hiện nghiêm túc việc tăng trưởng tín dụng đi đôi với phòng ngừa rủi ro. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo chương trình, kế hoạch của NHNN, UBND các cấp. Đồng thời thực hiện các biện pháp để thu hồi và xử lý nợ xấu nhằm xử lý nhanh, hiệu quả các khoản nợ xấu, từ đó góp phần nâng cao năng lực tài chính cho các tổ chức tín dụng, hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.

Phương Nga

More