Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Thu nhập cao từ mô hình kinh tế tổng hợp

Nhanh nhạy, dám nghĩ, dám làm, ông Nguyễn Đăng Khoa, thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh đã từng bước xây dựng thành công mô hình trang trại tổng hợp, có thu doanh thu xấp xỷ 1,2 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 700 triệu đồng/năm; trở thành một trong những gương nông dân tiêu biểu trong phong trào làm kinh tế giỏi ở địa phương.

Cùng cán bộ Hội Nông dân thị trấn Bến Quan, chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi gà gia công của ông Khoa. Tận mắt chứng kiến thành quả và được nghe kể về quá trình lập nghiệp mới hiểu rõ sự cần mẫn, quyết tâm của người nông dân này. Theo lời ông Khoa, trước đây ông cũng đã đầu tư chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, chỉ đầu tư chăn nuôi theo phương thức nông hộ, nên mọi chi phí sản xuất đến thị trường tiêu thụ sản phẩm ông đều phải tự lo. Hình thức chăn nuôi này tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm, khiến ông không dám mở rộng quy mô sản xuất. Đến năm 2019, sau khi được sự giới thiệu, hỗ trợ từ Liên minh HTX Quảng Trị, ông đã mạnh dạn liên kết với Công ty Japfa Việt Nam để chăn nuôi gà cho Công ty.

Theo đó, gia đình đầu tư về quỹ đất, cơ sở hạ tầng chuồng trại, công chăm sóc còn công ty đầu tư toàn bộ con giống, cám, thuốc thú y và có nhân viên kỹ thuật chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống các loại dịch bệnh cho gà. Sau khi con nuôi đến tuổi xuất bán, công ty sẽ thu mua lại toàn bộ gà thành phẩm và thanh toán tiền nuôi gia công cho gia đình. Là người có kinh nghiệm trong chăn nuôi, nên việc liên kết chăn nuôi với công ty được thực hiện suôn sẻ, đàn gà do gia đình ông nuôi ít dịch bệnh, chất lượng tốt, nên thu nhập cao và ổn định.

Ông Khoa cho biết: “Cuối năm 2019, gia đình đã đầu tư 1,5 tỷ đồng, xây dựng 1.500 m2 chuồng trại khép kín, cùng những trang thiết bị hiện đại như: máng ăn tự động, hệ thống làm mát, máy sưởi, hệ thống xử lý chất thải, hệ thống điện chiếu sáng, đảm bảo vệ sinh môi trường. Mô hình có quy mô chăn nuôi mỗi lứa 16.000 con gà. Sau hơn 3 tháng chăm sóc, khi gà có trọng lượng khoảng 2,2 kg đến 2,4 kg/con sẽ xuất bán. Công ty đã chi trả mỗi kg gà 6.000 đồng tiền công chăm sóc. Tính toán, sau khi trừ các khoản chi phí, ông có thu nhập trên 150 triệu đồng. Mỗi năm 3 lứa nuôi gà đã cho gia đình thu về 450 triệu đồng”.

Bên cạnh chăn nuôi gà, hiện nay, ông Khoa đang sở hữu 2ha cao su tiểu điền; 2ha rừng tràm; 1ha cam Vân Du. Theo lời kể của ông Khoa, hơn 20 năm trước ông là một trong những hộ nông dân tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng việc phát triển trồng cây cao su ở vùng gò đồi thị trấn Bến Quan. Vào khoảng từ năm 2010- 2013 là thời hoàng kim của cây cao su khi giá mủ tăng cao kỷ lục. Sau đó thì giá mủ cao su bắt đầu xuống thấp và kéo dài, khiến người trồng cao su lâm vào cảnh điêu đứng, bế tắc. Nhiều hộ dân ở địa phương lưỡng lự, phân vân có nên duy trì hay chặt bỏ loại cây trồng này nhưng ông thì không nản chí, luôn động viên các thành viên cùng cố gắng, kiên trì chăm sóc, duy trì diện tích cao su. Từ đầu năm 2021, giá mủ cao su bắt đầu có dấu hiệu tăng, có thời điểm đạt đến 18.000 đồng/kg mủ đông; hiện tại, giá dao động từ 10.000 đồng đến 13.000 đồng/kg mủ đông. Với 2ha cao su, hiện gia đình ông cũng có thu khoảng 200 triệu đồng/năm. Ngoài ra 2ha rừng tràm đã qua 5 chu kỳ khai thác. Ông nhẩm tính, mỗi năm sau khi trừ các khoản chi phí, từ diện tích rừng tràm này mang lại cho gia đình lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó, nhận thấy tiềm năng đất đai vùng gò đồi phù hợp với các loại cây ăn quả, năm 2019, ông Nguyễn Đăng Khoa học hỏi kinh nghiệm trồng cam ở các địa phương trong tỉnh và tỉnh bạn, mạnh dạn đầu tư trồng thêm 1ha cam Vân Du. Hiện tại, vườn cam của gia đình ông đã thu hoạch vụ thứ hai. Năng suất vụ này ước hơn 1,5 tấn/ha. Với giá bán dao động từ 28.000- 30.000 đồng/kg, ông thu được khoảng 35 triệu đồng/ha, giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với nhiều loại cây trồng khác. Dự tính, bước vào năm thứ 5 tính từ thời điểm trồng, vườn cam sẽ đạt năng suất khoảng 4 tấn/ha và sẽ tăng dần ở các năm tiếp theo. Như vậy, sẽ đem lại cho gia đình ông nguồn thu nhập đáng kể.

Với mô hình kinh tế này, ông Khoa đã tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động chính và 6 lao động thời vụ tại địa phương với mức lương từ 5- 6 triệu đồng/tháng.

Chia sẻ về dự định của mình, ông Khoa cho hay: “Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi gà. Đối với cây cam, đây hoàn toàn là cây trồng mới ở thị trấn Bến Quan nên vừa trồng tôi vừa rút kinh nghiệm, nếu đầu ra ổn định tôi sẽ tiếp tục chuyển đổi dần từ một số diện tích trồng cao su kém hiệu quả sang trồng cam với quy mô lớn hơn”.

Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Bến Quan Đỗ Xuân Đức cho biết: “Hiện nay ngoài phát triển cây cao su, rừng trồng, nhiều hộ nông dân ở thị trấn Bến Quan đã mạnh dạn phát triển các trang trại tổng hợp, đưa cây, con mới vào sản xuất, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm có lợi thế mang lại giá trị thu nhập cao. Mô hình kinh tế tổng hợp của ông Nguyễn Đăng Khoa không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình mà còn góp phần mở ra hướng đi mới cho nền sản xuất nông nghiệp ở địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, làm giàu trên chính quê hương của mình”.

Mỹ Hằng

More