Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

70 năm đất thép nở hoa

Trên suốt chặng đường thiên lý từ Bắc vô Nam, có một địa danh đã đi vào huyền thoại. Đó là vùng đất anh hùng “Lửa thép Vĩnh Linh”, nơi từng được lịch sử chọn làm ranh giới gánh hai đầu tổ quốc. Từ thuở lập địa, khai thiên, người dân đất này bao đời chịu thương, chịu khó. Trong trái tim của mỗi người dân chân chất luôn khao khát có được một cuộc sống hòa bình. Thế nhưng, ước mơ thiện lương ấy lại ngang nhiên bị phá hủy bởi dã tâm xâm chiếm của quân thù.

Ngược về quá khứ, cách đây tròn 70 năm, khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết (20/7/1954), đất nước Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành 2 miền Nam- Bắc. Cầu Hiền Lương – sông Bến Hải trở thành ranh giới đau thương chia cắt đất nước. Theo nội dung Hiệp định, dự kiến sẽ thống nhất sau 2 năm, khi cuộc Tổng tuyển cử diễn ra. Ngày 25/8/1954, tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi Vĩnh Linh. Từ đây, Vĩnh Linh trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Trị được giải phóng. Tuy nhiên, với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam, Mỹ và chính quyền tay sai đã ngang nhiên phá bỏ Hiệp định, gia tăng các hoạt động ném bom phá hoại ra miền Bắc.

Với vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của Vĩnh Linh, Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định thành lập Khu vực đặc biệt trực thuộc Trung ương. Ngày 28/5/1955, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 16-NQ/TW thành lập Đảng ủy Khu vực Vĩnh Linh. Tiếp đó, ngày 16/6/1955, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 551NĐ/TTg thành lập Đặc khu Vĩnh Linh. Từ đó, khu vực Vĩnh Linh, thuộc tỉnh Quảng Trị trở thành một đơn vị hành chính riêng, ngang với một tỉnh dưới sự chỉ đạo của Chính phủ Trung ương, là tuyến đầu của miền Bắc XHCN, làm hậu phương vững chắc của miền Nam.

Nằm ở vị trí tuyến đầu, vùng đất Vĩnh Linh lúc đó phải oằn mình gánh chịu sự tàn phá của bom, đạn kẻ thù. Trong vòng 10 năm (1965- 1972), kẻ thù đã ném xuống nơi đây hơn nửa triệu tấn bom đạn, tính bình quân vào thời kỳ đó mỗi người dân Vĩnh Linh đã phải chịu đựng 7 tấn bom đạn các loại. Tất cả làng mạc, nhà cửa, ruộng đồng dường như bị san bằng. Gạt đi gian khó, người Vĩnh Linh gây dựng lại sự sống bằng tất cả sự can trường. Trên mỗi đồng ruộng, luống cày Vĩnh Linh đều dựng nên trận tuyến; lấy tiếng hát át tiếng bom; lấy chuyện cười mà quên đi gian khó; vượt qua khói lửa đào hầm hào che chở những mầm xanh. Tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Bác Hồ, đoàn kết, bám đất, giữ làng, kiên cường chiến đấu chống lại kẻ thù, giữ vững niềm tin vào ngày chiến thắng, đưa non sông đến ngày thống nhất.

Hòa bình lập lại, từ một vùng quê bị chiến tranh hủy diệt, phải xây dựng lại cơ đồ từ đói nghèo, lạc hậu nhưng Vĩnh Linh đã từng bước làm nên điều kỳ diệu trong sự hồi sinh và phát triển. Trên cơ sở khai thác, phát huy triệt để mọi tiềm năng, lợi thế sẵn có, bức tranh nền kinh tế của huyện Vĩnh Linh có nhiều khởi sắc, nhiều chỉ tiêu hoàn thành vượt mức so với kế hoạch được giao. Đến nay, đời sống của người dân ngày càng được ổn định và nâng cao, những ngôi nhà tầng kiên cố mọc lên làm thay đổi diện mạo của vùng đất Vĩnh Linh năm xưa. Kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và tích cực, nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Toàn huyện phát triển được hơn 400 doanh nghiệp và 6.750 hộ kinh doanh cá thể, 74 hợp tác xã và 520 tổ hợp tác; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 1,99%.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đảm bảo lộ trình đề ra; đã có 06/15 bản đạt chuẩn NTM, 59 thôn đạt chuẩn NTM kiểm mẫu; cơ bản 14 xã đạt chuẩn NTM, 04 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, huyện đạt 09/09 tiêu chí huyện NTM. Giờ đây, từ đồng bằng đến núi cao, nơi đâu cũng dễ dàng bắt gặp những mái ngói khang trang; những con đường liên thôn, liên xã bằng phẳng, sạch đẹp. Ngoài ra, hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh từng bước được hoàn thiện, đồng bộ; các thiết chế văn hóa đủ đầy góp phần giúp nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Thu nhập bình quân đầu người đạt 59,4 triệu đồng/năm, tăng 4,1 triệu đồng so với năm 2022; giảm tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều còn 1,99%.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tiếp tục triển khai trong toàn huyện. Công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hoá, giá trị văn hóa vật chất, tinh thần được quan tâm, đặc biệt là đối với văn hóa của đồng bào dân tộc Vân Kiều ở các xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà.

Sự nghiệp Giáo dục- Đào tạo có bước phát triển về quy mô, chất lượng và hiệu quả. Công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được quan tâm. Các hoạt động nhân đạo, từ thiện, đền ơn đáp nghĩa đã trở thành nét đẹp truyền thống. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ và kịp thời. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Công tác xây dựng đảng về chính trị, tổ chức được tăng cường; phương thức lãnh đạo của Đảng bộ huyện tiếp tục được đổi mới, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng không ngừng được nâng cao.

Tròn 70 năm trôi qua kể từ ngày lịch sử đặt mảnh đất này vào tâm cơn bão đấu tranh oai hùng và oanh liệt, Vĩnh Linh, đến ngày hôm nay đã tiếp tục những trang sử mới trong một tâm thế mới khi những cây cầu được sinh ra đúng với bản chất của nó - không phải để chia cắt mà để nối những bờ vui, kéo dài hạnh phúc. Bên dòng sông Bến Hải hiền hòa, cây cầu Hiền Lương lịch sử, lá cờ đỏ sao vàng của dân tộc Việt Nam vẫn kiêu hãnh tung bay trong gió. Từ vùng đất gánh chịu nhiều đau thương mất mát, chứng kiến bao cảnh tàn khốc và hủy diệt của chiến tranh, giờ đang vươn mình mạnh mẽ, đổi mới đi lên từng ngày, hòa mình vào sự phát triển chung của nhân loại; tiếp tục khẳng định khát vọng hòa bình và phát triển từ truyền thống cách mạng anh hùng của quê hương.

Mỹ Hằng

Bài viết liên quan