Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Hướng đi mới với mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ

Hướng tới nền nông nghiệp sạch, vừa có giá trị kinh tế cao vừa mang lại lợi ích đối với sức khỏe, thời gian qua Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Linh đã phối hợp với Tổng Công ty Sông Gianh thực hiện mô hình liên kết sản xuất  lúa hữu cơ. Với kết quả  khả quan từ 2 vụ đầu tiên, mô hình đã mở ra một hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp.

Mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại xã Vĩnh Thủy.

Xuất phát từ nhu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, từ vụ Đông Xuân 2021-2022, Phòng NN&PTNT huyện đã phối hợp với Tổng Công ty Sông Gianh thực hiện mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ trên diện tích 58 ha, với bộ giống lúa ST24. Đến vụ thứ hai (Hè thu 2022), mở rộng diện tích sản xuất lên 78,8 ha tại 4 HTX gồm Đức Xá, Thủy Ba Đông, Sa Trung và Thượng Hòa; với hai bộ giống lúa được sử dụng là Hương Bình và HANA67.

Khi tham gia vào mô hình, bà con nông dân đảm bảo tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật do Tổng Công ty Sông Gianh hướng dẫn. Trước mỗi vụ, phía công ty và Phòng NN&PTNT huyện đều cử cán bộ chuyên môn xuống từng đơn vị để tập huấn kỹ thuật từ khâu làm đất, ủ giống, gieo sạ, chăm sóc, bón phân đến  xử lý kịp thời khi phát hiện sâu bệnh. Trong suốt trong quá trình sản xuất phía Công ty và Phòng NN&PTNT cũng đã đồng hành cùng các hộ trong việc giám sát chặt chẽ quy trình, theo dõi sự phát triển của cây lúa. Mặt khác, để hỗ trợ tối đa cho bà con phía đơn vị liên kết đã cung ứng toàn bộ vật tư  phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học và giống lúa; trong đó hỗ trợ 30% vốn vật tư phân bón và 50% vốn giống ngay từ đầu vụ. Đồng thời  cam kết tiêu bao toàn bộ sản phẩm từ mô hình khi vừa thu hoạch và sẽ có bảo hộ cho người nông dân trong trường hợp mất mùa vì thiên tai. Từ đó giúp người dân yên tâm sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Hải -  Giám đốc HTX Đức Xá cho biết: “Trong vụ Hè thu 2022, HTX Đức Xá là đơn vị có diện tích liên kết sản xuất lúa hữu cơ nhiều nhất với hơn 32ha. Nhờ được tập huấn kỹ thuật kỹ càng cùng sự hỗ trợ của cán bộ nông nghiệp nên mô hình phát triển thuận lợi, cây lúa sinh trưởng tốt, sức chống chịu với các yêu tố thời tiết, khí hậu cũng cao hơn nhờ đó cũng rất ít sâu bệnh. Mặt khác phân bón hữu cơ giúp cho môi trường đất được cải thiện rõ rệt, chi phí sản xuất cũng giảm so với trước đây mà năng suất lại cao hơn”.

Thực tế cho thấy, qua 2 vụ sản xuất mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân, chất lượng sản phẩm được nâng lên, môi trường và sức khỏe của cả người sản xuất lẫn tiêu dùng đều được đảm bảo. Chỉ tính riêng trong vụ Hè Thu vừa qua, năng suất lúa đạt bình quân 75 tạ/ha, với giá thu mua ngay tại ruộng là 5.300-5.400 đồng/kg thì bình quân mỗi ha thu được 40 triệu đồng.  

Ông Diệp Hồng Cương- Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết : “Qua 2 vụ, chúng tôi nhận thấy việc liên kết sản xuất lúa hữu cơ mang lại khá nhiều lợi ích cho người nông dân. Thông qua mô hình đã giúp cho bà con nắm bắt được kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ, đảm bảo an toàn về sức khỏe và  bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời góp phần thay đổi tích cực nhận thức của người nông dân từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang hình thức sản xuất hàng hóa tập trung; gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng giữa người sản xuất với các doanh nghiệp, dưới sự quản lý của Nhà nước”.   

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, đảm bảo cho sức khỏe, hạn chế tác động môi trường đang là hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp. Với những hiệu quả mang lại, mô hình liên kết sản xuất lứa hữu cơ đã mở ra một hướng đi mới cho bà con nông dân, là yếu tố góp phần tạo ra bước đột phá cho nền nông nghiệp địa phương. Định hướng trong thời gian tới, huyện Vĩnh Linh sẽ tiếp tục phối hợp với Tổng Công ty Sông Gianh nhân rộng mô hình, trước mắt phấn đấu thực hiện  200 ha trong vụ Đông Xuân 2022-2023 sắp tới. Cùng với đó huyện sẽ phối hợp với các ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi và có các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy mô hình ngày càng phát triển hơn nữa, từng bước hướng đến xây dựng các vùng nông nghiệp hữu cơ đối với sản phẩm chủ lực của địa phương.

Phương Nga

Bài viết liên quan