Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Nghề rê cá chim trắng cho thu nhập cao ở Vĩnh Thái

Rê cá chim trắng là nghề mới được bà con ngư dân xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh đưa vào áp dụng những năm gần đây. Theo chia sẻ của ngư dân địa phương, làm nghề này chi phí đầu tư ngư lưới cụ lớn hơn gấp 3-4 lần so với đánh bắt các loại thủy sản khác nhưng cá chim trắng lại có giá trị kinh tế cao. Có những thời điểm, giá thu mua cá chim trắng đạt 1,2 triệu đồng/kg. Hiện nay, nhiều bà con đang đầu tư phát triển mạnh nghề này với hi vọng mở ra hướng đi mới trong khai thác thủy sản, nâng cao thu nhập một cách bền vững.

Hai anh Nguyễn Tất Bảo, Nguyễn Tất Liêm, thôn Tân Mạch, đang chuẩn bị ngư lưới cụ chuẩn bị cho chuyến khai thác mới.

Theo lời giới thiệu của Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Thái Nguyễn Hữu Thành, chúng tôi đến thăm tổ thuyền của anh Nguyễn Tất Bảo (sinh năm 1985) và anh Nguyễn Tất Liêm (sinh năm 1981) ở thôn Tân Mạch, cũng là lúc mà hai anh đang vá lại những tấm lưới chuyên dùng cho việc đánh bắt cá chim. Hình như đã được báo trước nên khi thấy chúng tôi, hai anh liền dừng ngay công việc và vui vẻ mời chúng tôi vào nhà tiếp chuyện.

Cất giọng nói to, rắn rỏi đúng chất dân biển, anh Liêm chia sẻ: “Nghề rê lưới cá chim trắng mới được đưa vào sản xuất khoảng 3 năm trở lại đây. Trước đây, ngư dân Vĩnh Thái thường chú trọng vào dệt lưới đánh bắt cá bè hay còn gọi cá chang vàng. Trong một vài chuyến vươn khơi chúng tôi có đánh bắt được loại cá chim trắng, nhưng không biết về giá trị kinh tế và cách thức dệt lưới để đánh bắt. Về sau từ kinh nghiệm và biết được giá trị thì chúng tôi đã tìm hiểu, học hỏi thêm kỹ thuật dệt lưới để phát triển nghề này”.

Tiếp lời anh Liêm, anh Bảo cho Biết: “Vào đầu năm 2023, anh em tôi bỏ ra 30 triệu đồng để mua vật liệu gồm lưới, phao, chì... về dệt lưới. Sau khoảng 20 ngày dệt thì hoàn thành 750 sải lưới, tương đương với chiều dài 1.200 mét. Thời điểm đó, anh em tôi cũng thả mẻ lưới đầu tiên và đánh bắt được 57 kg cá chim trắng. Tôi nhớ giá bán lúc đó là 850 ngàn đồng/kg, thu về gần 50 triệu đồng. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, anh em tôi đã đánh bắt được khoảng 330kg cá chim trắng. Lợi nhuận lớn nên anh em, bà con rất phấn khởi”.

Tương tự tổ thuyền của anh Liêm và anh Bảo, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ nghề lưới cá chim trắng, tháng 8/2023, tổ thuyền gồm 3 người Trần Hữu Toản, Nguyễn Duy Thủ, Trần Văn Vương ở thôn Thái Lai, xã Vĩnh Thái cũng đã đầu tư mua sắm ngư lưới cụ để làm nghề. Ngay trong chuyến đánh bắt đầu tiên, tổ thuyền này đã đánh được 26kg cá chim trắng. Theo chia sẻ của anh Toản, thành viên tổ thuyền: “Thời điểm này, giá thu mua từ tư thương tăng vọt, đạt 1,2 triệu đồng/kg cá. Chúng tôi rất vui mừng vì ngay trong mẻ đánh đầu tiên đã thắng lớn”.

Hiện nay, trên địa bàn xã Vĩnh Thái có 30 tổ thuyền của ngư dân các thôn Tân Hòa, Đông Luật, Tân Mạch, Thái Lai làm nghề rê lưới cá chim trắng. Mỗi tổ có từ 2-3 thành viên. Cá chim có thể đánh bắt quanh năm, nhưng đánh bắt với sản lượng lớn tập trung vào khoảng tháng 10 năm trước và kéo dài cho đến tháng 3 năm sau, nhất là thời điểm mà nước biển cáu (đục) thì sản lượng đánh bắt có thể lớn hơn.

Lưới đánh cá cũng được dệt cho phù hợp với đặc trưng của loài. Theo đó, lưới có chiều dài khoảng 800- 1.200m; chiều rộng trên 10 m và mắt lưới rộng khoảng 10- 12cm. Lưới cá chim được gắn thiết bị định vị để khi thả xuống biển, ngư dân chỉ cần ngồi trên thuyền vẫn có thể theo dõi lưới di chuyển theo hướng chảy của dòng hải lưu. Bởi khi thả lưới cá chim, ngư dân thường thả lưới cao hơn rạn biển để lưới không bị vướng vào rạn biển và trôi theo dòng hải lưu.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Thái Nguyễn Hữu Thành cho biết: “Với đặc thù kích thước mắt lưới lớn, chỉ đánh bắt các loại cá có kích thước vừa và lớn, nghề lưới rê, trong đó có nghề rê cá chim trắng được coi là nghề đánh bắt thân thiện với môi trường. Mặt khác, hiện nay, giá cá chim trắng biển được thương lái thu mua 800 nghìn đồng/kg, có thời điểm đạt mức giá 1 - 1,2 triệu đồng/kg để xuất bán sang thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc.

Nhờ vậy, ngư dân làm nghề đánh bắt cá chim ở Vĩnh Thái có thu nhập cao để cải thiện đời sống gia đình. Từ những tín hiệu tích cực này, thời gian tới, chúng tôi cũng vận động bà con ngư dân đầu tư, mua sắm ngư lưới cụ chuyên dụng để mở rộng, phát triển nghề rê lưới cá chim trắng, mở ra hướng khai thác thủy sản mới trên vùng biển quê hương”.

Mỹ Hằng

Bài viết liên quan