Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Bảo tồn và phát huy giá trị của những câu chuyện trạng Vĩnh Hoàng

“Chuyện trạng Vĩnh Hoàng” là nét văn hóa đặc sắc riêng có của người dân xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh. Từ những câu chuyện diễn ra trong cuộc sống thường ngày được người dân góp nhặt, hư cấu tạo nên những câu chuyện đặc sắc, hài hước. Chuyện trạng Vĩnh Hoàng trở thành hồn cốt quê hương và là nguồn cỗ vũ tinh thần cho người dân hăng say lao động, sản xuất. Ngày nay, người dân địa phương đang nỗ lực trong việc giữ gìn, phục hồi và phát triển những giá trị văn hóa phi vật thể “Chuyện trạng Vĩnh Hoàng”.

Theo lời kể của những bậc cao niên ở địa phương, chuyện trạng Vĩnh Hoàng đã có từ lâu đời, tuy nhiên ở vào giai đoạn đầu chưa có tên gọi cụ thể. Vào năm 1949, xã Vĩnh Hoàng được thành lập. Từ đó, cái tên chuyện Trạng Vĩnh Hoàng xuất hiện. Năm 1955, xã Vĩnh Hoàng được chia tách thành 4 xã Vĩnh Tú, Vĩnh Thái, Vĩnh Nam, Vĩnh Trung. Tuy nhiên, loại hình văn hóa dân gian này hiện nay chỉ phát triển mạnh nhất ở vùng Thôn Tây của xã Vĩnh Tú.

Những câu chuyện trạng xuất phát từ thực tế hằng ngày, được hư cấu một cách có lý, nên dẫu là chuyện trạng vẫn phản ánh một phần cuộc sống gian khổ, hy sinh, mất mát nhưng cũng tràn đầy lạc quan của đất và người Vĩnh Linh qua từng giai đoạn lịch sử. Ở làng Huỳnh Công hiện nay, có rất nhiều người kể chuyện trạng có tiếng, đặc biệt là những người có tuổi vì họ còn giữ được giọng nói và thổ ngữ nguyên bản.

Ông Võ Nòng - Nghệ nhân kể chuyện trạng Vĩnh Hoàng cho biết: “Xưa kia không có máy móc hỗ trợ, người dân ở làng làm nông rất vất vả. Đến giờ giải lao, mọi người nói trạng để tạo niềm vui, vơi bớt mệt nhọc. Dần dần, những câu chuyện trạng trở thành nét đặc sắc, được lưu truyền và phát triển thêm nhiều câu chuyện mới, hợp với thời sự hơn. Điều thu hút của những câu chuyện trạng chính là giọng nói nặng trịch, sự nhấn nhá trong phát âm của người kể mà chỉ có người dân thôn Tây, xã Vĩnh Tú mới có thể chuyển tải được”.

Đối với người dân địa phương, những câu chuyện trạng là niềm tự hào, làm cho họ càng thêm yêu quý, gắn bó với quê hương. Chuyện trạng không chỉ có mặt trong lời ăn tiếng nói dân gian, trong sinh hoạt cộng đồng mà còn được những người tâm huyết như ông Trần Hữu Chư, thôn Huỳnh Công Tây, xã Vĩnh Tú bao năm mày mò trở thành họa sĩ của làng trạng Vĩnh Hoàng. Những câu chuyện kể hài hước mang đậm chất nói trạng được ông chuyển thể, minh họa bằng tranh vẽ. Những bức tranh của lão nông chưa hề học vẽ qua trường lớp đã cuốn hút người xem.

Ông Trần Hữu Chư cho biết: “Những lúc nông nhàn, tôi thường tìm hiểu cách vẽ và chuyển tải những câu chuyện trạng bằng tranh. Kèm trong những bức hình là lời chú thích và những lời thoại hóm hỉnh đi kèm, toát lên được cái hay của truyện trạng. Những bức tranh sau khi hoàn thành, tôi đem tặng các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở của xã với hy vọng thông qua những hình ảnh sinh động, gần gũi, hồn trạng sẽ dần ngấm sâu vào tâm hồn trong trẻo của các em, để từ đó ươm mầm cho truyện trạng phát triển”.

Sau những giờ lao động nặng nhọc, người dân địa phương lại cùng quây quần bên ấm nước chè xanh, kể cho nhau những câu chuyện vui để xua tan đi những vất vả, lo toan trong cuộc sống hàng ngày; đồng thời thể hiện ước mơ, khát vọng vào cuộc sống tốt đẹp hơn. Cũng từ đây, chuyện trạng đã trở thành “báu vật” mang dấu ấn tâm hồn của người dân xã Vĩnh Tú. Mang tâm nguyện giữ gìn vốn quý chuyện trạng, với sự hỗ trợ, từ các cấp nghành và chính quyền địa phương, tháng 6/2022, xã Vĩnh Tú đã thành lập Câu lạc bộ Chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Câu lạc bộ có nhiệm vụ tập hợp, kết nối các bậc cao niên sáng tác, kể chuyện Trạng, những người tâm huyết, yêu quý chuyện Trạng ở mọi lứa tuổi. Tại đây sẽ diễn ra các hoạt động như: sưu tầm, lưu trữ; tập luyện kể chuyện Trạng; tổ chức giao lưu, biểu diễn… Từ đó góp phần bảo tồn, phát triển nét văn hóa độc đáo của địa phương. Ngày nay, vào dịp tết Nguyên đán, xã Vĩnh Tú lại tổ chức “Chiếu trạng ngày xuân” để kể chuyện trạng, mang lại sự hứng khởi, niềm vui cho nhân dân đầu năm mới.  

Chị Hoàng Dạ Hương, Chủ nhiệm CLB Chuyện trạng Vĩnh Hoàng, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh chia sẻ thêm: “Mỗi dịp tết, người dân xã Vĩnh Tú rất háo hứng mong chờ ngày hội ở làng, bây giờ thường được tổ chức ở sân vận động của xã, ở đó mọi người cùng tham gia biểu diễn văn nghệ, chơi trò chơi dân gian và đặc biệt là xem các đội thi thố kể chuyện trạng với hình thức chiếu trạng ngày xuân. Để chiếu trạng lôi cuốn, hấp dẫn người nghe, chúng tôi khuyến khích các đội diễn xuất lối kể đối đáp tiểu phẩm, trong đó hai, ba người đối đáp với nhau để câu chuyện thêm phần gay cấn, sôi nổi, sinh động. Phần thưởng cho người thắng chỉ là những món quà nhỏ như cái phích nước, cái đài radio... nhưng tất cả người dân trong làng từ đứa trẻ chín, mười tuổi cho tới cụ ông, cụ bà tám, chín mươi tuổi đều hăng hái lên sân khấu tham gia thi kể chuyện trạng. Đây chính là truyền thống văn hóa độc đáo của làng Huỳnh Công mà không nơi nào có được”.

Vĩnh Linh là địa phương có bề dày về lịch sử văn hóa truyền thống, ngoài di sản văn hóa vật thể thì những nét văn hóa truyền thống phi vật thể cũng rất phong phú và đa dạng. Theo thống kê đã đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể của tỉnh Quảng Trị thì Vĩnh Linh có 45 di sản văn hóa. Trong đó có những câu chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể “Chuyện trạng Vĩnh Hoàng”, Trong thời gian tới, huyện Vĩnh Linh tiếp tục quan tâm đến việc bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ công chức văn hóa xã, các nghệ nhân và hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động trình diễn kể chuyện trạng Vĩnh Hoàng dưới hình thức “chiếu trạng ngày xuân”... hướng tới xây dựng chuyện trạng Vĩnh Hoàng thành sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo riêng biệt của địa phương.

Mỹ Hằng

Bài viết liên quan