Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Phát huy truyền thống của quê hương anh hùng

Vĩnh Hà là một xã miền núi của huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, cách trung tâm huyện khoảng 20km về phía Tây, xã có 2 dân tộc anh em cùng chung sống gồm dân tộc Vân Kiều và dân tộc Kinh. Đây  là một vùng đất có bề dày truyền thống cách mạng cũng như lịch sử văn hóa lâu đời. Trong 2 cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc, người dân xã Vĩnh Hà đã anh dũng, kiên trung, “sát cánh” cùng cách mạng đánh đuổi quân xâm lược. Trong thời bình, lại đoàn kết, chung sức cùng Đảng bộ, chính quyền xây dựng và phát triển quê hương.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, truyền thống yêu nước, đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất của người dân xã Vĩnh Hà được phát huy cao độ. Nhất là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đảng bộ và Nhân dân xã đã cùng với quân và dân Vĩnh Linh lập nên những chiến công vang dội ở Khe Hó, Khe Tiên, Ba Buôi, Bãi Hà. Đặc biệt, từ năm 1966 đến năm 1972 lực lượng trực chiến của xã đã tham gia trên 300 trận đánh trả máy bay Mỹ, độc lập bắn rơi 1 chiếc và phối hợp với các đơn vị bắn rơi 6 chiếc… đóng góp to lớn vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, Nhân dân và lực lượng vũ  trang xã Vĩnh Hà vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Về tập thể có 30 Huân chương hạng Nhất và hạng Nhì; 4 Huy chương hạng Nhất, 1 Huân chương Lao động hạng 3. Về cá nhân có 10 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 6 Bằng khen của Quân khu, 20 Bằng khen của Đặc khu Vĩnh Linh, 254 gia đình có công với cách mạnh. Cũng chính những thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến, ngày 15/4/2003, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã kí quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Nhân dân và LLVTND xã Vĩnh Hà.

Phát huy truyền thống của quê hương anh hùng cùng những thành tựu đã đạt được, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, sự đoàn kết toàn Đảng, toàn dân, trong những năm qua xã Vĩnh Hà đã liên tục có những bước tiến vững chắc trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt, sau 20 năm kể từ ngày được phong tặng danh hiệu anh hùng, xã đã thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM và được công nhận đạt chuẩn vào năm 2021, trở thành xã miền núi đầu tiên của huyện Vĩnh Linh về đích  theo đúng lộ trình đặt ra.

Từ một xã miền núi mang tính đặc thù với điều kiện kinh tế khó khăn, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẽ, manh mún, chất lượng sản phẩm thấp, giao thông cách trở, cơ sở hạ tầng  thiếu thốn lại còn xuống cấp thì nay xã Vĩnh Hà đã khoác lên mình một chiếc áo mới với gam màu đầy tươi sáng và rực rỡ. Chỉ trong vòng hơn 10 năm, các công trình hạ tầng cơ bản được đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh và đồng bộ; từ hệ thống giao thông, đê điều, điện lưới đến hệ thống trường học, trạm xá, chợ nông thôn...

Hiện nay, 100% tuyến đường trục xã, liên xã với tổng chiều dài 19km đã được nhựa hóa, 100% đường thôn bản, đường  liên thôn và đường ngõ xóm được bê tông hóa, cứng hóa đảm bảo đi lại thuận tiện. 5/5 thôn đều có công trình ánh sáng đường quê. Hệ thống kênh mương thủy lợi đã được kiên cố hóa đáp ứng yêu cầu tưới tiêu cho diện tích đất sản xuất và dân sinh; hệ thống điện lưới được quan tâm đầu tư xây dựng mới và tu sửa giúp cho 100% hộ gia đình được sử dụng điện thường xuyên, an toàn. Quy mô mạng lưới trường học ngày càng khang trang, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao. Cả 2/2 trường học trên địa bàn đều đạt chuẩn Quốc gia. Để chăm sóc tốt sức khoẻ cho nhân dân, hệ thống trạm y tế xã cũng được đẩy mạnh đầu tư  nên luôn duy trì đạt chuẩn quốc gia trong nhiều năm liền. Cùng với đó, 5/5 thôn bản đã có nhà văn hoá cộng đồng đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của người dân.

Một trong những điểm đổi thay đầy tích cực của xã vùng cao Vĩnh Hà chính là chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân đang được nâng lên từng ngày. Từ đặc điểm địa hình đồi núi rộng lớn, xã đã chỉ đạo người dân địa phương đã tập trung trồng các loại cây lâu năm có giá trị kinh tế như cao su, rừng sản xuất kết hợp xây dựng các trang trại VAC, nuôi bò, lợn và đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Từ việc canh tác nhỏ lẻ, đơn phương người dân đã dần bước vào sản xuất theo hình thức hợp tác xã, tham gia các mô hình liên kết. Mặt khác các nhóm ngành nghề dịch vụ, kinh doanh, mua bán, mộc, nề… cũng được khuyến khích mở rộng, các dự án về phát triển kinh tế miền núi được phát huy đã góp phần nâng cao thu nhập. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt trên 48,8 triệu đồng, gấp 21,8 lần so với thời điểm năm 2003; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm còn 9,58% và tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động qua đào tạo 84,8%, Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ 49,7%, tỷ lệ người dân có việc làm ổn định đạt  95,8%.

Song song với những chuyển biến về đời sống kinh tế là sự phát triển của  đời sống tinh thần. Các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, xây dựng làng văn hoá, đơn vị văn hoá được đẩy mạnh đã tạo ra sức lan toả mạnh mẽ. Đến nay, 5/5 thôn, 2/2 đơn vị trường học đạt danh hiệu văn hóa, UBND xã đạt cơ quan văn hóa, 98% hộ gia đình đạt gia đình văn hoá. Ý thức bảo vệ môi trường sống của người dân cải thiện đáng kể khi công tác vệ sinh môi trường được duy trì thường xuyên thông qua các hoạt động dọn dẹp đường làng ngõ xóm, cải tạo vườn tạp. Đồng thời các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi  và dần trở thành nét đẹp, món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của mỗi người dân địa phương.

Những kết quả đã và đang đạt được không chỉ là thành quả  của sự nổ, lực đoàn kết vươn lên mà còn là động lực để chính quyền và người dân địa phương tiếp tục chinh phục những mục tiêu cao hơn trên hành trình xây dựng và phát triển quê hương. Đó là đưa đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng trở nên giàu có, thịnh vượng, tiệm cận với khu vực đô thị; kết cấu hạ tầng cơ sở đồng bộ; kinh tế phát triển mạnh mẽ; xã hội dân chủ, bình đẳng, giàu bản sắc văn hóa dân tộc và truyền thống anh hùng; hệ thống chính trị ổn định; quốc phòng- an ninh được giữ vững. 

Phương Nga

Bài viết liên quan