Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Phát triển mô hình nuôi ong lấy mật ở xã Vĩnh Hòa

Những năm gần đây nhiều hộ dân ở xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh đã phát triển, mở rộng nghề nuôi ong lấy mật. Được nuôi theo phương thức tự nhiên, mật ong ở đây có vị thơm ngon, ngọt thanh, không bị chuyển màu dù bảo quản trong thời gian dài. Hiện nay, xã Vĩnh Hòa đang từng bước xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường cho sản phẩm được xem là đặc trưng của địa phương.

Gia đình ông Trần Đức Tài, thôn Hòa Bình là một trong những hộ nuôi ong với số lượng nhiều trên địa bàn xã Vĩnh Hòa. Ông Tài cho biết: Gia đình tôi bắt đầu nuôi ong lấy mật khoảng 7 năm trước, nhưng chỉ nuôi với số lượng ít để phục vụ gia đình. Từ năm 2019, nhận thấy nhu cầu thị trường và hiệu quả kinh tế cao nên gia đình tôi đã học hỏi cách nhân đàn để mở rộng quy mô. Từ đó đến nay, gia đình tôi duy trì ổn định từ 50 đàn.

Qua trao đổi với ông Tài, chúng tôi được biết nghề nuôi ong lấy mật có vốn đầu tư ít, không tốn nhân lực, thu nhập đem lại tương đối ổn định. Tuy vậy, việc nuôi ong cũng đòi hỏi kỹ thuật tỉ mỉ trong từng công đoạn.

“Quan trọng nhất là chọn ong chúa, ong chúa khỏe mạnh thì đàn ong mới sinh trưởng và phát triển tốt, đồng thời, tổ được đặt ở nơi nhiều hoa sẽ cho số lượng, chất lượng mật cao hơn. Đối với người nuôi ong ở xã Vĩnh Hòa, tận dụng lợi thế từ rừng nguyên sinh Rú Lịnh, hàng năm, cứ đến độ ong đi lấy mật, chúng tôi sẽ đưa đàn ong đến nuôi thả ở đây vì Rú Lịnh có đa dạng thảm thực vật, các loại hoa... đây là nguồn thức ăn phong phú cho ong. Ong nuôi tự nhiên nên chi phí thấp và sản phẩm mật thu được nguyên chất, rất thơm ngon, mùi vị đặc trưng”, ông Tài cho biết thêm. 

Theo tính toán của ông Tài, bình quân mỗi đàn ong thu được 7 lít mật/năm, với giá bán 600 ngàn đồng/lít, gia đình ông có nguồn lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/năm.

Nhận thấy hiệu quả từ mô hình nuôi nuôi ong lấy mật, nhiều hộ dân ở xã Vĩnh Hòa cũng đã học tập, nhân rộng mô hình. Hiện nay, trên địa bàn xã có 56 hộ dân phát triển mô hình này với tổng số khoảng 600 đàn ong. 

Mô hình nuôi ong lấy mật của anh Nguyễn Huy Hoàng, thôn Hòa Bình, xã Vĩnh Hòa.

Anh Nguyễn Huy Hoàng, thôn Hòa Bình, xã Vĩnh Hòa cho biết, sau khi thấy tính khả thi của mô hình nuôi ong lấy mật, năm 2017, anh cũng bắt đầu nuôi thử nghiệm 10 đàn ong. Trong đó có nhiều đàn ong được bắt từ tự nhiên. Tuy nhiên, ban đầu do chưa nắm vững kỹ thuật, một số đàn ong đều lần lượt tách đàn, bay đi mất. Không nản chí, anh Hoàng quyết tâm học hỏi về kỹ thuật nuôi và tìm hiểu về đặc tính của loại ong. Tiếp đó, theo lời giới thiệu của những hộ dân đã thành công với nghề, anh trực tiếp ra tận Hà Nội để mua con giống đảm bảo chất lượng về nuôi.

Nhờ nắm vững về kỹ thuật nuôi, chia đàn, nhân giống dần dần, đến nay gia đình anh Hoàng có hơn 50 đàn ong tương đương 50 thùng ong, mỗi thùng có khoảng 5-7 cầu ong. Theo anh Hoàng, nuôi ong là hướng đi hiệu quả bởi nghề này giúp tận dụng được hết những yếu tố có sẵn từ thiên nhiên. Quá trình nuôi, vào mùa nắng nóng hay mùa đông, thời tiết khắc nghiệt, ong không đi kiếm ăn được thì phải chăm sóc tỉ mỉ, nhiều công hơn để đảm bảo sức khỏe cho đàn ong. Nhưng bù lại chi phí nuôi thấp, lợi nhuận cao, người nông dân rất phấn khởi.  

Tại xã Vĩnh Hòa, hiện nay, người dân chủ yếu nuôi ong mật lấy hoa rừng tự nhiên nên chất lượng mật tốt, nhiều khách hàng tìm đến tận nhà mua với giá 600 nghìn đồng/lít. Tuy nhiên, vấn đề khiến cho người nuôi ong ở Vĩnh Hòa trăn trở, đó là làm sao để giữ vững và phát triển được thương hiệu mật ong của địa phương. Vì có rất nhiều sản phẩm mật kém chất lượng trên thị trường vẫn được trà trộn, chào bán với lời giới thiệu là mật ong nguyên chất được người dân Vĩnh Hòa nuôi tại rừng nguyên sinh Rú Lịnh.

Để nâng cao giá trị, khẳng định thương hiệu cho sản phẩm mật ong ở địa phương, tháng 10/2021, xã Vĩnh Hòa đã thành lập HTX Nông sản xanh. HTX có nhiệm vụ tập hợp sản phẩm, xây dựng thương hiệu; đẩy mạnh hoạt động kết nối, dịch vụ để tăng sức cạnh tranh, chủ động thị trường tiêu thụ cho những mặt hàng nông sản tiêu biểu của xã, trong đó có sản phẩm mật ong.

Ông Trần Văn Hưng, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản xanh Vĩnh Hòa cho biết: “Định kỳ hằng tháng, các thành viên HTX đều họp mặt, trao đổi các kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc ong, đảm bảo chất lượng mật. Đồng thời phối hợp cùng cơ quan chức năng tổ chức tập huấn các tiến bộ kỹ thuật, nhất là phòng, chống các bệnh cho đàn ong, giúp thành viên yên tâm phát triển sản xuất. Đến nay, HTX đã đăng ký thành công nhãn hiệu sản phẩm mật ong Rú Lịnh, có tem nhãn, tem truy xuất nguồn gốc. Mật ong Rú Lịnh cũng đã được công nhận là sản phẩm đạt chuẩn VietGap năm 2022”.

Năm 2023, xã Vĩnh Hòa chọn sản phẩm mật ong Rú Lịnh xây dựng thành sản phẩm OCOP. “Hiện tại HTX đang phối hợp với đơn vị tư vấn, hoàn thiện các tiêu chí sản phẩm như: hồ sơ, lựa chọn mẫu chai và hộp đựng sản phẩm ... Nếu đạt tiêu chuẩn OCOP sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm mật ong, là cơ hội để mật ong Rú Lịnh được quảng bá rộng rãi trên thị trường, mang lại kinh tế cao và ổn định cho người nuôi ong”, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản xanh Vĩnh Hòa, Trần Văn Hưng, chia sẻ thêm.

Mỹ Hằng

More