Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Người nông dân nghèo vươn lên làm kinh tế giỏi

Mạnh dạn mở hướng phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu cho gia đình là cách làm của người nông dân Lê Văn Minh ở khóm 4, thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh trong học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ. Với sự cần mẫn, chăm chỉ đến từ lao động, người nông dân này đã biến vùng đất gò đồi hoang hóa thành những vườn cây trĩu quả và bạt ngàn rừng cao su xanh mướt.

Theo lời giới thiệu của Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Bến Quan, Đỗ Xuân Đức, chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp gồm chăn nuôi, trồng rừng và trồng cây ăn quả của ông Lê Văn Minh. Tận mắt chứng kiến thành quả từ mô hình mang lại và được nghe kể về quá trình lập nghiệp càng khâm phục hơn nghị lực vượt lên khó khăn của nông dân ngoài 60 tuổi này.

Ông Minh kể, trước đây, gia đình ông gặp không ít khó khăn, mặc dù đất đai nhiều song do chưa tìm được hướng phát triển kinh tế nên sản xuất chỉ đủ ăn. Từ năm 2000, trên diện tích đất đồi của gia đình, ông đã khai hoang, đầu tư trồng khoảng 4ha cây cao su tiểu điền. Để lấy ngắn nuôi dài, ông chăn nuôi thêm gà, lợn, đảm bảo cuộc sống cho gia đình. Sau 5 năm chăm sóc, cây cao su đã cho thu hoạch. Thời điểm đó, mủ cao su được thương lái thu mua với giá cao nên gia đình có nguồn thu nhập khá. Nhưng đến năm 2013, sau ảnh hưởng của những đợt thiên tai, cũng như tác động của thị trường, giá cao su liên tục sụt giảm. Từ thực tế đó, ông đã nghiên cứu và mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích cây cao su sang trồng những loại cây khác phù hợp, với kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Được sự hỗ trợ của Hội Nông dân thị trấn Bến Quan, năm 2018, ông Minh đã ra các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh để tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây cam để về áp dụng tại gia đình. Sau quá trình tìm hiểu, vào năm 2019, ông Minh mạnh dạn chuyển đổi 1,5 ha cao su kém hiệu quả sang trồng hai loại cây là Cam Vân Du và Quýt PQ.

Để chủ động nguồn nước tưới cho vườn cam, ông Minh đã xây dựng hoàn thiện hệ thống nước tưới tự động; mua bẫy côn trùng để bảo vệ, nâng cao chất lượng và sản lượng cam thu hoạch. Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Minh, ban đầu, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên cây phát triển chậm. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, ông học tập thêm kỹ thuật chăm sóc cây từ những mô hình đã thành công trước đó để áp dụng vào vườn cây của gia đình.

Nhờ chăm chỉ lao động, cần cù học hỏi kinh nghiệm và sáng tạo trong sản xuất, đất không phụ công người, sau một thời gian, vườn cây ăn quả của gia đình ông Minh đã mang lại tín hiệu kinh tế tích cực. Đến nay, vườn cam đang phát triển tốt và cho thu hoạch lứa đầu tiên với sản lượng đạt 4 tấn/ha. Dự kiến, trong những năm tiếp theo sản lượng có thể đạt tối đa 10 tấn/ha. Với giá bán giao động từ 20 - 25 ngàn đồng/kg sẽ cho gia đình nguồn thu đáng kể.

Kế bên vườn cây ăn quả, là vườn cao su có diện tích 2,5ha của gia đình được ông Minh giữ lại sau khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ông Minh chia sẻ thêm rằng: “Từ trước tới nay, cao su được xem là loại cây trồng chủ lực của người dân địa phương thị trấn Bến Quan. Nhiều hộ gia đình đã vươn lên khá giả nhờ loại cây trồng này. Chính vì vậy, khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất đồi, gia đình tôi vẫn giữ lại 2,5ha cao su; các thành viên trong gia đình cũng luôn động viên nhau kiên trì chăm sóc, duy trì diện tích này. Từ đầu năm 2021, giá mủ cao su bắt đầu có dấu hiệu tăng, có thời điểm đạt đến khoảng gần 18.000 đồng/kg mủ đông; hiện tại, giá dao động từ 13.000 đồng đến 16.000 đồng/kg mủ đông. Tuy giá chưa thật cao lắm nhưng đây là tín hiệu đáng mừng cho người nông dân chúng tôi”.

Cùng với trồng cây ăn quả và cao su, lão nông Lê Văn Minh còn chủ động đầu tư thêm chuồng trại chăn nuôi lợn, gà, bò với quy mô lớn. Nhờ vậy, kinh tế gia đình dần có của ăn của để, trở thành một trong những nông dân tiêu biểu sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương. Theo chia sẻ của ông Minh, từ mô hình kinh tế này, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình có lợi nhuận đạt xấp xỉ 200 triệu đồng/năm.

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm phát triển kinh tế, ông Minh nói: “Làm nông nghiệp cần có quỹ đất nhưng quan trọng hơn là phải xác định được cây trồng, vật nuôi phù hợp, sau đó cần áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh những cây trồng, vật nuôi chủ lực, cần xen canh những loại cây trồng khác để tăng thu nhập và giảm bớt rủi ro”.

Bằng những nỗ lực của bản thân trong lao động, học tập và làm theo gương Bác Hồ, từ một hộ gia đình còn nhiều khó khăn trong thời gian đầu lập nghiệp mà nay mô hình chăn nuôi, trồng trọt của lão nông Lê Văn Minh đã có thu nhập ổn định. Những tấm gương điển hình trong công cuộc đẩy lùi đói nghèo, làm giàu như ông Minh, đã trở thành nguồn cổ vũ, động viên tinh thần to lớn đối với nhiều hội viên nông dân trong toàn huyện Vĩnh Linh trên hành trình vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại địa phương.

Mỹ Hằng

Bài viết liên quan