Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Hãy lắng nghe và chia sẻ cùng người cao tuổi trong gia đình

Ngày nay, do quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa khiến cho nhịp sống con người trở nên vội vàng hơn và lỡ bỏ quên những giá trị cốt lõi của gia đình. Hơn 72% người già sống cùng với con cháu, trong khi xu hướng quy mô gia đình Việt Nam đang chuyển dần từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân. Gia đình hạt nhân là một loại hình gia đình gồm bố, mẹ và con cái sống chung trong một căn nhà hoặc cùng một không gian sinh hoạt.

Như vậy theo xu hướng đó, người già phải sống một mình là điều rất bất lợi đối với họ, bởi gia đình luôn là chỗ dựa cơ bản cho mỗi thành viên khi về già. Người cao tuổi sau khi về hưu hoặc hết tuổi có thể lao động, thường cảm thấy cô đơn ngay chính trong ngôi nhà của mình bởi con cháu bận rộn từ sáng đến tối.

Chính vì vậy, một trong những điều quan trọng nhất chúng ta cần chú ý khi chăm sóc người cao tuổi chính là sự sắp xếp cuộc sống cho họ. Người cao tuổi luôn cần được đảm bảo, chăm sóc, quan tâm cả về mặt thể chất lẫn tinh thần và sống vui khỏe bên gia đình, con cháu. Nếu sự chăm sóc bảo vệ thể chất có thể giữ gìn tuổi thọ thì sự chăm lo hỗ trợ xã hội có thể góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi. Bởi vậy, con cháu nên là bờ vai đầy ấm áp, trân quý để cho bố mẹ, ông bà tin cậy, an lòng tựa vào.

Chữ hiếu đối với bậc sinh thành, đôi khi chỉ là sự lắng nghe, chia sẻ, hay đáp ứng những tâm tư, nguyện vọng của họ bằng hết khả năng của mình. Về tinh thần, người thân vận động cha, mẹ, ông bà mình tích cực tham gia vào các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ như Câu lạc bộ Người cao tuổi giúp người cao tuổi; Bóng chuyền hơi; Thể dục dưỡng sinh; Dân ca dân vũ để nâng cao sức khỏe cho các cụ.

Tuổi già là một giai đoạn quan trọng trong cuộc sống của con người. Tuy quá trình lão hóa có thể ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng những năm tháng trải qua trong đời đã cho người cao tuổi tích lũy được kinh nghiệm quý báu, nhận thức sáng suốt, hành xử chín chắn và mối quan hệ xã hội thỏa đáng. Cho nên, thiết nghĩ con cháu nên biết lắng nghe cha mẹ, ông bà khi tuổi già. Nếu có những điều chưa vừa ý, hoặc khác quan điểm cũng xin  nhường nhịn, lựa lời trao đổi nhằm đi đến một mẫu số chung cho vui lòng cha mẹ.

Cháu con luôn là điểm tựa của ông bà, cha mẹ. Vậy nên, dù bận rộn với muôn vàn công việc để mưu sinh cũng nên dành thời gian quan tâm, theo dõi sức khỏe, hay tâm tư nguyện vọng của ông bà, cha mẹ, để họ sống vui, sống khỏe, sống có ích.

Ngô Thị Tố Nga

More