Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Hiệu quả của mô hình sản xuất phân hữu cơ viên nén từ phụ phẩm nông nghiệp

Những mô hình phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường ngày càng được nhiều cơ sở, doanh nghiệp quan tâm đầu tư. Như cơ sở sản xuất phân hữu cơ viên nén từ phụ phẩm nông nghiệp của hộ chị Nguyễn Thị Hoài Thu, thôn Hòa Bình, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh. Đưa vào hoạt động từ năm 2020, đến nay mô hình đã cho thấy hiệu quả về cả mặt kinh tế và môi trường.

Sản phẩm phân hữu cơ viên nén của cơ sở chị Thu có cơ hội mở rộng thị trường khi được tiếp sức mở rộng sản xuất.

Qua tìm hiểu, chị Thu nhận thấy ưu điểm của mô hình tận dụng các loại phụ phẩm nông nghiệp như: rơm, rạ, cỏ; lá, thân, cành cây; mùn cưa, trấu, vỏ lạc… kết hợp với chất thải chăn nuôi để tái chế thành sản phẩm phân bón hữu cơ phục vụ trồng trọt, đặc biệt đối với địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn như huyện Vĩnh Linh.

Từ kinh phí ban đầu hơn 100 triệu đồng, chị Thu đăng ký kinh doanh với ngành nghề mua bán, sản xuất phân bón, đầu tư xây dựng nhà xưởng trên 200m2, mua sắm các loại thiết bị, máy móc, tiến hành thu mua phụ phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Linh, nhiều nhất tại các xã Vĩnh Hòa, Trung Nam, Vĩnh Tú... để làm nguyên liệu đầu vào sản xuất phân hữu cơ viên nén.

Cơ sở của chị cách xa khu dân cư, thực hiện cam kết bảo vệ môi trường theo đúng quy định. Chị Thu cho biết: “1 tháng cơ sở có 2 đợt thu gom phụ phẩm nông nghiệp từ các xã. Về quy trình sản xuất: nguyên liệu sau khi tập kết sẽ được trộn đều, tiếp đó bổ sung thêm chế phẩm vi sinh là công đoạn quan trọng tạo môi trường có độ ẩm phù hợp cho quá trình nguyên liệu dần phân hủy. Thời gian ủ 30- 40 ngày hoặc lâu hơn tùy vào nguyên liệu. Khoảng 7- 10 ngày tiến hành đảo đều 1 lần nhằm cung cấp đủ khí cho vi sinh hoạt động. Khi nguyên liệu hoai mục có màu đen, tơi xốp, không có mùi hôi thì tiếp tục được hong khô. Bước tiếp theo đưa vào máy trộn, loại bỏ tạp chất, chủ yếu là đá, sỏi rồi chuyển sang máy nghiền, ép ra sản phẩm phân viên nén. Bước cuối phân viên nén được phơi đảm bảo đủ khô mới đóng gói. Phân viên nén sản xuất ra là phân hữu cơ, thân thiện với môi trường”.

Phân viên nén hữu cơ vốn được thị trường ưa chuộng vì tính an toàn và hạn chế được sâu bệnh, tăng năng suất cho cây trồng. Vì vậy khi sản phẩm phân hữu cơ viên nén của cơ sở chị Thu ra đời cũng dần được biết đến và tiêu thụ rộng rãi tại nhiều hộ nông dân, HTX ở huyện Vĩnh Linh và một số huyện lân cận của tỉnh Quảng Bình. Gần 4 năm qua, bình quân mỗi năm cơ sở thu mua gần 52 tấn nguyên liệu; sản xuất, bán ra thị trường trên 20 tấn phân viên nén với giá khoảng 13 ngàn đồng/kg. Doanh thu đạt trên 260 triệu đồng, trừ chi phí cho thu nhập gần 150 triệu đồng. Cơ sở cũng góp phần tạo việc làm cho 5 lao động địa phương.

Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Hòa Lê Thị Thanh Xuân cho biết thêm: “Bên cạnh hiệu quả về mặt kinh tế, mô hình tái chế chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp đã góp phần thay đổi thói quen, hành động của các hộ gia đình trên địa bàn trong phân loại, tái chế rác thải, phụ phẩm nông nghiệp để làm nguyên liệu sản xuất nguồn phân bón sạch cho cây trồng. Qua đó giảm hẳn việc sử dụng những loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; giải quyết được lượng phụ phẩm và phân bón dư thừa, hạn chế ô nhiễm môi trường và dịch bệnh từ rác thải gây ra, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp - an toàn hơn”.

Với hiệu quả của mô hình, tháng 6/2023, huyện Vĩnh Linh lựa chọn mô hình “Tái chế chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp” tại xã Vĩnh Hòa làm đơn vị thí điểm, được hỗ trợ để tiếp tục mở rộng quy mô, chất lượng sản phẩm. Từ đó huyện hoàn thành tiêu chí số 7 về môi trường thuộc bộ tiêu chí huyện NTM ở nội dung có mô hình tái chế chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp quy mô cấp xã trở lên. Đồng thời hướng đến nhân rộng những mô hình sản xuất góp phần bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn.

Nguyễn Trang

Bài viết liên quan