Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Phụ nữ nông thôn khởi nghiệp từ nghề may

Với cách làm sáng tạo, những năm qua, phong trào phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Linh ngày càng phát triển, lan tỏa rộng khắp thu hút đông đảo chị em tham gia với các ngành nghề. Trong đó, việc mở các cơ sở may gia công tại nhà đang trở thành hướng đi mới, hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều chị em phụ nữ với mức thu nhập ổn định.

Cơ sở may gia công của chị Trần Thị Quế, xã Vĩnh Sơn.

Xuất phát điểm chỉ là một công nhân may đơn thuần, sau nhiều năm đi làm, chị Trần Thị Quế, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh đã nung nấu ý chí làm ăn lớn, bắt đầu khởi nghiệp. Đầu năm 2022, chị mạnh dạn đầu tư 800 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng, mua máy móc thiết bị và thành lập Công ty TNHH May xuất khẩu Hiền Linh chuyên gia công hàng may mặc. Theo chia sẻ của chị Quế, những ngày đầu thành lập, chị gặp muôn vàn khó khăn, từ thiếu vốn, kỹ năng quản lý, nhân công chưa dày dặn kinh nghiệm trong việc sử dụng máy may... Nhưng với niềm đam mê và không ngại khổ, chị đã tập trung dành thời gian để trau dồi kiến thức, học hỏi nhiều nơi, tự mình gỡ bỏ dần những khó khăn.

Hiện nay, Xưởng may của chị Quế đang chủ yếu nhận may theo đơn đặt hàng các loại quần áo cho các công ty sản xuất hàng xuất khẩu. Trung bình mỗi tháng, xưởng may của chị sản xuất được trên 3.500 sản phẩm. Ngoài việc nâng cao thu nhập cho gia đình, xưởng may của chị Quế còn giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động với thu nhập từ 3-5 triệu đồng/tháng/người.

Chị Trần Thị Nguyệt, ở thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn chia sẻ: "Tôi làm việc ở đây cũng được 3 tháng, nghề may tuy đòi hỏi tỉ mỉ nhưng công việc nhẹ nhàng, làm việc trong nhà nên không vất vả. Xưởng may công việc cũng nhiều nên cũng bảo đảm cho công nhân. Với mức thu nhập từ 3-5 triệu đồng mỗi tháng, nhiều chị em ở nông thôn có thêm điều kiện tốt hơn để trang trải cuộc sống gia đình, nuôi con ăn học".

Chia sẻ về dự định sắp tới, chị Quế không ngần ngại cho biết sắp tới sẽ mở rộng xưởng, mua sắm các trang thiết bị nhiều hơn để tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nhiều người. Mô hình gia công may mặc của chị không chỉ đem đến nguồn thu nhập cho gia đình mà còn tạo việc làm cho rất nhiều lao động tại địa phương, giúp họ từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chị Nguyễn Thị Vân- Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Sơn cho biết: “Đa số phụ nữ trên địa bàn xã đều sống bằng nghề nông nên nghề may gia công đã giúp nhiều chị em có việc làm, tận dụng lúc nông nhàn để kiếm thêm thu nhập, góp phần cải thiện đời sống mà không phải xa nhà”. 

Tương tự chị Quý, vào năm 2021, khi dịch bệnh Covid-19 ở các tỉnh phía Nam diễn biến phức tạp, nhiều con em địa phương phải trở về quê. Nắm bắt nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động, chị Trần Thị Nga, thôn Duy Viên, xã Vĩnh Lâm, đã mạnh dạn đầu tư, góp vốn cùng với 6 thành viên khác thành lập tổ may mặc công nghiệp. Theo chị Nga, đa phần chị em khi vào làm việc đã có tay nghề khá. Đối với một số lao động chưa có tay nghề thì được hỗ trợ và học hỏi thêm kinh nghiệm nên đã nhanh chóng hòa nhập tốt. Chị em làm việc ăn lương theo sản phẩm, làm nhiều thì sẽ hưởng nhiều nên mọi người ai cũng hăng hái và chăm chỉ làm việc. Qua một thời gian, tổ may dần đi vào hoạt động ổn định. Sản phẩm sản xuất ra được đối tác chấp nhận, tạo ra nhiều lợi nhuận; giải quyết việc làm cho hơn 60 lao động với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/tháng.

Chủ tịch Hội LHPN Vĩnh Linh Nguyễn Thị Tuyết cho biết: “Thời gian qua, thực hiện phong trào “Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp”, Hội LHPN huyện Vĩnh Linh đã tăng cường công tác vận động, khuyến khích chị em hội viên phát triển kinh tế gia đình để vừa cải thiện thu nhập, tạo việc làm cho nhiều người và nâng cao vai trò, vị trí phụ nữ. Hưởng ứng phong, nhiều hội viên đã mạnh dạn học hỏi, đầu tư xây dựng nhiều mô hình kinh tế mới. Trong đó, các cơ sở may gia công của hội viên phụ nữ đã góp phần giúp nhiều phụ nữ có đời sống ổn định. Đây là hướng đi làm kinh tế mới đã khẳng định được hiệu quả. Chính vì vậy, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tạo cơ hội để những cơ sở may mặc của hội viên tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất nhằm hỗ trợ, tạo thêm nhiều việc làm cho phụ nữ nông thôn”.

Hiện trên địa bàn huyện Vĩnh Linh có 15 cơ sở may gia công do phụ nữ làm chủ, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 500 lao động nữ ở địa phương với mức lượng từ 4 đến 6 triệu đồng/tháng. Những cơ sở may gia công này đã mang lại nhiều lợi ích cho người lao động cũng như doanh nghiệp. Người lao động được chuyển đổi ngành nghề, tham gia lao động công nghiệp, có thêm việc làm và tăng thu nhập.

Mỹ Hằng

Bài viết liên quan