Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh
Tổ hợp tác quầy hàng nông sản sạch
- 15-09-2022
- 1172 lượt xem
Chị Trần Thị Thu Đông ở xã Vĩnh Tú (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) không chỉ tạo cho mình con đường làm kinh tế từ chính ẩm thực dân gian mà còn giúp gìn giữ nét tinh hoa trong hương vị thân quen này.
Tổ hợp tác quầy hàng nông sản sạch.
Chị Trần Thị Thu Đông tốt nghiệp Đại học Luật, tham gia Ban Chấp hành Hội LHPN xã Vĩnh Tú năm 2001 và được bầu làm Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Tú, Vĩnh Linh, Quảng Trị, vào năm 2016. Từ lâu, chị đã gắn bó với nghề nông, đồng thời quan tâm tới lợi ích của những người phụ nữ. Chị nhận thấy những sản phẩm nông nghiệp của bà con nông dân và những sản phẩm chế biến theo nghề truyền thống ở Vĩnh Tú rất ngon và được ưa chuộng. Xuất phát từ đó, chị đã nảy ra ý tưởng xây dựng mô hình sản xuất theo hướng thủ công và tiếp cận chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP tại địa phương. Chị đứng ra thành lập Tổ hợp tác quầy hàng nông sản sạch xã Vĩnh Tú.
Có thể nói, khởi đầu của chị khá thuận lợi với sự tạo điều kiện của lãnh đạo xã và các ban ngành về vật chất, tinh thần, sự đồng thuận của các cấp Hội Phụ nữ và các thành viên Tổ hợp tác. Chị Đông cho biết, sản xuất kinh doanh dưa muối thành công đã góp phần giải quyết công ăn, việc làm cho một số phụ nữ trên địa bàn toàn xã. Đồng thời, còn giúp người dân hạn chế việc sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng kém, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi người.
Mặc dù được sự ủng hộ của các cấp, ngành, nhưng vốn đầu tư ban đầu vẫn chưa có, cơ sở vật chất còn hạn hẹp, đầu ra chưa định hình. Vì là mô hình sản xuất theo hướng thủ công nên việc làm ra sản phẩm bị phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố từ quá trình sản xuất của bà con, thời tiết... thậm chí, quá trình đóng gói, vận chuyển vào khoảng thời gian đầu còn chưa được đảm bảo. Những điều này đã gây khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu nên việc quảng bá sản phẩm chưa được rộng rãi, thị trường tiếp cận còn eo hẹp.
Chị Đông hiểu được rằng đầu tiên là những bước gian nan nên chị vẫn vững lòng, nhằm thực hiện bằng được kế hoạch, mang đến cho người dân những sản phẩm chất lượng và nâng cao vai trò của cánh phụ nữ trong kinh doanh.
Bắt đầu bằng những món ăn dân dã, các nguyên liệu nông nghiệp có sẵn tại địa phương như dưa non, kiệu, ném, hành, đu đủ, cà rốt... Với quy trình sản xuất mang tính thủ công, hoàn toàn không sử dụng phụ gia và chất bảo quản, những sản phẩm tuy đơn giản mà đậm đà cái chân chất vùng nông thôn ấy nhanh chóng trở thành sản phẩm chủ lực của thương hiệu. Theo chị Đông, giá cả của những mặt hàng này đều vừa phải, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng…
Sau khi xác định được sản phẩm chủ lực, chị và các thành viên bắt đầu tìm kiếm phương thức phân phối nương theo nhu cầu người tiêu dùng như bán lẻ, ship qua mạng... Nhờ những phương thức chủ yếu này mà Tổ hợp tác bán được sản phẩm với số lượng nhiều, tiết kiệm thời gian và chi phí cho hoạt động bán hàng.
Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất lại có thêm những khó khăn mới: Những mặt hàng thay thế có giá cả thấp hơn hoặc nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi... Đối với bà con làm nông, việc bị phụ thuộc vào thời tiết là điều không thể tránh khỏi. Một số nguyên liệu đầu vào như dưa non bị mất mùa do ảnh hưởng của thiên tai. Hoặc nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng này tăng cao, giá cả có thể tăng vọt, lãi tiền vay có thể tăng theo nhu cầu chung...
Dù phải đối mặt với những khó khăn ấy, nhưng mọi thành viên trong tổ hợp tác đều quyết tâm giữ vững lập trường trong việc sản xuất. Chính quyền và các tổ chức đoàn thể cũng trợ giúp tuyên truyền bà con trồng dưa đúng quy trình và đảm bảo vệ sinh thực phẩm, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất.
Vượt qua giai đoạn đầu khởi nghiệp, kế hoạch sản xuất kinh doanh dưa muối của chị Đông trên đà phát triển rõ rệt và bắt đầu tăng doanh thu. Đặc biệt, khi cơ sở sản xuất ngày càng phát triển, sản phẩm làm ra cũng có chất lượng cao hơn, quy mô hoạt động được mở rộng hơn. Thương hiệu dưa muối Vĩnh Tú thêm uy tín, được quảng bá rộng rãi góp phần nâng cao vai trò, vị trí của người phụ nữ trong lĩnh vực kinh doanh, phát triển kinh tế. Từ đó, tạo tiền đề khẳng định vị thế của người phụ nữ trong xã hội. Đó cũng chính là điều chị Đông mong muốn.
Hơn nữa, những sản phẩm của thương hiệu đều mang đậm bản sắc dân tộc. Khởi nghiệp từ những món ăn, nguyên liệu ấy không chỉ là một cách làm kinh tế mà còn góp phần quảng bá tinh hoa, văn hóa của dân tộc dù chỉ là món ăn chân chất, giản dị như dưa muối.
Trong tương lai, để tiếp tục phát triển thương hiệu, chị Đông vẫn đang quảng bá sản phẩm qua các trang thông tin cá nhân và bạn bè, ngoài ra Tổ hợp tác còn tham gia hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm, đăng ký bán hàng tại các cửa hàng thương mại điện từ, các siêu thị trên địa bàn tỉnh...
Nguồn: PhunuVietnam online
- Tiếp tục hỗ trợ các xã đăng ký xây dựng NTM nâng cao về đích theo kế hoạch (14/09/2022)
- Góp phần nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số từ Quyết định số 2085/QĐ-TTg (12/09/2022)
- Bàn giao 900 triệu đồng vốn chăn nuôi bò cho phụ nữ khó khăn ở huyện Vĩnh Linh (12/09/2022)
- Hỗ trợ xây dựng 4 nhà tình nghĩa cho người có công, thân nhân người có công (07/09/2022)
- Chú trọng xây dựng tổ chức Hội Khuyến học (07/09/2022)
- Tích cực hỗ trợ phụ nữ, trẻ em vùng nông thôn (06/09/2022)
- Vĩnh Thái: Ra mắt mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ, trẻ em” (31/08/2022)
- Vĩnh Long: Tổ chức Giải bóng chuyền hơi người cao tuổi (31/08/2022)
- Hồ Xá: Tổ chức Ngày hội khuyến học, khuyến tài và tiếp sức đến trường năm học 2022- 2023 (29/08/2022)
- Khởi công xây dựng “Ngôi nhà hạnh phúc” cho học sinh nghèo tại xã Vĩnh Ô (27/08/2022)
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĨNH LINH TỈNH QUẢNG TRỊ
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Chịu trách nhiệm chính: Hoàng Thị Phụng- Chánh Văn phòng HĐND&UBND, Trưởng Ban Biên tập
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Liên hệ: 0913.485.126 (Trưởng Ban) 0963.138.913 (Phó Ban trực)
Email: vinhlinh@quangtri.gov.vn Địa chỉ: 01/ Huyền Trân Công chúa, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị
Bản quyền thuộc Cổng TTĐT huyện Vĩnh Linh (Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ website này)