Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Tự nguyện tạo nơi cư trú, bảo vệ hơn 5.000 chim hoang dã

Đã 5 năm nay, anh Hồ Hữu Lành (sinh năm 1980) ở thôn Huỳnh Thượng, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh dành hẳn diện tích gần 0,5 ha trồng khoảng 2.000 gốc tràm của gia đình mình chỉ để làm nơi trú ngụ quanh năm cho 5.000 - 7.000 các loại chim tự nhiên tìm đến. Đặc biệt, anh Lành còn bỏ công sức hết lòng trông giữ, bảo vệ để đàn chim hoang dã này có môi trường sống an toàn.

Anh Hồ Hữu Lành hiện là cán bộ thú y xã Vĩnh Sơn; Phó Giám đốc Hợp tác xã Huỳnh Thượng. Được biết, cách đây 13 năm, sau khi lập gia đình, năm 2009, anh Lành chuyển ra diện tích đất xã Vĩnh Sơn cho thuê làm trang trại và bắt đầu cải tạo ruộng trồng lúa, làm ao hồ nuôi thủy sản.

Riêng phần đất ngay sau lán trại, anh trồng thêm cây lâm nghiệp, chủ yếu giống tràm với mục đích khai thác gỗ. Cuối năm 2017, trên phần vườn tràm này của anh Lành bỗng xuất hiện nhiều đàn chim sáo sậu, sáo trâu khoảng 1.000 con kéo đến ngủ vào ban đêm.

Anh Hồ Hữu Lành kể lại: “Lúc đầu nghĩ chim đến là điềm lành và chắc đàn chim cũng chỉ trú tạm thời gian ngắn rồi sẽ đi, tôi không tìm cách xua đuổi hay có ý định làm hại. Rồi mỗi ngày số lượng chim tăng lên nhanh chóng, có thêm cả loài chim cò và chim cói, vạc. Có lẽ vùng này bao quanh ruộng lúa nước, ao hồ do đó các loài chim thường xuyên lui tới kiếm ăn rồi không bay đi nơi khác mà tìm chỗ trú ngụ xung quanh.

Sau đó, cảm nhận nơi ăn, chốn nghỉ phù hợp, ổn định nên chúng kêu gọi thêm đồng loại cùng đến rồi ở lại quanh năm, chứ không phải chim di cư theo mùa. Tầm 6 giờ sáng chim bay đi và 5 giờ chiều lại quay về nghỉ ngơi kín hết các ngọn cây tràm. Đến chu kỳ cây tràm cho thu hoạch, nhưng nghĩ nếu cắt bán vườn tràm, đàn chim sẽ mất “ngôi nhà chung” nên tôi cứ lần lữa mãi…”.

Cứ vậy, diện tích vườn tràm này của anh Lành đã tồn tại gần 7 năm, mỗi cây hiện cao tầm 20 m, dù nhiều lần có người hỏi mua với mức giá khoảng 20 triệu đồng nhưng anh vẫn quyết định giữ nguyên, không khai thác tràm chỉ vì đây là nơi ở của đàn chim trời duy trì số lượng thường xuyên trên 5.000 con, lúc đông nhất lên đến khoảng 7.000 con.

Anh Lành tâm sự: “Từ khi hết đàn chim này đến đàn chim khác đến “tá túc”, khu vực này như có thêm những thành viên mới đặc biệt. Rạng sáng và khi hoàng hôn buông xuống, chim bay lượn, hót râm ran cả một góc trời.

Chính bản thân mình cũng dần thay đổi suy nghĩ về bảo vệ chim hoang dã, chỉ mong sao đàn chim luôn được an toàn, không bị xâm hại”. Vì lẽ đó, không chỉ tạo nơi nghỉ, từng ấy năm, để đàn chim trời yên tâm trú ngụ, anh Hồ Hữu Lành còn trông nom, tìm mọi cách bảo vệ đàn chim trước sự tấn công của đàn quạ, diều hâu và nhất là hoạt động săn bắt đủ hình thức của nhiều người, nhóm người săn trộm.

Ngoài vận động trực tiếp mỗi khi gặp đối tượng săn bắn, anh Lành lắp hệ thống điện chiếu sáng tại vườn tràm; nuôi thêm những chú chó để canh giữ, phát hiện người lạ xâm nhập; mùa mưa bão anh cẩn thận theo dõi thường xuyên tránh tình trạng lợi dụng thời tiết xấu để bẫy, bắt chim.

“Đàn chim trời rất nhạy cảm, chỉ cần một thay đổi hoặc tác động nhỏ đến môi trường sống cũng ảnh hưởng đến chúng.

Như năm 2020, một lần có nhóm người dùng súng bắn vào vườn tràm từ xa, lập tức ngay đêm hôm đó, tất cả chim kéo nhau bay đi hết, mãi tận 2 tháng sau mới dần quay trở về.

Lo sợ đàn chim sẽ rời đi mãi khi hiện tượng tìm bắt hàng ngày còn tiếp diễn, mỗi khi phát hiện có nhóm người lạ, tôi chủ động thông báo với chính quyền.

UBND xã đã chỉ đạo lực lượng công an, dân quân kịp thời đến kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở các đối tượng. Nhờ đó, 2 năm gần đây tình trạng săn bắn giảm hẳn”, anh Hồ Hữu Lành cho hay.

Dù thực tế đã, đang và sẽ bị thất thu giá trị kinh tế của vườn tràm, việc trông giữ đàn chim cũng khá vất vả nhưng anh Hồ Hữu Lành vẫn vui vẻ tạo môi trường sinh thái, hết lòng bảo vệ đàn chim trời.

Bản thân anh chưa bao giờ có ý nghĩ thu bất kỳ nguồn lợi nào từ chim hoang dã. Không ít lần một số chim cò bị thương, gãy cánh trong quá trình kiếm ăn hay bị tấn công, vốn có chuyên môn thú y, anh Lành chăm sóc, chữa trị cho đến khi chim khỏe hẳn mới thả lại vào tự nhiên.

Câu chuyện ý nghĩa, tấm lòng của anh Hồ Hữu Lành được chính quyền, người dân biết đến và lấy làm cảm mến, qua đó góp phần lan tỏa, thay đổi nhận thức đến hành động của mọi người về bảo vệ động vật hoang dã nói chung, đàn chim trời nói riêng.

Đến nay, các hộ trong cũng như ngoài vùng chỉ cần thấy người lạ đến vườn tràm với ý định săn bắn chim trời cũng đã trực tiếp ngăn chặn, nhanh chóng thông báo cho anh Lành hoặc đơn vị chức năng xã Vĩnh Sơn.

Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn Hồ Ngọc Quyết cho biết thêm: “Hướng đến đảm bảo an toàn cho đàn chim hoang dã, bên cạnh tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, vận động để Nhân dân ý thức hơn về việc chung tay bảo vệ các loài chim tự nhiên, chính quyền địa phương cũng đang xem xét việc đặt biển báo cấm săn bắt động vật hoang dã tại khu vực này nhằm hạn chế, cảnh cáo, xử lý theo pháp luật những trường hợp cố tình săn bắn trái phép”.

Anh Hồ Hữu Lành cho hay thời gian tới nếu được, anh sẽ trồng thêm tràm để đàn chim có nơi cư trú rộng rãi hơn khi lượng chim tìm đến ngày một tăng.

“Đặc biệt, trên diện tích đất thuê thầu hiện nay, chúng tôi rất mong muốn được UBND xã Vĩnh Sơn tạo điều kiện cho gia đình thuê đất ổn định, lâu năm như những hộ trong khu vực này. Từ đó không chỉ giúp gia đình phát triển sản xuất mà quan trọng là tiếp tục tạo chỗ ở lâu dài cho đàn chim hoang dã đã gắn bó cùng vùng “đất lành” xã Vĩnh Sơn suốt 5 năm nay”, anh Hồ Hữu Lành chia sẻ.

Nguyễn Trang

More