Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Ghi nhận từ việc Chuyển đổi số giúp cuộc sống của người dân trở nên tiện ích và an toàn hơn

Hòa chung nhịp đập chuyển đổi số của cả nước và tỉnh Quảng trị, tại huyện Vĩnh Linh trong thời gian qua Chuyển đổi số với việc áp dụng các tiện ích 4.0 ngày càng trở nên phổ biến hơn.  Người dân từ khu vực thành thị đến nông thôn đều nhanh chóng thích ứng và hòa mình vào công cuộc Chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực từ giao dịch tài chính, kinh tế, du lịch đến nông nghiệp, hành chính...  Qua đó đã góp phần tạo nên cuộc sống tiện ích, an toàn và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Những ngày đầu năm mới 2024 và cận kề Tết Nguyên Đán, nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn huyện có xu hướng tăng cao. Nếu như trước đây những bà nội trợ phải dùng tiền mặt để chi trả cho tất cả các mặt hàng mua sắm, thì bây giờ chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có cài đặt phần mềm tiện ích thanh toán từ ngân hàng là có thể thanh toán bằng QR code tại các điểm mua sắm, các của hàng bán lẻ. Việc thanh toán không dùng tiền mặt khi mua sắm đang trở thành thói quen của nhiều người dân.

Ghi nhận tại quán tạp hóa Lương Nguyệt ở thôn Lâm Cao, xã Vĩnh Lâm; trong một buổi sáng đã có khoảng hơn 60 lượt người đến trao đổi, mua bán. Trong đó, có khoảng một nữa số người đã lựa chọn thanh toán bằng cách quét mã QR code thay vì trả tiền mặt. Khoảng tầm 6 tháng trước, cửa hàng tạp hóa Lương Nguyệt đã phối hợp với Quỹ tín dụng nhân dân xã Vĩnh Lâm mở tài khoản, đăng kí mã Viet QR và tiến hành gắn mã tại của hàng để phục vụ khách đến mua sắm.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt, chủ cửa hàng cho biết: “Kể từ khi gắn mã QR, không chỉ những khách hàng trẻ tuổi rành về công nghệ mà nhiều khách hàng lớn tuổi cũng lựa chọn việc thanh toán bằng cách quét mã. Việc thanh toán như vậy vô cùng tiện lợi cho cả người mua lẫn người bán, hạn chế được tình trạng mất mát tiền bạc, tiền giả hay nhầm lẫn khi trả lại tiền thừa”.

Tương tự tại của hàng tạp hóa Phi Trường, ở địa chỉ 98, Trần Phú, thị trấn Hồ Xá đa phần khách hàng đến đây đều lựa chọn hình thức thanh toán bằng cách quét mã QR. Chủ cửa hàng, anh Nguyễn Phi Trường cho biết rằng, không chỉ mang lại tiện ích cho khách hàng, mà ngay cửa hàng cũng rất thích việc khách quét mã QR. Bởi, vừa đảm bảo an toàn về mặt tài sản cho cửa hàng vừa tiết kiệm thời gian cho nhân viên trong quá trình thanh toán, từ đó có thể tư vấn tốt hơn cho khách hàng của mình.

Vì công việc bận rộn và làm xa nhà nên chị Nguyễn Thị Hương (thôn Lê Xá,Vĩnh Sơn) thường phải nhờ người quen nộp giùm tiền điện. Từ ngày được nhân viên Điện lực và Viettel hướng dẫn cài đặt ứng dụng Vietel Pay trên điện thoại, tạo tài khoản, nộp tiền và đăng ký thanh toán tiền điện tự động những khó khăn, bất tiện đã được giải quyết. Chị Hương khẳng định rằng, chỉ cần vài thao tác trên điện thoại là có thể thanh toán một cách nhannh chóng, đúng thời gian quy định dù ở bất kỳ đâu; đó là tiện lợi dễ thấy nhất khi sử dụng phương thức thanh toán tiền điện trực tuyến, ngoài ra còn giúp tiết kiệm thời gian công sức đi lại.

Chia sẻ về tiện ích của hình thức ủy quyền ngân hàng trích nợ tiền điện, anh Nguyễn Tiến Nam, giáo viên trường Tiểu học Quyết Thắng cho biết: “Tôi mở tài khoản đã lâu và chủ yếu để chuyển, nhận tiền lương cùng các giao dịch cá nhân. Trước đây đến hạn thanh toán tiền điện, tôi phải đến nộp trực tiếp, vì là công chức nhà nước nên khi mình hết giờ làm việc thì nhân viên Điện lực cũng đã  nghỉ nên phải đi lại nhiều lần. Nhiều khi cũng quên đến nộp. Tuy nhiên từ khi thực hiện việc ủy quyền thanh toán tự động đến nay, gia đình tôi không còn phải lo lắng về vấn đề này nữa”.

Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Vĩnh Linh, thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, Bệnh viện đã tổ chức xây dựng mô hình khám bệnh, chữa bệnh BHYT bằng thẻ căn cước công dân (CCCD) có gắn chip, ứng dụng VNeID và mô hình thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tại đơn vị. Theo thông tin từ các nhân viên phụ trách công tác hành chính, thu nộp viện phí thì mô hình có rất nhiều lợi ích. Thứ nhất là tiết kiệm được thời gian, công sức cho cả người dân và đơn vị. Trước kia, khi đến bệnh viện, người dân phải mang nhiều loại giấy tờ như CMND, CCCD, BHYT... thì nay, chỉ cần mang theo thẻ CCCD hoặc điện thoại thông minh có cài đặt ứng dụng VNeID đạt mức 2 là có thể thực hiện khám chữa bệnh BHYT. Đồng thời việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt giúp giảm thời gian chờ, hạn chế tối đa rủi ro phát sinh cho người nhà và bệnh nhân, giúp đơn vị thuận lợi hơn trong việc quản lý thông tin bệnh nhân cũng như nguồn thu viện phí, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Đến khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Vĩnh Linh, bà Lê Thị Lưu (60 tuổi, ở Khu phố 1, thị trấn Hồ Xá) không còn phải mang theo nhiều giấy tờ, thẻ BHYT hay sổ theo dõi khám bệnh bằng giấy như trước đây mà chỉ cần thẻ CCCD gắn chíp. Mọi thủ tục diễn ra nhanh chóng nên bà cảm thấy rất hài lòng.

Bà Lưu cho biết: “Tôi sử dụng CCCD gắn chíp để đăng ký khám bệnh từ giữa năm 2023. Bây giờ, khi đến tái khám hoặc cần đăng ký khám chữa bệnh thì chỉ cần đưa thẻ CCCD cho nhân viên y tế quét mã là đã hiện lên tất cả thông tin cá nhân, lịch trình khám của tôi. Điều này rất thuận tiện cho cá nhân tôi, cũng như các bác sĩ sẽ dễ dàng trong việc nắm bắt được tiền sử bệnh tật và tình hình  diễn biến sức khỏe của tôi”.

Hiện nay, chuyển đổi số đang được chính quyền và người dân trên địa bàn huyện Vĩnh Linh chung tay, đẩy mạnh thực hiện ở mọi lĩnh vực với nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể. Nhất là trong 2 năm trở lại đây khi Tỉnh ủy Quảng Trị ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Một số thành tựu đã đạt được nhờ nổ lực chuyển đổi số tại địa phương có thể nhắc đến là: tính đến thời điểm hiện tại huyện đã cấp trên 76.382 thẻ CCCD; trên 9.550 tài khoản định danh mức độ 1, trong đó đã kích hoạt trên 5.199 tài khoản; cấp trên 7.324 tài khoản định danh mức độ 2, đã kích hoạt 5.698 tài khoản. Ước tính toàn huyện có trên 90% cơ sở kinh doanh buôn bán lẻ đã ứng dụng các nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt, nộp thuế điện tử; trên 80% hộ gia đình sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động thanh toán các loại phí, lệ phí và mua sắm công cộng. Số hộ dân có điện thoại thông minh ước chiếm trên 80%; trong đó số người có điện thoại thông minh trong độ tuổi lao động chiếm 85%. Hạ tầng mạng băng thông rộng cáp quang có độ phủ trên 95% hộ gia đình và 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện; phổ cập dịch vụ mạng 4G đến 95% hộ gia đình.

Huyện Vĩnh Linh xác định 3 trụ cột chính trong thực hiện Chuyển đổi số là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Bên cạnh các kết quả đã đạt được, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình chuyển đối số trên mọi lĩnh vực. Xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiếp cận, dùng thử, hướng đến thường xuyên sử dụng các nền tảng chuyển đổi số; có chính sách hỗ trợ cho Tổ Công nghệ số cộng đồng của các địa phương… Tất cả đều hướng tới mục tiêu xây dựng một cuộc sống an toàn, tiện ích hơn cho người dân trên địa bàn.

Phương Nga

More