Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Làm giàu từ chăn nuôi tổng hợp

Ở huyện Vĩnh Linh, từ phong trào “Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”, thời gian qua, đã xuất hiện ngày càng nhiều triệu phú khi tuổi đời còn rất trẻ. Mỗi tấm gương là một câu chuyện, một ước mơ, một con đường khởi nghiệp riêng biệt. Thế nhưng, tựu chung ở họ đều cháy bỏng một khát vọng vươn lên, không cam chịu đói nghèo, quyết tâm làm giàu ngay trên chính nơi mình “chôn nhau, cắt rốn”. Một trong số đó có đoàn viên Nguyễn Đăng Phi (sinh năm 1990), thôn Bình An, xã Vĩnh Chấp. Bằng sự năng động và không ngừng nỗ lực, Nguyễn Đăng Phi đã xây dựng cho mình được trang trại chăn nuôi tổng hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình chăn nuôi tổng hợp của anh Nguyễn Đăng Phi cho lợi nhuận mỗi năm trên 300 triệu đồng.

Chúng tôi đến thăm trang trại của anh Nguyễn Đăng Phi, tận mắt chứng kiến thành quả và được nghe kể về quá trình lập nghiệp, mới hiểu rõ sự cần mẫn, quyết tâm của anh. Anh Phi sinh ra và lớn lên trên miền quê còn nhiều khó khăn Vĩnh Chấp. Tuổi thơ của anh là những tháng ngày gắn liền với ruộng đồng, gốc mạ. Hoàn cảnh gia đình cũng không mấy khá giả. Cũng vì lẽ đó mà anh luôn xác định phải cố gắng học tập để có cơ hội thay đổi cuộc đời. Tròn 18 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Đăng Phi vui mừng nhận giấy báo trúng tuyển Trường Đại học Thủy Lợi trong niềm vui khôn xiết của gia đình. Vì gia cảnh khó khăn, để có đủ chi phí học tập, thời gian đó anh phải vừa học vừa làm. Đến năm 2012, tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu, anh được nhận vào làm việc tại Công ty đường bộ Quảng Trị.

Anh kể: “Thời điểm đó, lương của tôi cũng được 10 triệu đồng/tháng. Nhưng lại xa nhà, nhiều chi phí cần trang trải nên cũng khá chật vật. Vì vậy, năm 2016, tôi trở về quê tìm hướng làm ăn. Sau thời gian suy đi tính lại, thấy gia đình có quỹ đất rộng, thuận lợi cho việc chăn nuôi quy mô lớn nên tôi đã bàn với bố mẹ xin vay vốn mở trang trại. Ban đầu bố mẹ không ủng hộ, vì nghĩ rằng, chăn nuôi cần nguồn vốn đầu tư lớn. Trong khi đó kinh nghiệm không có. Đó là còn chưa kể đến việc tính toán nuôi con gì mới đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, sau nhiều lần thuyết phục và thấy được quyết tâm của tôi, bố mẹ cũng đã đồng tình”.

Tháng 6/2016, từ nguồn vốn vay 300 triệu đồng, anh Phi bắt tay thực hiện dự định. Trong đó, 100 triệu đồng dùng vào việc đầu tư chuồng trại, ao hồ; 200 triệu còn lại dùng để mua con giống. Trên tổng diện tích 1ha đất ruộng cấy lúa kém hiệu quả, anh Phi quy hoạch thành 8 hồ cá, thả nuôi các loại như: cá lóc; cá trê; ếch. Ngoài ra, thả nuôi đàn lợn thịt 100 con; đàn gà 500 con. Anh Phi chia sẻ: “Làm nông nghiệp rất nhiều rủi ro, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như môi trường, dịch bệnh; thị trường tiêu thụ bấp bênh, nhu cầu của người tiêu dùng thì đa dạng. Do đó, tôi lựa chọn hình thức nuôi đa con, để vừa tăng thu nhập, vừa giảm bớt rủi ro nếu gặp phải”.

Cũng theo anh Phi chia sẻ, hiện tại, trong các loại con nuôi được đưa vào sản xuất thì nuôi cá lóc trong bể xi măng lót bạt và nuôi ếch là hai mô hình nuôi đầu tiên và duy nhất trên địa bàn xã Vĩnh Chấp. Trong đó, đối với nuôi cá lóc, mỗi năm một vụ nuôi thả khoảng 10 vạn cá giống, chăm sóc trong vòng 7 tháng, khi cá đạt trọng lượng từ 0,7 - 1kg/con sẽ được xuất bán với giá 56 ngàn đồng/kg, bình quân thu lãi khoảng 10.000 đồng/kg cá. Vụ nuôi năm 2023, anh xuất bán 20 tấn cá, cho lãi 140 triệu đồng.

Riêng ếch nuôi, anh Phi chọn giống ếch Thái Lan bởi đây là loài có giá trị kinh tế, sinh trưởng nhanh, thịt thơm ngon. Về kỹ thuật nuôi, anh đóng những tấm ván trên mặt nước và quây bằng lưới được gọi là các giai, mỗi giai có kích cỡ khoảng 4x5m, mật độ thả từ 80-100 con/m2. Mỗi năm 2 vụ nuôi, mỗi vụ thả khoảng 2 vạn ếch giống. Thời gian nuôi từ tháng 3 đến tháng 8. Sau 3 tháng chăm sóc có thể xuất bán; giá bán 45 ngàn đồng/kg. Trong 2 vụ nuôi năm 2023, anh Phi xuất bán được 3 tấn ếch. Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận thu về  hơn 90 triệu đồng.

Để làm sạch môi trường tại các ao nuôi ếch, anh thả dưới các ao này 1 vạn cá trê. Phân ếch hằng ngày là nguồn thức ăn yêu thích của cá trê đồng, giúp làm giảm từ 20-30% lượng thức ăn của cá. Anh Phi chia sẻ: “Cá trê tuy bán với giá chỉ 15 ngàn đồng/kg, mỗi vụ nuôi lãi khoảng 30 triệu đồng. Nhưng mô hình nuôi kết hợp này cho thấy hiệu quả rõ rệt. Vừa tiết kiệm chi phí thức ăn cho cá và cá sẽ góp phần vệ sinh đáy ao, cải tạo nguồn nước, bảo vệ môi trường”.

Đối với gà, lợn tại trang trại được nuôi theo hình thức công nghiệp. Trong đó, lợn thịt khoảng 100 con/lứa; gà 500 con/lứa. Mỗi năm anh Phi xuất bán 3 lứa lợn, 3 lứa gà. Theo tính toán của anh Phi, đối với hai loại con nuôi này, sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm anh cũng lãi được 70 triệu đồng.

Với lợi nhuận mỗi năm trên 300 triệu đồng, hiện nay, Nguyễn Đăng Phi là một trong số ít gương thanh niên tiêu biểu của huyện Vĩnh Linh thành công trên con đường làm giàu từ chăn nuôi. Khi chúng tôi bày tỏ sự ngưỡng mộ vì những nỗ lực của anh, thì anh chỉ cười hiền chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng, tuổi trẻ hãy cứ thử thách bản thân mình, để rồi, ắt sẽ lựa chọn đúng đắn và thành công. Giờ đây, trại chăn nuôi của tôi đã đi vào sản xuất ổn định. Thành quả này không chỉ là nỗ lực của bản thân mà còn là sự ủng hộ từ gia đình, bè bạn. Tôi rất trân trọng và biết ơn. Đây chính là nguồn động viên để tôi vượt khó khăn, quyết tâm theo đuổi con đường mà mình lựa chọn. Gần đây mô hình được nhiều người đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Tôi cũng sẵn sàng chia sẻ để mọi người cùng nhau phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân và quê hương”.

Với những kết quả có được, anh Phi xứng đáng là tấm gương sáng trong nỗ lực lập thân lập nghiệp để mọi người cùng học tập, noi theo.

                                                                        Mỹ Hằng

More