Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Nâng cao chất lượng giống cây trồng, con nuôi trong sản xuất nông nghiệp

Xác định giống là một trong những yếu tố hàng đầu quyết định hiệu quả sản xuất nông nghiệp, huyện Vĩnh Linh đã chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm, đưa các loại giống mới chất lượng, phù hợp với điều kiện canh tác, đồng thời ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi, trồng. Từ đó góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích đối với các lĩnh vực, sản phẩm thế mạnh của huyện.

Nhiều hộ gia đình ở Vĩnh Linh chủ động thử nghiệm các đối tượng sản xuất mới mang lại giá trị kinh tế cao.

Lúa là cây trồng chủ lực ở huyện Vĩnh Linh. Vụ Đông Xuân năm nay, dù bị ảnh hưởng bởi mưa, giông lốc vào cuối vụ song vẫn tiếp tục là một vụ mùa thắng lợi với năng suất đạt 56,3 tạ/ha. Trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Vĩnh Linh Nguyễn Đình Lục cho biết, có được kết quả ngày càng khả quan trong sản xuất lúa với diện tích gieo trồng cả năm ổn định khoảng 7.000 ha, năng suất bình quân đạt 52,9 tạ/ha một phần quan trọng do những năm gần đây, huyện Vĩnh Linh xác định được bộ giống lúa chủ lực, ngắn ngày, thích ứng điều kiện tự nhiên, biến đổi khí hậu, đặc biệt cho năng suất, chất lượng cao hơn để đưa vào sản xuất diện rộng, như: TBR-97, HN6, Thiên Ưu 8, Đài Thơm 8, Hương Bình, Bắc Thịnh, ST24, ST25...

Từ việc khuyến khích, hỗ trợ sử dụng giống mới, giống xác nhận, đến nay tỷ lệ dùng giống lúa có phẩm cấp toàn huyện đạt khoảng 95%. Mô hình cánh đồng mẫu lớn khoảng 2.600 ha lúa triển khai tại 30 đơn vị HTX, trong đó gần 200 ha thực hiện sản xuất lúa liên kết và hơn 130 ha sản xuất theo hướng hữu cơ với Công ty Cổ phần Tổng Công ty Sông Gianh. Mô hình tạo tính bền vững trong trồng lúa thuần chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và tạo tiền đề phát triển các vùng sản xuất lúa hữu cơ tập trung trên địa bàn.

Cùng với cây lúa, cao su tiểu điền là cây công nghiệp chủ lực của huyện, việc ứng dụng các giống mới gồm: PB-235, PB-260, Rrim-600, RRIV-209 nhằm mục tiêu tăng dần sản lượng mủ. Đây là những giống thân cây thấp, có độ dẻo dai, tán rộng giúp cây tăng khả năng chống chịu sức gió, giảm thiểu tác động từ mưa bão, vừa rút ngắn thời gian sinh trưởng, cho sản lượng mủ cao, sớm. Hiện Vĩnh Linh có khoảng 6.570 ha diện tích trồng cây cao su, trong đó trên 6.220 ha đưa vào kinh doanh, sản lượng ước đạt khoảng 9.000 tấn/năm.

Về lâm nghiệp, nhờ trồng thành công giống keo lai được sản xuất bằng công nghệ sinh học đã thúc đẩy hoạt động trồng rừng thâm canh ở Vĩnh Linh, đưa năng suất và chất lượng gỗ rừng trồng tăng lên rõ rệt. Riêng sản xuất rau, củ, quả và cây công nghiệp ngắn ngày, trên cơ sở khảo nghiệm, Vĩnh Linh chọn bộ giống lạc gồm L-14, L-16 với năng suất khoảng 24 tạ/ha; giống ngô lai Bioseed, VN-10; giống sắn KM-94, KM-98 cho năng suất 35 - 40 tấn/ha, ít sâu bệnh và thích nghi với thổ nhưỡng, cơ cấu mùa vụ ở địa phương, tạo bước chuyển đổi mạnh mẽ về cơ cấu cây trồng trên các vùng đất bạc màu, khô hạn.

Còn cây ăn quả, người dân mạnh dạn đưa vào trồng chuyên canh, xây dựng các vườn trồng tập trung nhiều loại giống mới có giá trị kinh tế, từ ổi, thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh đến cam Vân Du, chanh leo xuất khẩu… cho doanh thu khá, như: ổi 250 - 280 triệu đồng/ha/năm; thanh long 180 - 200 triệu đồng/ha/năm; chanh leo 270 - 300 triệu đồng/ha/năm…

Trong lĩnh vực chăn nuôi, Vĩnh Linh duy trì tốt chương trình cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, sử dụng tinh bò đực giống Zebu thụ tinh nhân tạo với bò cái vàng bản địa, đưa tỷ lệ đàn bò lai chiếm hơn 70% so với tổng đàn. Giá bán 1 con bò lai cao hơn 1,5 lần so với bò địa phương. Đồng thời, triển khai thành công chương trình nạc hóa đàn lợn, đưa giống mới thuần ngoại Landrace, Yorkshire vào nuôi thích nghi, nâng tỷ lệ lợn lai trên tổng đàn chiếm 95%, rút ngắn chu kỳ nuôi từ 6- 7 tháng, xuống 3- 4 tháng, tăng năng suất, đem lại nguồn thu cao hơn cho người chăn nuôi.

Cùng với đó, chú trọng chuyển giao, nhân rộng một số giống gia cầm đảm bảo cả về năng suất và chất lượng gồm: gà ri lai 3 máu - 4 máu, gà Lương Phượng; vịt siêu trứng, siêu thịt... Số lượng các loại gia súc, gia cầm cơ bản đều tăng, đến nay huyện Vĩnh Linh có đàn trâu, bò khoảng 16.000 con; đàn lợn trên 52.000 con; đàn gia cầm hơn 900.000 con. Về thủy sản, bên cạnh duy trì, phát triển đối tượng nuôi truyền thống như: cá trắm, trê, mè, chép, rô phi đơn tính…, các HTX và hộ gia đình thử nghiệm nuôi nhiều đối tượng mới là cá chình, cá chẽm, cá leo, cá hồng mỹ, cá chép lai 3 máu, cá rô phi đơn tính dòng GIFT, cá trê lai... Nhờ vậy, cơ cấu thủy sản nuôi chuyển dịch tích cực, nâng tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện lên khoảng 870 ha; sản lượng gần 2.200 tấn/năm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thay thế những giống lâu năm, chất lượng thấp đã khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế quỹ đất nông nghiệp, kể cả ở các vùng khó canh tác. Những năm trở lại đây, sản xuất hầu hết các loại nông, lâm, thủy sản của huyện đều tăng cả về số lượng và chất lượng, không chỉ đáp ứng nhu cầu nguồn lương thực, thực phẩm tiêu dùng tại chỗ, mặt khác tạo ra sản phẩm hàng hóa đa dạng, tạo dựng được thương hiệu cũng như lợi thế cạnh tranh khi cung cấp ra thị trường. Từ đó góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và thu nhập cho người dân Vĩnh Linh với chỉ số giá trị sản xuất khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 5,4%/năm.

Nguyễn Trang

Bài viết liên quan