Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Quan điểm của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay

Nhiều thập niên qua, đặc biệt là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước mà tiêu biểu trong nhiệm kỳ Đại hội XII, những năm đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII, dưới ánh sáng soi đường của tư tưởng Hồ Chí Minh “Công tác đấu tranh PCTNTC, lãng phí chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá, được tiến hành quyết liệt, có hiệu quả” để lại những dấu ấn nổi bật; tạo sự đồng thuận cao trong xã hội; niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân với Đảng, Nhà nước được củng cố, tăng cường. Tuy nhiên, “Tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội”; tham nhũng, tiêu cực (TNTC) vẫn là “Một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”.

Đất nước đang bước vào thời kỳ phát triển mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng với những thời cơ lớn và thách thức không nhỏ. Cuộc đấu tranh PCTNTC cũng bước vào giai đoạn khó khăn, cam go, phức tạp và quyết liệt hơn. Đòi hỏi cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, địa phương, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân cần phải kiên quyết, kiên trì, quyết tâm hơn trong cuộc đấu tranh ngăn ngừa, đẩy lùi TNTC.

Sự cần thiết phải đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn hiện nay

Công tác PCTNTC được Đảng ta xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cấp bách trong công tác xây dựng Đảng. Trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhiệm vụ chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và PCTNTC trong cán bộ, đảng viên là đặc biệt quan trọng. Thực tiễn hoạt động PCTNTC thời gian qua cho thấy, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức đã làm ngơ, dung túng, bao che, tiếp tay, đồng phạm, thậm chí là chủ mưu trong những vụ án, vụ việc TNTC; với nhiều biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Vì vậy, PCTNTC trong cán bộ, đảng viên đang là nhiệm vụ cấp thiết, đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất, TNTC góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh.

Ở nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội (Điều 4 Hiến pháp năm 2013). Cương lĩnh chính trị năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011) và Điều lệ Đảng đã xác định: Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị. Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị. Đảng xác định cán bộ là “cái gốc của mọi công việc”, là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”, là lực lượng quyết định việc tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối chính trị, là nhân tố quan trọng nhất bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cả hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, cán bộ cũng là gốc rễ của TNTC, vì tham nhũng là một loại hành vi tiêu cực do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, là loại biểu hiện cụ thể của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Nếu nhiều tổ chức đảng, cán bộ, đảng  viên yếu kém, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, không trong sạch, vững mạnh dẫn đến TNTC thì sẽ làm suy yếu Đảng, gây ảnh hưởng đến uy thế, thanh danh của Đảng, từ đó đe dọa đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ.

VI. Lênin đã chỉ rõ: Tham nhũng, tiêu cực bắt nguồn từ tư tưởng thích chức quyền, ham giàu sang phú quý, “ăn trên ngồi trốc” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, đó là việc lợi dụng chức quyền, vị trí công tác để tư lợi cá nhân, sống ích kỷ, “ăn bám” trên sức lao động của người khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra: “tham ô và lãng phí đều do bệnh quan liêu mà ra”; “những kẻ tham ô, lãng phí và quan liêu thì phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và của nhân dân, tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám”.

Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta đã sớm nhận thức được nguy cơ, tác hại của tham nhũng, tiêu cực đối với Đảng, chế độ và sự nghiệp xây dựng đất nước. Văn kiện Đại hội X, XI, XII và XIII của Đảng đều khẳng định tác hại vô cùng to lớn của tham nhũng, làm suy giảm nghiêm trọng nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra rào cản rất lớn đối với quá trình đổi mới, phát triển đất nước “làm giảm lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của các cơ quan nhà nước”; “đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước”; “là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước”; “làm tổn hại thanh danh của Đảng”; làm cho“bộ máy của Đảng và Nhà nước suy yếu, lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, đối với chế độ bị xói mòn”, thậm chí còn “tiếp tay cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá ta, uy hiếp sự tồn vong của chế độ ta” và đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”.

Hiện nay, không ít cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền, làm việc ở những ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bị xử lý kỷ luật của Đảng và xử lý hình sự.

Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ án, vụ việc TNTC đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp; xử lý kỷ luật, xử lý hình sự nhiều cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang theo đúng quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”; xử lý rất nghiêm khắc, nhưng cũng rất nhân văn, có lý, có tình; giúp cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực hiệu quả, được dư luận và nhân dân rất đồng tình, ủng hộ đánh giá cao.

Cụ thể: Cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp đã xử lý kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, đã kỷ luật 190 cán bộ diện Trung ương quản lý (có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 34 ủy viên Trung ương, nguyên ủy viên Trung ương; 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang). Các cơ quan tiến hành tố tụng trong cả nước khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can; truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can; xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Ban Chỉ đạo đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ. Có 37 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự (01 Ủy viên Bộ Chính trị, 10 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 06 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, 13 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang).

Tổng kết công tác xây dựng Đảng của nhiệm kỳ XII, Đại hội XIII đã chỉ ra: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tiên phong, gương mẫu; tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn còn diễn biến phức tạp” . Do vậy, PCTNTC trong cán bộ, đảng viên là việc hết sức cấp bách và ưu tiên hàng đầu của Đảng ta trong quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay.

Quan điểm của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

- Công tác PCTNTC là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự.

- Công tác PCTNTC là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xâỵ dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

- Gắn phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực (bao gồm cả lãng phí); gắn PCTNTC với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, củng cố hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

- Phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi tham nhũng, tiêu cực, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực; can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, tiêu cực.

- PCTNTC là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm. Kiên quyết, kiên trì, khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa để không thể TNTC; cơ chế răn đe, trừng trị để không dám TNTC; cơ chế bảo đảm để không cần TNTC.

- Kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chú trọng tổng kết thực tiễn, chủ động hợp tác quốc tế và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài.

Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng và các Hội nghị Trung ương gần đây, cũng như cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bổ sung thêm một số quan điểm mới, hệ thống hóa đầy đủ nhận thức, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp về công tác PCTNTC của Đảng, Nhà nước và của đồng chí Tổng Bí thư Nguyên Phú Trọng như sau:

- TNTC trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, có mặt còn phức tạp và tinh vi hơn, vẫn còn một số cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, cơ quan tư pháp TNTC gây bức xúc trong dư luận; do đó yêu cầu không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được, mà phải tiếp tục kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh công tác đấu tranh PCTNTC, với quyết tâm chính trị cao hơn, cách làm bài bản, quyết liệt, hiệu quả hơn, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đây là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

- Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tiêu cực; gắn đấu tranh phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các tổ chức đảng trong hệ thống chính trị.

- Thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự trong PCTNTC. Tiến hành đồng bộ giữa kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính của Nhà nước, đoàn thể và xử lý hình sự. Kỷ luật của Đảng phải thực hiện trước, là tiền đề để xử lý kỷ luật hành chính của Nhà nước, đoàn thể và xử lý hình sự; kỷ luật của Đảng nghiêm hơn xử lý theo pháp luật. Việc xử lý phải lấy giáo dục, răn đe, phòng ngừa làm chính, kết hợp giữa trừng trị với khoan hồng; đồng thời, bảo vệ khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung.

Mục đích của việc xử lý TNTC là để “trị bệnh cứu người”, kỷ luật một người để cứu muôn người , truy tố một vụ cảnh tỉnh cả vùng, từ đó để “cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa là chính, nên cần phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; có bệnh phải chữa ngay, không nuôi ung thành họa; phải cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây...; phải tăng cường giáo dục kỷ luật, siêt chặt kỷ luật, kỷ cương, dùng kỷ luật nghiêm minh và giám sát nghiêm khắc để cán bộ, đảng viên biết giữ gìn, nhớ điều cấm, giữ giới hạn”

- Việc đánh giá, nhìn nhận về các sai phạm phải đặt trong những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể để có quan điểm xử lý khách quan, phù hợp. Yêu cầu quá trình phát hiện, xử lý tham nhũng phải xem xét, đánh giá khách quan, biện chứng, thận trọng, làm rõ động cơ, mục đích sai phạm để phân biệt hành vi của những người dám nghĩ, dám làm, có động cơ trong sáng vì sự nghiệp đổi mới đất nước với hành vi của những người có động cơ tư lợi cá nhân để xử lý phù hợp, động viên, khuyến khích, bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đi đầu, đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung của đất nước. Từ đó phải phân hóa, xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, tập thể trong từng trường hợp cụ thể để quyết định các biện pháp xử lý cho phù hợp, bảo đảm “thấu tình, đạt lý”, “tâm phục, khẩu phục”, “rất nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn”, nhằm “giáo dục cảnh tỉnh”, “răn đe, phòng ngừa sai phạm”...

- Đẩy mạnh kiểm soát quyền lực để PCTNTC; phải “nhốt” quyền lực vào trong “lồng” cơ chế; có cơ chế ngăn ngừa, xử lý nghiêm các hành vi can thiệp, tác động không đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước vào hoạt động của các cơ quan chức năng PCTNTC. Mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sai phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, nghiêm minh và công khai, làm nghiêm từ trên xuống dưới, không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai. Kịp thời xử lý, điều chuyển, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý khi có biểu hiện TNTC, uy tín thấp; xử lý nghiêm những cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiên hà cho người dân, doanh nghiệp.

- Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng; tăng cường phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa hoạt động thanh tra, kiểm tra của Đảng với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và giữa các cơ quan chức năng trong thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thi hành án, nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm thì phải kịp thời chuyển hồ sơ vụ việc đến Cơ quan điều tra để thụ lý điều tra, xử lý theo pháp luật, không chờ kết thúc quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thi hành án.

Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án nếu phát hiện vi phạm liên quan đên cán bộ thuộc diện Bộ Chính tri, Ban Bí thư quản lý phải báo cáo ngay cho Thường trực Ban Chỉ đạo để kịp thời chỉ đạo xử lý; đồng thời, chuyển hồ sơ, tài liệu liên quan đến ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét xử lý theo quy định của Đảng, ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo .

- Chống TNTC ngay trong các cơ quan làm công tác PCTNTC.

- Phải xác minh rõ, chính xác tài sản của người có hành vi tham nhũng; thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng mà có; kịp thời áp dụng các biện pháp kê biên tạm giữ tài sản, phong toả tài khoản và xử lý tài sản tham nhũng ngay trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; khuyến khích người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả trong các vụ án tham nhũng.

- Từng bước mở rộng phạm vi PCTNTC ra khu vực ngoài nhà nước để ngăn chặn sự cấu kết giữa cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thoái hóa, biến chất với đối tượng hoạt động ở khu vực ngoài nhà nước.

Chuyên đề năm 2024 về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” (Nguồn Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị)

Bài viết liên quan