Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Vĩnh Linh: Triển khai chiến dịch tiêm vắc xin uốn ván - bạch hầu giảm liều (Td) cho trẻ em năm 2023

Bệnh bạch hầu, uốn ván

Bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do trực khuẩn bạch hầu gây nên. Đặc điểm lâm sàng của bệnh là tổn thương chủ yếu ở vùng mũi, họng, thanh quản… với những giả mạc kèm theo những biểu hiện nhiễm độc nặng (thường là nhiễm độc thần kinh và viêm cơ tim) do ngoại độc tố bạch hầu. Bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp (ho, hắt hơi, nói chuyện…) thông qua dịch tiết từ mũi, họng của bệnh nhân; đôi khi có thể lây gián tiếp qua đồ dùng, quần áo, thức ăn… bị ô nhiễm mầm bệnh. Đối tượng mắc đa số là trẻ dưới 15 tuổi nhất là trẻ từ 1-9 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh cao ở trẻ chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu. Bạch hầu có biểu hiện lâm sàng ở các thể như bạch hầu họng và bạch hầu thanh quản với các biểu hiện như có giả mạc thường màu trắng ngà hay trắng xám, dính chặt vào niêm mạc ở phía dưới, khi bóc dễ chảy máu, có xu hướng phát triển và lan rộng rất nhanh. Ngoài ra còn có hội chứng nhiễm độc, bệnh nhân lừ đừ, biếng ăn, da xanh, sổ mũi, nổi hạch cổ, hạch góc hàm làm cổ bạnh ra. Đặc biệt bạch hầu ở thanh quản có những biến chứng nguy hiểm và có thể gây tử vong cho trẻ, biểu hiện trẻ khàn tiếng, khó thở và ngạt, khi đó trẻ lịm dần bất động, tím tái rồi tử vong. Ngoại độc tố vi khuẩn bạch hầu còn gây biến chứng liệt hầu họng làm trẻ khó nuốt dễ bị sặc, liệt các chi, rối loạn nhịp tim dễ tử vong vì truỵ tim mạch.

Uốn ván cũng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do trực khuẩn uốn ván gây nên và ngoại độc tố hướng thần kinh của nó. Bệnh lây qua da và niêm mạc bị tổn thương. Đặc điểm lâm sàng là một trạng thái co cứng cơ liên tục và có những cơn giật cứng. Khởi đầu là những cơn co cứng cơ nhai, sau lan ra các cơ mặt, thân mình và tứ chi. Nguồn truyền bệnh uốn ván là đất và các đồ vật bị nhiễm bẩn có nha bào uốn ván xâm nhập vào vết thương kín, vết thương sâu và các vết thương dập nát có môi trường kỵ khí. Trẻ dưới 5 tuổi và người lớn tuổi thường bị bệnh nặng. Tỷ lệ tử vong cao, khoảng từ 30-50%. Biểu hiện điển hình của bệnh uốn ván là co cứng, bắt đầu là cơ nhai (cứng hàm) rồi đến cơ mặt, cơ gáy, cơ lưng, cơ bụng, cơ chi dưới (duỗi), cuối cùng là cơ chi trên (co quắp). Sự co cứng liên tục các cơ toàn thân làm cho bệnh nhân có cảm giác đau nhức. Ngoài ra người bệnh còn có biểu hiện co giật cứng toàn thân xảy ra sau một kích thích (đụng chạm, ánh sáng, tiếng ồn...). Khi co thắt các cơ hầu họng bệnh nhân khó nuốt, co thắt cơ thanh quản gây nghẹt thở, tím tái, ngừng thở. Đối với uốn ván sơ sinh, trẻ sơ sinh nào bú và khóc bình thường trong 2 ngày đầu, sau đó không bú trong khoảng ngày thứ 3 đến ngày thứ 28 ngày và có các biểu hiện như: Trẻ bị co giật hoặc co cứng khi bị kích thích nhẹ như ánh sáng, tiếng động, khi sờ vào trẻ hoặc trẻ có dấu hiệu co cứng với bất kỳ các dấu hiệu như: cứng hàm, tay hoặc chân co quắp, môi mím chặt, lưng uốn cong. Uốn ván sơ sinh có tỷ lệ tử vong rất cao.

Theo số liệu thống kê, năm 2020, ở Việt Nam ghi nhận 237 ca bạch hầu tại 10 tỉnh của 3 khu vực, trong đó có các ổ dịch tại 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên. Mặc dù số mắc bạch hầu năm 2021 đã giảm song nguy cơ dịch bệnh quy trở lại là hiện hữu trong tình hình tỷ lệ tiêm chủng vắc xin DPT-VGB-Hib (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hib) và DPT4 (bạch hầu, ho gà, uốn ván mũi 4) tại nhiều tỉnh đạt thấp do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Các trường hợp mắc bạch hầu được ghi nhận chủ yếu ở nhóm trẻ lớn (trên 10 tuổi) chiếm 67,8%, tiếp theo là trẻ 5-9 tuổi (20,5%), 1-4 tuổi (8,8%). Hầu hết các trường hợp chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng (69,3%). Ghi nhận 19,5% trường hợp tiêm chủng chưa đủ mũi và 11,2% đã tiêm đủ 4 mũi vẫn mắc bạch hầu. 

Trong năm 2020 - 2021, các ca bệnh uốn ván sơ sinh vẫn xuất hiện rải rác tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận, nơi có tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh thấp và tỷ lệ trẻ đẻ tại nhà cao. Năm 2020 ghi nhận có 42 trường hợp uốn ván sơ sinh (trong đó có 11 trường hợp tử vong). Mặc dù công tác điều trị uốn ván sơ sinh đã được cải thiện song uốn ván sơ sinh vẫn là bệnh có tỷ lệ chết/mắc cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng trong các năm gần đây, dao động từ 32% - 33,3%.  

Bệnh uốn ván ở trẻ em và người lớn, hàng năm, ghi nhận hàng trăm trường hợp mắc uốn ván ở trẻ em và người lớn. Cụ thể, trong năm 2020 ghi nhận 320 ca mắc tại 28 tỉnh/thành phố của cả 4 khu vực và năm 2021 có 182 ca mắc tại 25 tỉnh/thành phố.

Tại huyện Vĩnh Linh, trong năm 2020 đã ghi nhận 7 trường hợp dương tính với bạch hầu tại các xã: Vĩnh Hà, Vĩnh Ô, Vĩnh Tú. Vì vậy, để tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh bạch hầu, uốn ván trong cộng đồng, chủ động phòng ngừa dịch bệnh, việc triển khai vắc xin uốn ván-bạch hầu giảm liều (Td) cho trẻ em tại các địa bàn nguy cơ là hết sức cần thiết.

Thực hiện Quyết định số 1031/QĐ-BYT, ngày 29/4/2022 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin uốn ván-bạch hầu giảm liều (Td) năm 2022 tại 32 tỉnh/thành phố; thực hiện Công văn số 1767/KSBT-PCBTN ngày 9/12/2022 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị về việc đề xuất triển khai tiêm bổ sung vắc xin uốn ván-bạch hầu giảm liều (Td); Công văn số 2425/SYT-NVY, ngày 22/12/2022 của Sở Y tế tỉnh Quảng Trị về việc triển khai chiến dịch tiêm vắc xin uốn ván-bạch hầu giảm liều (Td) cho trẻ 7 tuổi và học sinh lớp 2, Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện chiến dịch tiêm tại 18 xã, thị trấn trong toàn huyện với mục tiêu trên 95% trẻ 7 tuổi tại địa phương triển khai được tiêm bổ sung 01 mũi vắc xin uốn ván-bạch hầu giảm liều (Td) nhằm mục tiêu đề ra của chiến dịch là tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh bạch hầu và uốn ván cho trẻ em 7 tuổi chủ động phòng ngừa dịch bệnh, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh bạch hầu và uốn ván.

Những điều cần biết về Chiến dịch tiêm Vắc xin uốn ván- bạch hầu giảm liều (Td)

- Thời gian triển khai: Từ 10- 12/01/2023.

- Địa điểm tiêm chủng: 18 Trạm Y tế xã, thị trấn (hoặc trường tiểu học).

Đối tượng

- Đối với trẻ em đi học: Tất cả học sinh lớp 2, niên khóa 2022- 2023.

- Đối với trẻ không đi học/tại cộng đồng: trẻ sinh từ ngày 01/01/2015 đến 31/12/2015.

Dự kiến đối tượng tiêm chủng vắc xin uốn ván- bạch hầu giảm liều (Td) toàn huyện Vĩnh Linh đợt này là: 1.703 trẻ.

Vắc xin Td là gì?

Vắc-xin Td hay còn gọi là vắc-xin uốn ván- bạch hầu giảm liều. Vắc-xin này kết hợp Vắc-xin Uốn ván (gọi tắt là T) chứa giải độc tố được bào chế từ Clostridium tetani và vắc-xin bạch hầu giảm liều (gọi tắt là d) chứa giải độc tố được điều chế từ vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae, được hấp phụ bằng Aluminium phosphate.

Tại sao phải giảm liều vắc xin uốn ván- bạch hầu?

Theo lịch tiêm chủng  mở rộng, trẻ em dưới 1 tuổi sẽ được tiêm 3 mũi cơ bản vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - Hib (vắc xin 5 trong 1) vào lúc 2, 3, 4 tháng tuổi và liều nhắc lại mũi 4 (vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván) lúc 18 - 24 tháng tuổi. Với 4 mũi tiêm này trẻ sẽ được tiêm các vắc-xin chứa thành phần bạch hầu nguyên liều.

Tuy nhiên, không được tiêm vắc-xin bạch hầu nguyên liều cho trẻ từ 48 tháng tuổi trở lên. Có người nghĩ rằng, trẻ nhỏ vài tháng tuổi tiêm được vắc-xin bạch hầu nguyên liều thì trẻ lớn hay người lớn cũng tiêm được, nhưng với vắc-xin bạch hầu trẻ lớn buộc phải giảm liều, nếu không có thể dẫn đến sốc phản vệ, gây co giật, nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí tử vong. Vì vậy chỉ định để phòng uốn ván và bạch hầu cho người lớn và trẻ em từ 7 tuổi trở lên, vắc-xin này cần được giảm liều (Td).  

Trẻ đã tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, tại sao phải tiêm bổ sung vắc xin Td?

- Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan nhanh, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Uốn ván cũng là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây chủ yếu qua da và niêm mạc tổn thương. Trẻ dưới 5 tuổi và người lớn tuổi thường bị bệnh nặng với tỷ lệ tử vong cao, khoảng từ 30-50%.

- Mặc dù  hiệu quả bảo vệ của vắc-xin cao (lên đến 97%), nhưng kháng thể trong cơ thể sẽ giảm dần theo thời gian. Đến 7 tuổi, sự miễn dịch đối với bạch hầu, uốn ván của cơ thể đã suy giảm khá nhiều từ lần được tiêm ngừa trước đó, do vậy nếu không tiêm nhắc lại vẫn có khả năng mắc bệnh.

- Tiêm vắc xin Td nhắc lại hoặc bổ sung nhằm giúp trẻ tăng đáp ứng miễn dịch phòng bệnh bạch hầu và uốn ván cho trẻ nếu trẻ chưa tiêm hoặc tiêm không đủ mũi hoặc đã tiêm đủ mũi vắc xin phòng bạch hầu và uốn ván lúc trẻ dưới 2 tuổi.

- Tiêm vắc xin Td nhằm giúp phòng bệnh bạch hầu và uốn ván, kiểm soát dịch không để dịch bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng.

Trường hợp nào không nên tiêm

- KHÔNG tiêm vắc xin Td cho trẻ đã được tiêm vắc xin có chứa thành phần uốn ván hoặc hạch hầu trong thời gian 1 tháng trước ngày tiêm chiến dịch

- KHÔNG tiêm nếu như trẻ có phản ứng mạnh ở liều tiêm trước với vắc xin có thành phần bạch hầu, uốn ván.

- KHÔNG tiêm vắc-xin Td khi bị nhiễm trùng cấp tính. 

Vắc xin Td có tác dụng phụ gì?

Vắc xin Td có tính an toàn cao tuy nhiên có thể gặp một số phản ứng thông thường sau tiêm như phản ứng tại chỗ (Đau, quầng đỏ, sưng nhẹ tại chỗ chiếm 10-75%), sốt nhẹ, đau cơ cánh tay, đau đầu (găp khoảng 10%), áp xe vô khuẩn, viêm dây thần kinh ngoại biên…Các phản ứng trên phần lớn thường nhẹ và tự khỏi.

Tuy nhiên, cần đưa NGAY trẻ tới cơ sở y tế nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như sốt cao (≥39oC), co giật, khó thở, tím tái, …

Theo dõi sau khi tiêm           

- Sau khi tiêm cho trẻ ở lại 30 phút tại điểm tiêm chủng nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tiêm chủng.

- Không đắp bất cứ thứ gì vào vị trí tiêm.

- Tiếp tục theo dõi trẻ tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng để phát hiện các biểu hiện bất thường của trẻ để đưa đến cơ sở y tế điều trị kịp thời.

Để nâng cao hiệu quả công tác tiêm chủng, tạo miễn dịch tốt trong cộng đồng, đồng thời duy trì miễn dịch, bảo vệ trẻ lâu dài, các bậc phụ huynh cần chủ động phối hợp với nhà trường và ngành y tế để đưa trẻ tới các điểm tiêm và đảm bảo cho tất cả các trẻ 7 tuổi đều được tiêm một mũi vắc xin Td trong chiến dịch để phòng bệnh uốn ván - bạch hầu.

Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh

More