Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Trong cơ chế hội nhập và phát triển, đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) là một việc làm cần thiết, không chỉ đáp ứng nhu cầu nâng cao nguồn nhân lực, tạo việc làm, tăng nguồn thu nhập, giảm nghèo bền vững; mà đây chính là cơ hội, điều kiện để người lao động ở vùng nông tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất- kinh doanh, tạo ra các mặt hàng nông sản đạt chuẩn theo yêu cầu thị trường hàng hóa.

Nghề may công nghiệp đang thu hút đông lao động tại huyện Vĩnh Linh.

Ngày 5/11/2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Chỉ thị số 19-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho người lao động nông thôn”. Thực hiện Chỉ thị này, UBND huyện Vĩnh Linh đã chỉ đạo Phòng LĐ-TBXH phối hợp với các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, các xã thị trấn trên địa bàn huyện tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý và kiểm tra, đánh giá việc dạy nghề cho LĐNT tại địa phương. Mặt khác xây dựng Đề án đào tạo nghề cho LĐNT gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Với mục tiêu: đa dạng các loại hình dạy nghề và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho LĐNT, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế. Sau khi học nghề người LĐNT có thể tham gia làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các làng nghề và đi lao động nước ngoài. Đây là yêu cầu xuất phát từ thực tế, nhằm gắn kết người lao động với giải quyết việc làm.

Bên cạnh đó, có định hướng trong việc đào tạo nghề theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của LĐNT và yêu cầu của thị trường lao động; gắn đào tạo nghề với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng thôn, xã, từng vùng trong huyện nhằm khai thác thế mạnh, tiềm năng sẳn có của địa phương. Mục tiêu đào tạo nghề cho LĐNT ở Vĩnh Linh phải xuất phát từ nhu cầu sử dụng lao động thật sự của các doanh nghiệp trên địa bàn; đồng thời dựa trên nhu cầu thực tế về nghề nghiệp của người dân, chứ không phải là các hoạt động có tính phong trào, nhất thời.

Vĩnh Linh là huyện có địa bàn tương đối rộng, dân số đông với tổng diện tích tự nhiên 620km², dân số gần 90.000 người. Trong đó, có 3.108 người dân tộc Vân Kiều; số người trong độ tuổi lao động là 52.170 người, chiếm tỷ lệ 55,74%. Vào năm 2010, trên địa bàn tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ mới đạt đạt 30%, qua đào tạo nghề đạt 24%. Người dân chưa được tiếp cận nhiều với các kiến thức khoa học kỹ thuật, chính vì vậy, hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao.

Để nâng cao tay nghề cho lực lượng LĐNT, ngoài tăng cường đào tạo mới nhiều ngành nghề, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo. Việc dạy nghề ở Vĩnh Linh được thực hiện có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể, sự gắn kết giữa nhà trường - doanh nghiệp và thực hiện dạy nghề theo địa chỉ. Dạy nghề theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, “vừa học, vừa làm”, trang bị thêm cho người học kiến thức về kinh doanh, an toàn lao động cũng như kĩ năng thực hành, làm việc theo nhóm. Chính từ những lớp học này người dân đã biết áp dụng tiến độ khoa học, chuyển giao công nghệ vào thực tiễn sản xuất để tăng giá trị hàng hoá trên một đơn vị diện tích.

Giai đoạn 2010-2021, toàn huyện đã tổ chức được 259 lớp học nghề thu hút gần 8000 học viên tham gia. Tổng nguồn vốn hỗ trợ các lớp học nghề trên 3,7 tỷ đồng. Ngành nghề được đào tạo chủ yếu là: Chăn nuôi gia súc, gia cầm, kỹ thuật trồng lúa, đậu, lạc, vừng, trồng rau sạch, trồng hoa, kỹ thuật hàn, điện, điện dân dụng, may công nghiệp, sửa chữa máy nông nghiệp. Thời gian đào tạo từ 1 đến 3 tháng. Qua đào tạo người học cũng nhận thức đầy đủ hơn về nghề nghiệp, từ chỗ học theo phong trào chuyển sang học nghề để tìm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, nắm bắt khoa học - kỹ thuật và ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng năng suất, thu nhập.

Trên địa bàn huyện hiện cũng đã có rất nhiều mô hình kinh tế của bà con nông dân sau khi được đào tạo nghề và áp dụng vào thực tiễn đem lại hiệu quả cao. Tiêu biểu có mô hình chăn nuôi gà thả vườn của bà Lê Thị Phương Loan ở thôn Liêm Công Tây, xã Hiền Thành, trung bình khoảng 2-3 tháng cho xuất 1000 con gà, thu nhập bình quân là 6-7 triệu đồng/tháng; Mô hình của lớp nghề nuôi giun quế kết hợp chăn nuôi gà của ông Hoàng Phương ở thôn Cỗ Mỹ, xã Vĩnh Giang; Mô hình sản xuất nước mắm của bà Nguyễn Thị Chiếm và bà Trần Thị Lý ở thôn Thái Lai, xã Vĩnh Thái, trung bình khoảng 1,5-2 tháng làm ra được 170-200 lít nước mắm, thu nhập bình quân từ 4-6 triệu đồng/tháng.

Có thể nói, công tác đào tạo nghề cho LĐNT tại huyện Vĩnh Linh đã mang lại một số hiệu quả nhất định. Từ chỗ phải tìm kiếm các lớp học nghề thì nay người dân có thể dễ dàng tiếp cận với các chương trình đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu cá nhân. Đặc biệt, sau học nghề, người dân có cơ hội tìm việc làm, tự tạo việc làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Được biết, đến nay, có khoảng 70% LĐNT đã được đào tạo nghề và sau học nghề có 80% người lao động tìm được việc làm, thu nhập ổn định.

Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT góp phần thực hiện tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, Vĩnh Linh sẽ tập trung đào tạo một số ngành nghề phi nông nghiệp mới phù hợp với điều kiện phát triển và để khai thác có hiệu quả tiềm năng sẵn có của địa phương. Đặc biệt, sẽ tiếp tục chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo cũng như cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; đồng thời đổi mới chương trình đào tạo và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm cho người lao động sau học nghề.

 

Mỹ Hằng

More