Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Ngày Thế giới phòng chống ung thư 4/2

Ung thư là căn bệnh xảy ra khi một nhóm tế bào bình thường trong cơ thể có sự phát triển bất thường, mất kiểm soát tạo thành một khối u. Điều này đúng với tất cả các bệnh ung thư ngoại trừ bệnh bạch cầu (ung thư máu). Nếu không được điều trị, các khối u có thể phát triển và lây lan vào mô bình thường xung quanh hoặc đến các bộ phận khác của cơ thể qua đường máu và hệ thống bạch huyết. Đồng thời có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, thần kinh và tuần hoàn hoặc giải phóng các hormone có thể ảnh hưởng đến chức năng của cơ thể.

Theo thống kê trên thế giới mỗi năm có khoảng 10 triệu người chết vì ung thư. Ung thư được xem là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai trên toàn thế giới. Trong đó, 70% trường hợp tử vong do ung thư xảy ra ở các nước có thu nhập thấp đến trung bình. Tuy nhiên, có ít nhất một phần ba các bệnh ung thư phổ biến có thể phòng ngừa được bằng cách giảm tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như thuốc lá, béo phì, lười vận động, nhiễm trùng, rượu, ô nhiễm môi trường, chất gây ung thư nghề nghiệp và bức xạ.

Bên cạnh đó, một số bệnh ung thư như ung thư gan và ung thư cổ tử cung cũng có thể dự phòng có hiệu quả thông qua việc tiêm vắc xin chống lại vi rút viêm gan B (HBV) và vi rút u nhú ở người (HPV). Ngoài ra, xét nghiệm tầm soát ung thư cũng là một biện pháp nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh ung thư.

Nguyên nhân phổ biến của bệnh ung thư

- Tác động của môi trường: tia cực tím, bức xạ ion hóa.

- Lối sống kém lành mạnh: hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia.

- Các yếu tố về mặt sinh học như: độ tuổi, giới tính, màu da.

- Di truyền: ung thư có tỷ lệ di truyền khoảng 5-10%. 

- Các yếu tố ngoại cảnh từ nghề nghiệp: thường xuyên làm việc ngoài trời, dưới nắng nóng, tiếp xúc nhiều với hóa chất.

- Một số loại vi khuẩn, virus liên quan đến cơ chế sinh bệnh ung thư.

Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư cần lưu ý

Với rất nhiều loại ung thư khác nhau, các triệu chứng rất đa dạng và phụ thuộc vào vị trí của bệnh. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu và triệu chứng chính cần chú ý bao gồm:

Triệu chứng chung:

- Đau hoặc nhức không giải thích được.

- Đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm.

- Giảm cân không rõ nguyên nhân.

- Các cục u hoặc sưng bất thường.

- Mệt mỏi trầm trọng.

Ăn uống, hô hấp:

- Mất cảm giác thèm ăn.

- Ợ chua hoặc khó tiêu.

- Ho dai dẳng, khó thở hoặc khó nuốt.

Da, niêm mạc:

- Nốt ruồi mới hoặc những thay đổi đối với nốt ruồi.

- Vết loét không lành.

Bài tiết:

- Các bất thường khi đi tiểu.

- Thay đổi thói quen đi tiêu.

Các bất thường khác:

- Chảy máu không rõ nguyên nhân.

- Những thay đổi bất thường ở vú.

“Hãy lắng nghe cơ thể và trao đổi với bác sĩ nếu nhận thấy có điều gì đó không ổn để được chăm sóc kịp thời!”.

Một số biện pháp phòng chống ung thư đơn giản, hiệu quả

Bỏ thuốc lá:

Theo nghiên cứu, thuốc lá là nguyên nhân của hầu hết các bệnh ung thư phổi, ung thư phế quản, ung thư vòm họng, ung thư thanh quản, ung thư tụy, ung thư bàng quang, ung thư thận… Dạng thuốc lá nào cũng có thể làm tăng khả năng ung thư. Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư phổi gấp 25 lần so với người không hút. Không chỉ vậy, người sống trong môi trường nhiều khói thuốc (hay còn gọi hút thuốc lá thụ động) cũng có nguy cơ mắc ung thư cao từ 20-30%. Do đó, cần phải tránh xa thuốc lá.

Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, duy trì cơ thể cân đối:

Luyện tập thể dục thể thao đều đặn luôn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, trong đó có phòng chống ung thư. Mỗi ngày hãy cố gắng dành thời gian tập luyện khoảng 30 phút hoặc mỗi tuần khoảng 75-150 phút. Bên cạnh đó, nên tránh ngồi lâu một chỗ, tăng cường vận động ngay khi có thể như đi thang bộ thay cho thang máy, làm việc nhà. Duy trì cơ thể cân đối không chỉ giúp nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần mà còn giúp phòng ngừa ung thư như ung thư vú, phổi, tuyến tiền liệt, đại tràng, thận...

Chế độ ăn uống lành mạnh:

Một chế độ ăn uống lành mạnh thực sự vô cùng quan trọng trong việc chống ung thư. Nghiên cứu cho thấy có đến 40% loại ung thư có thể được ngăn chặn nhờ chế độ ăn uống khoa học với các thực phẩm phòng chống ung thư.

+ Tăng cường các loại rau quả và trái cây tươi, ưu tiên ngũ cốc nguyên hạt, giàu chất xơ trong chế độ ăn hàng ngày. Hạn chế tiêu thụ những thực phẩm nhiều calo, chứa nhiều đường tinh luyện, giàu chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa như khoai tây chiên, thức ăn nhanh, thức uống có ga, nước tăng lực... vì sẽ gây thừa cân, béo phì dẫn đến ung thư.

+ Tránh uống nhiều rượu bia vì sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư thực quản, ung thư vú, đại tràng, gan, thận…

+ Hạn chế ăn đồ chế biến sẵn như thịt nguội, dăm bông, xúc xích, thực phẩm đóng hộp…

+ Tập trung vào những thực phẩm có nguồn gốc thực vật và chứa chất béo lành mạnh như dầu ô liu, bơ và cá thay cho thịt đỏ.

Bảo vệ cơ thể trước ánh nắng mặt trời:

Tia cực tím như UVA, UVB, UVC có trong ánh nắng mặt trời có thể làm cháy nắng, tổn thương và gây ung thư da. Từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều tia cực tím hoạt động rất mạnh, do đó để bảo vệ sức khỏe cũng như phòng chống ung thư da, bạn nên hạn chế tiếp xúc với ánh nắng trong khoảng thời gian này. Nếu phải ở ngoài trời bạn nên chọn đứng dưới bóng râm, mặc áo dài tay, đeo kính râm, đội mũ rộng vành. Quần áo nên chọn màu sáng hoặc tối, những màu này giúp phản xạ tia cực tím tốt hơn. Bên cạnh đó, đừng quên thoa kem chống nắng phổ rộng với chỉ số SPF ít nhất 30 hàng ngày, ngay cả khi trời râm mát vì tia cực tím luôn hiện hữu ngay cả khi không có ánh nắng.

Tiêm phòng vắc xin:

Một số vaccine có thể giúp phòng chống ung thư hiệu quả như:

+ Vắc xin viêm gan B: phòng tránh viêm gan siêu vi B và làm giảm thiểu nguy cơ mắc xơ gan, ung thư gan về sau.

+ Vắc xin HPV: Tiêm vaccine HPV được khuyến nghị cho nữ giới từ 9 - 26 tuổi nhằm phòng ngừa ung thư cổ tử cung, u nhú bộ phận sinh dục, sùi mào gà...

Khám sức khỏe và tầm soát ung thư định kỳ:

Khám sức khỏe tổng quát và tầm soát ung thư định kỳ, đặc biệt những người có nguy cơ cao giúp phát hiện các mầm mống ung thư trong cơ thể ngay cả khi chưa có biểu hiện rõ ràng, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị.

Nhiều bệnh ung thư có cơ hội chữa lành cao nếu được chẩn đoán ung thư sớm và điều trị đầy đủ. Cần thực hiện khám sức khoẻ định kỳ và sàng lọc phát hiện sớm ung thư, có lối sống lành mạnh, chế độ làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để tránh các yếu tố nguy cơ có thể gây bệnh ung thư.

 

Trung tâm Y tế Vĩnh Linh

Bài viết liên quan