Khái quát về Vĩnh Linh - Huyện Vĩnh Linh
* Theo sử sách, huyện Vĩnh Linh được hình thành từ năm 1.069 dưới thời Lý Thánh Tông (vị vua thứ 3 của nhà Lý, cai trị từ năm 1054-1072), lúc đầu có tên gọi là Ma Linh, sau đổi tên là Minh Linh, đến năm 1885 (đời Thành Thái) đổi thành Vĩnh Linh. Lúc này, Vĩnh Linh được chia thành 5 tổng, gồm: Hồ Xá, Hiền Lương, Thủy Ba, Huỳnh Công (Bắc sông Bến Hải) và Xuân Hòa (Nam sông Bến Hải) với dân số khoảng 5.000 người.
Năm 1950, 5 tổng này thành lập 5 xã, gồm: Vĩnh Hồ, Vĩnh Hiền, Vĩnh Thủy, Vĩnh Hoàng (Bắc sông Bến Hải) và Vĩnh Liêm (Nam sông Bến Hải).
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (năm 1954), sông Bến Hải được chọn làm giới tuyến quân sự tạm thời. Ngày 16/6/1955, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 551/TTg thành lập Đặc khu Vĩnh Linh trực thuộc Trung ương; riêng phần Vĩnh Linh phía Nam sông Bến Hải thuộc ngụy quyền Sài Gòn kiểm soát.
Thời gian này, Đặc khu Vĩnh Linh có 23 xã, thị trấn là: Hồ Xá, Vĩnh Quang, Vĩnh Giang, Vĩnh Tân, Vĩnh Thành, Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy, Vĩnh Long, Vĩnh Chấp, Vĩnh Tú, Vĩnh Thái, Vĩnh Trung, Vĩnh Nam, Vĩnh Hòa, Vĩnh Hiền, Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Trường, Hướng Lập, Vĩnh Hà, Vĩnh Thạch, Vĩnh Kim.
Lúc này, Đặc khu Vĩnh Linh là đầu cầu giới tuyến, là tiền đồn miền Bắc XHCN, hậu phương trực tiếp của phong trào cách mạng ở miền Nam. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng (năm 1975), Vĩnh Linh cùng Gio Linh, Cam Lộ hợp nhất thành huyện Bến Hải thuộc tỉnh Bình Trị Thiên.
Tháng 7/1989, tỉnh Quảng Trị được lập lại, đến tháng 3/1990, huyện Vĩnh Linh được tái lập. Lúc này, Vĩnh Linh có 22 đơn vị hành chính, gồm: Thị trấn Hồ Xá, Cửa Tùng (thành lập năm 2009 trên cơ sở sát nhập 4 thôn thuộc xã Vĩnh Thạch vào xã Vĩnh Quang; năm 2004, đảo Cồn Cỏ được tách ra khỏi xã Vĩnh Quang thành huyện đảo Cồn Cỏ), Bến Quan (thành lập năm 1994) và các xã: Vĩnh Giang, Vĩnh Tân, Vĩnh Thành, Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy, Vĩnh Long, Vĩnh Chấp, Vĩnh Tú, Vĩnh Thái, Vĩnh Trung, Vĩnh Nam, Vĩnh Hòa, Vĩnh Hiền, Vĩnh Kim, Vĩnh Thạch, Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà.
Thực hiện Nghị quyết số 832/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Quảng Trị, hiện nay huyện Vĩnh Linh có 3 thị trấn: Hồ Xá (huyện lỵ), Cửa Tùng (xã Vĩnh Tân sáp nhập vào thị trấn Cửa Tùng), Bến Quan và 15 xã, gồm: Vĩnh Giang, Hiền Thành (sáp nhập 2 xã Vĩnh Hiền và Vĩnh Thành), Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy, Vĩnh Long, Vĩnh Chấp, Vĩnh Tú, Vĩnh Thái, Trung Nam (sáp nhập 2 xã Vĩnh Trung và Vĩnh Nam), Vĩnh Hòa, Kim Thạch (sáp nhập 2 xã Vĩnh Kim và Vĩnh Thạch), Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà.
* Huyện Vĩnh Linh có diện tích đất tự nhiên 62.482 héc ta. Dân số trung bình năm 2024 có hơn 88.500 người, gồm 2 dân tộc Kinh và Vân Kiều (khoảng hơn 2.700 người).
Vĩnh Linh nằm vào khoảng 15053’ đến 17010’ vĩ độ Bắc, 106042’ đến 107007’ kinh độ Đông. Phía Bắc: giáp các xã Kim Thủy, Sen Thủy, Ngư Thủy thuộc tỉnh Quảng Bình từ Liên Lấp đến Động Châu; Phía Nam: giáp huyện Gio Linh từ Đèo 814 đến Cửa Tùng; Phía Tây giáp huyện Hướng Hóa từ Động Châu đến Đèo 814; Phía Đông: giáp Vịnh Bắc Bộ từ Mạch Nước đến Mũi Lay và giáp Biển Đông từ Mũi Lay đến Cửa Tùng.
* Cùng với vị trí địa chính trị - kinh tế - xã hội, trải qua bao biến thiên của lịch sử đã hun đúc nên những phẩm chất đáng quý của con người Vĩnh Linh.
Con người Vĩnh Linh mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng đất miền Trung: thật thà, chất phác, đoàn kết, thủy chung; kiên cường, dũng cảm trong chiến đấu; cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất. Là địa phương có truyền thống hiếu học, yêu thích hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; có cuộc sống lạc quan, yêu đời với kho tàng văn hóa dân gian và lễ hội phong phú như: Chuyện Trạng Vĩnh Hoàng, Cồng chiêng Vân Kiều, múa trống, Chạy cù Vĩnh Nam, Chèo cạn Tùng Luật (Vĩnh Giang), Vịnh Mốc (Vĩnh Thạch), bắt cọp Thủy Ba - Vĩnh Thủy, đua thuyền truyền thống Cửa Tùng, cùng nhiều điệu hò, trò chơi, lễ hội văn hóa dân gian…
Về di tích lịch sử văn hóa và cách mạng, toàn huyện hiện có 181 di tích lịch sử văn hóa được Trung ương, tỉnh xếp hạng. Trong đó, Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt; Bến đò B Tùng Luật xếp hạng cấp Quốc gia.
Vĩnh Linh có 745 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (số liệu năm 2023), 46 tập thể và 21 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, Anh hùng Lao động. Quân và dân Vĩnh Linh vinh dự 8 lần Bác Hồ gửi thư khen. Khu vực Vĩnh Linh là địa phương đầu tiên ở miền Bắc được phong tặng danh hiệu Anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước vào ngày 1/1/1967. Trong thời kỳ đổi mới, Vĩnh Linh được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động ngày 23/11/2011.
Vĩnh Linh có nhiều người được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Thầy thuốc ưu tú… và cũng là nơi sản sinh nhiều trí thức cho đất nước với các học hàm, học vị cao như: Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ… được đào tạo trong và ngoài nước, cùng nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhạc sĩ có tên tuổi.
2. SỰ HÌNH THÀNH GIỚI TUYẾN QUÂN SỰ TẠM THỜI VÀ ĐẶC KHU VĨNH LINH
Thi hành các điều khoản của Hiệp định Giơ-ne-vơ, ngày 14/8/1954, phái đoàn Ban Liên hợp của ta gồm các đồng chí: Trần Chí Hiền, Hồ Sỹ Thản, Tư Minh, Trương Chí Công, Vũ Kỳ Lân, Ngô Tiến Quân… từ Hà Nội vào Quảng Trị để tiến hành xác lập khu phi quân sự.
Ngày 25/8/1954, tại Hồ Xá, đại diện quân đội Pháp đã buộc ký vào biên bản bàn giao vùng phía Bắc vĩ tuyến 17 cho phái đoàn ta, đánh dấu bước ngoặt quan trọng của lịch sử và ngày 25/8/1954 đã trở thành ngày truyền thống của quê hương Vĩnh Linh (tại Đại hội Đảng bộ huyện Vĩnh Linh khóa XIII, nhiệm kỳ 1990-1995 đã quyết định lấy ngày 25/8/1954 là ngày truyền thống của Vĩnh Linh).
Lúc này, Vĩnh Linh là huyện duy nhất của tỉnh Quảng Trị được giải phóng nhưng lại bị chia cắt một phần bao gồm toàn bộ xã Vĩnh Liêm, một phần xã Vĩnh Sơn thuộc phía Nam khu phi quân sự với số dân 13.267 người và 351 đảng viên của ta phải ở lại bám đất, bám dân hoạt động trong lòng địch. Từ đó, vĩ tuyến 17 không chỉ ngăn cách 2 miền Nam - Bắc mà còn là nơi chia cắt trực tiếp một xã, một thôn thậm chí một gia đình của người dân Vĩnh Linh.
Từ ngày 25/8/1954, Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Linh bước vào vị trí chiến đấu mới, nhận lãnh trước lịch sử dân tộc nhiệm vụ nặng nề nhưng rất cao cả là: tiền đồn miền Bắc XHCN, hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam, của Trị Thiên ruột thịt.
Do vai trò, vị trí đặc biệt của Vĩnh Linh, Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định thành lập Khu vực đặc biệt trực thuộc Trung ương. Ngày 28/5/1955, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 16-NQ/TW thành lập Đảng ủy Khu vực Vĩnh Linh. Tiếp đó, ngày 16/6/1955, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 551-NĐ/TTg thành lập Đặc khu Vĩnh Linh: “Khu vực Vĩnh Linh thuộc tỉnh Quảng Trị được tổ chức thành một đơn vị hành chính riêng ngang với một tỉnh dưới sự chỉ đạo của Chính phủ Trung ương”.
Vượt lên tất cả mọi hy sinh, mất mát, khó khăn, thử thách, với ý chí “không có gì quý hơn độc lập tự do”, với tinh thần “nhà tan cửa nát cũng ừ - quyết tâm đánh Mỹ cực chừ sướng sau”, quân và dân Vĩnh Linh đã tỏ rõ gan vàng dạ sắt, một tấc không đi một ly không rời. Ở nơi đầu cầu giới tuyến Vĩnh Linh vẫn vững vàng như dãy trường thành, ngày đêm canh giữ quê hương, giữ cho lá cờ vinh quang của Tổ quốc luôn kiêu hãnh tung bay trên đỉnh cột cờ Hiền Lương, giữ cho mạch máu Bắc - Nam ngày đêm thông suốt nối liền hậu phương với tiền tuyến lớn anh hùng.
Vĩnh Linh đã cùng với Quảng Trị làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng mà Tổ quốc giao phó, viết nên dòng son tươi thắm vào trang sử tiến bộ của loài người, xứng đáng với nhiều danh hiệu rất đáng tự hào: “tiền đồn miền Bắc XHCN”, “mảnh đất kim cương”, “tuyến lửa anh hùng”, “Vĩnh Linh luỹ thép”...
3. VĨNH LINH VỚI CUỘC ĐẤU TRANH CHỐNG MỸ- DIỆM PHÁ HOẠI HIỆP ĐỊNH GIƠ-NE-VƠ
Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, sau khi ngừng bắn, thời gian chuyển quân tập kết là 300 ngày và ngày 20/7/1956 sẽ tổ chức Tổng tuyển cử tư do trong cả nước để thống nhất nước Việt Nam.
Ngày 26/10/1955, bằng trò hề bầu cử bịp bợm, Ngô Đình Diệm phế truất Bảo Đại lên làm Tổng thống bù nhìn ở miền Nam. Ngày 20/7/1956, Mỹ - Diệm không thực hiện Hiệp thương Tổng tuyển cử và ngang nhiên phá hoại Hiệp định, giới tuyến quân sự tạm thời thành ranh giới chia cắt lâu dài đất nước ta.
Được Trung ương trực tiếp chỉ đạo, Đảng ủy Khu vực Vĩnh Linh đã động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân đẩy mạnh phong trào đấu tranh đòi Hiệp thương Tổng tuyển cử. Cuộc đấu tranh của chiến sỹ, đồng bào ta ở dọc sông Bến Hải diễn ra gay go, phức tạp, kéo dài vừa mang tính pháp lý, vừa mang tính quần chúng trên hai mặt trận công khai và bí mật.
Đặc biệt ở đầu cầu Hiền Lương, lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới đã trở thành điểm hội tụ tình cảm sâu lắng, thiết tha của đồng bào miền Nam hướng về miền Bắc, hướng về Bác hồ kính yêu. Chiều cao của cột cờ không ngừng tăng lên để lá cờ của ta phải cao hơn, đẹp hơn lá cờ ngụy ở đầu cầu phía Nam. Năm 1962, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng thiết tha của cả nước, Chính phủ đã điều một đơn vị xây dựng giúp Vĩnh Linh dựng cột cờ mới bằng thép cao 38,6 mét, lá cờ rộng 108 mét vuông kiêu hãnh tung bay trên bầu trời phía Bắc vĩ tuyến 17, cao hơn hẵn so với lá cờ địch. Cuộc chiến đấu trên vĩ tuyến 17 bằng tiếng nói chính nghĩa và bằng ngọn cờ là biểu tượng của ý chí, khát vọng độc lập tự do, thống nhất non sông đã diễn ra từng ngày, từng giờ đầy cam go, quyết liệt.
Ở phía Nam dòng Bến Hải, Mỹ - Diệm đã triển khai các hoạt động tình báo, gián điệp thâm nhập phá hoại Vĩnh Linh. Chúng đã sử dụng 11 cơ quan tình báo, quan báo, phản gián từ trung ương đến địa phương đặt trụ sở tại Quảng Trị, thành lập Ty cảnh sát đặc biệt Bến Hải… tung người sang bở Bắc để nắm tin tức, điều tra quân sự. Ngày 13/5/1957, tại New York (Mỹ), Ngô Đình Diệm ngang nhiên tuyên bố “Biên giới Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17”. Tháng 9/1958, chúng tiến hành tập trận với quy mô lớn gồm cả 3 lực lượng: hải, lục, không quân ngay trong khu phi quân sự. Tháng 2/1961, Ngô Đình Diệm ra tận Cát Sơn - Trung Giang để thị sát tình hình giới tuyến, tại đây hắn láo xược hô hào “lấp sông Bến Hải, Bắc tiến”.
Từ tháng 7/1954 - 6/1962, Mỹ - Diệm đã 240 lần cho lực lượng vũ trang xâm nhập trái phép khu phi quân sự, 551 vụ nổ súng khiêu khích, 89 lần tàu thuyền và 39 lần máy bay xâm nhập vùng trời, vùng biển Vĩnh Linh.
Trong 2 năm 1963, 1964, những hành động khiêu khích của Mỹ - ngụy ngày càng tăng tạo nên không khí căng thẳng giữa hai bờ giới tuyến.
Suốt 10 năm ròng, ngày đêm đối mặt với kẻ thù, đồng bào, chiến sỹ Vĩnh Linh đã kiên trì, bền bỉ tiến hành cuộc đấu tranh bằng tất cả sự thông minh và lòng quả cảm để bảo vệ Hiệp định Giơ-ne-vơ. Nhưng kẻ thù đã trở mặt và ngày càng lấn tới. Cuộc leo thang của Mỹ - ngụy ngày càng quyết liệt nhằm chia cắt lâu dài đất nước ta đã đặt Vĩnh Linh vào vị trí tuyến đầu, tiền đồn miền Bắc XHCN.
4. VĨNH LINH “LŨY THÉP ANH HÙNG”
Ngày 8/2/1965, đế quốc Mỹ huy động 82 lượt máy bay ồ ạt đánh phá thị trấn Hồ Xá đánh dấu bước leo thang quân sự của đế quốc Mỹ ở Vĩnh Linh. Với tinh thần cảnh giác cao độ, quân và dân Vĩnh Linh đã bắn rơi 6 máy bay Mỹ. Kể từ đây, Vĩnh Linh thực sự bước vào cuộc chiến đấu mới, trở thành nơi đọ sức quyết liệt nhất giữa ta và địch.
Từ năm 1966, sau khi thất bại trong “chiến tranh đặc biệt” buộc phải chuyển sang “chiến tranh cục bộ”, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa hàng chục vạn quân với hàng triệu phương tiện chiến tranh vào miền Nam và lăm le tấn công bằng bộ binh ra phía Bắc vĩ tuyến 17. Vĩnh Linh trở thành tuyến lửa, nơi đối đầu khốc liệt giữa lực lượng cách mạng và phản cách mạng.
Với dã tâm hủy diệt Vĩnh Linh, đế quốc Mỹ đã dùng đủ các loại máy bay, tàu chiến hiện đại nhất, kể cả pháo đài bay B52 đánh phá làng xóm, trường học, bệnh viện suốt ngày đêm. Hầu như không có một phút nào vắng tiếng rú điên cuồng của máy bay giặc Mỹ trên bầu trời Vĩnh Linh, không một đêm nào vắng bóng các loại tàu chiến, tàu biệt kích của giặc Mỹ ở vùng biển Cồn Cỏ, Cửa Tùng. Chúng đã dùng những thủ đoạn vô cùng tàn ác như ném bom rải thảm, tọa độ dày đặc, đánh nhiều đợt trong một ngày và đánh nhiều ngày vào một xã…
Song Vĩnh Linh đã chuẩn bị sẵn sàng, quyết giữ trọn lời thề son sắt, bảo vệ vững chắc tiền đồn miền Bắc XHCN. Không một thứ bom đạn nào của giặc Mỹ có thể khuất phục nổi chiến sỹ và đồng bào Vĩnh Linh. Giặc Mỹ càng điên cuồng đánh phá, Vĩnh Linh càng nung nấu lòng căm thù, càng dũng cảm bền bỉ bám đất, giữ làng, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng quân thù; giữ vững địa bàn và chi viện cho chiến trường Bắc Quảng Trị. Đồng thời, phục vụ hết sức mình đối với các đơn vị chủ lực chiến đấu tại địa phương và bảo vệ đảo Cồn Cỏ tiền tiêu bằng cả máu của mình với tinh thần “Còn đất liền, còn đảo”.
Dưới mưa bom bão đạn của quân thù, Vĩnh Linh vẫn đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, dốc lòng, dốc sức cho cuộc chiến đấu. Các hoạt động văn hóa,văn nghệ, thể dục thể thao, y tế, giáo dục vẫn được giữ vững. Vào lúc cuộc chiến tranh diễn ra ác liệt nhất, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và Bác Hồ, Vĩnh Linh đã tổ chức đưa hàng vạn người già, phụ nữ, trẻ em sơ tán ra các tỉnh phía Bắc theo kế hoạch K8, K10, xây dựng vùng hậu cứ Tân Kỳ (Nghệ An) và Can Lộc, Thạch Hà (Hà Tĩnh), đảm bảo cho quê hương chiến đấu và chiến thắng.
Trong hoàn cảnh ác liệt của chiến tranh, Vĩnh Linh dang rộng vòng tay đón hơn 8,5 vạn đồng bào từ các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh sơ tán theo kế hoạch K15. Nhân dân Vĩnh Linh đã cưu mang đùm bọc, nhường cơm xe áo cho đồng bào miền Nam ruột thịt. Vĩnh Linh trở thành hậu cứ trực tiếp của chiến trường Gio Linh, Cam Lộ, là điểm dừng chân của các đơn vị chủ lực vượt sông Bến Hải, băng qua Trường Sơn vào giải phóng miền Nam.
Các đơn vị cao xạ, pháo binh, bộ binh, thông tin, ra đa, tên lửa, công an vũ trang, dân quân tự vệ được nhân dân giúp sức đã lập nhiều chiến công xuất sắc. Mỗi tên đất, tên làng, ngọn núi, dòng sông… trên quê hương Vĩnh Linh đã thấm máu bao người con quang vinh của dân tộc và đi vào lịch sử với những chiến công chói lọi.
Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Vĩnh Linh đã chiến đấu và cùng các đơn vị chủ lực bắn rơi 293 máy bay các loại, trong đó có 7 pháo đài bay B52, bắn chìm và bắn cháy 69 tàu chiến trong đó có chiến hàm Niu-dơ-ri trọng tải 100.000 tấn. Có trận chỉ trong một ngày (11/11/1966), Vĩnh Linh đã bắn rơi 6 máy bay Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái, buộc Tổng thống Mỹ phải thốt lên là “ngày đen tối nhất của không lực Hoa Kỳ”.
Thắng lợi đó là kết quả của sức mạnh đoàn kết trên dưới một lòng, là tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của quân và dân Vĩnh Linh. Từ đồng bào Vân Kiều được mang họ Bác nơi núi rừng Trường Sơn xa xôi đến đồng bào miền xuôi dù gian khổ, hy sinh vẫn một lòng, một dạ hướng về ngọn cờ thiêng liêng nơi đầu cầu giới tuyến mà kiên trung chiến đấu và chiến thắng quân thù.
Con em của tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước đã cùng Vĩnh Linh chiến đấu, chịu đựng gian khổ hy sinh và không ít người đã anh dũng ngã xuống trên mảnh đất này. Nghĩa tảng liệt sỹ Vĩnh Linh và hàng chục nghĩa trang khác trong huyện luôn nhắc nhở Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Linh mãi mãi ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Gần 21 năm (1954-1975) trực tiếp đối mặt với kẻ thù, dưới ngọn cờ tiên phong của Đảng, với truyền thống bất khuất của một dân tộc anh hùng, Vĩnh Linh đã đã vượt qua mọi gian khổ, hiểm nguy tiến lên giành thắng lợi to lớn trong chiến đấu, sản xuất và chi viện hết lòng cho tiền tuyến lớn miền Nam. Vĩnh Linh vinh dự nhận nhiều phần thưởng cao quý của Trung ương Đảng, Chính phủ, Bác Hồ.
Đặc biệt ngày 1/1/1967, Bác Hồ đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Khu vực “Vĩnh Linh Anh hùng” vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua chống Mỹ cứu nước; ngày 6/11/1978 LLVT Vĩnh Linh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Trong thời kỳ đổi mới, Vĩnh Linh được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động ngày 23/11/2011. Vĩnh Linh được cả nước tin yêu, bạn bè quốc tế mến phục ngợi khen: “Tiền đồn miền Bắc XHCN”, “Mảnh đất kim cương”, “Tuyến lửa anh hùng”, “Vĩnh Linh lũy thép”, "Vĩnh Linh- lũy thép, lũy hoa".
* Để hiểu thêm truyền thống cách mạng, mảnh đất, con người, văn hóa của huyện Vĩnh Linh trân trọng mời bạn đọc tìm hiểu tại mục ĐẤT VÀ NGƯỜI VĨNH LINH (https://vinhlinh.quangtri.gov.vn/dat-va-nguoi-vinh-linh) trên Cổng TTĐT này!
]]>
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĨNH LINH TỈNH QUẢNG TRỊ
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Chịu trách nhiệm chính: Hoàng Thị Phụng- Chánh Văn phòng HĐND&UBND, Trưởng Ban Biên tập
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Liên hệ: 0913.485.126 (Trưởng Ban) 0963.138.913 (Phó Ban trực)
Email: vinhlinh@quangtri.gov.vn Địa chỉ: 01/ Huyền Trân Công chúa, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị
Bản quyền thuộc Cổng TTĐT huyện Vĩnh Linh (Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ website này)