Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Vĩnh Linh đa dạng hóa sản phẩm OCOP

Thời gian qua, ở huyện Vĩnh Linh, chương trình OCOP đã phát huy tính sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của nông dân, xây dựng mối liên kết phát triển kinh tế cộng đồng bền vững, tạo nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang thương hiệu lợi thế của địa phương; giúp nông dân giải quyết những vấn đề căn cơ trong giải pháp thực hiện giảm nghèo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Nhiều sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của huyện đã tạo thương hiệu cho từng địa phương, đem lại giá trị kinh tế cao, được nhiều thị trường ưa chuộng.

Vĩnh Linh tổ chức Hội chợ thương mại năm 2022.

Là địa phương có thế mạnh về đất đỏ bazan để phát triển ngành nông nghiệp toàn diện, trong đó có nhiều sản phẩm gắn với công nghiệp nông thôn. Theo đó, huyện đã xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có thế mạnh như: Lúa, lạc, hồ tiêu, cao su, tinh bột nghệ, cây ăn quả, rau màu thực phẩm an toàn. Xây dựng các trang trại nuôi trồng tổng hợp đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn sinh học và môi trường. Duy trì và nâng cao giá trị thương hiệu truyền thống, xây dựng thêm các thương hiệu mới theo hướng mỗi xã một sản phẩm, tạo mối liên kết trong phát triển công nghiệp ở các vùng nông thôn, thúc đẩy nông nghiệp phát triển gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP.

Một trong những doanh nghiệp tiêu biểu trong sản xuất công nghiệp ở nông thôn, có nhiều sản phẩm đạt chất lượng OCOP là Công ty TNHH MTV Hùng Dung. Công ty luôn lấy nông nghiệp, nông thôn để làm đối tượng hợp tác sản xuất - kinh doanh và phục vụ. Năm 2016, nhận thấy yêu cầu sản xuất sạch để đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch ngày càng cao, chị Nguyễn Thị Anh Đào đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn quy mô hiện đại, khép kín với diện tích 1ha, kinh phí xấp xỉ 15 tỉ đồng. Hiện nay, trang trại của gia đình chị luôn duy trì đàn lợn gần 3.000 con. Bình quân mỗi năm xuất chuồng đạt 2.500 con với trọng lượng khoảng 250 tấn. Bên cạnh đó, năm 2017, chị đầu tư thêm 3 tỷ đồng để xây dựng nhà máy sản xuất chế biến tinh bột nghệ. Với quy trình, hệ thống sản xuất khép kín, nhà máy tinh bột nghệ có công suất hàng chục tấn/tháng, tạo ra sản phẩm tinh bột nghệ được công nhận OCOP 4 sao, có chỗ đứng trên thị trường toàn quốc. Không dừng lại những công việc đã ổn định, chị Đào đã nghiên cứu sáng tạo mở rộng quy mô làm các loại bánh quy từ tinh bột nghệ và tinh bột ngô đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Huyện Vĩnh Linh còn được biết đến là vùng đất của cây hồ tiêu với diện tích canh tác khá lớn, trên 1500ha. Trước đây, việc chế biến hạt tiêu còn thô sơ, nhưng những năm gần đây các cơ sở kinh doanh ở Vĩnh Linh đã đầu tư công nghệ chế biến tiêu sạch như máy sấy hồng ngoại, máy hút chân không, màng cán SEAL… với nhiều dòng sản phẩm chất lượng, trong đó dòng “tiêu đỏ” được cho là nổi trội và đặc biệt hơn cả, được chuyên gia Đức đánh giá cao.

Ông Lê Tấn Tửu, Giám đốc HTX SX-KD hồ tiêu Vĩnh Linh cho biết “Tiêu đỏ có sản lượng ít hơn tiêu đen nhưng giá đắt gấp 3-4 lần. Quy trình sản xuất và chế biến tiêu đỏ nghiêm ngặt hơn. Theo đó, phải canh tác hữu cơ, khâu thu hoạch và chế biến đúng quy trình để đảm bảo lớp vỏ bên ngoài không bị trầy xước. Quá trình sấy hạt đảm bảo đúng thời gian và nhiệt độ quy định để sản phẩm giữ được màu đỏ”. Năm 2020 sản phẩm tiêu đỏ của HTX SX-KD hồ tiêu Vĩnh Linh được chứng nhận OCOP 4 sao. Sản lượng đạt gần 800kg, dự tính tiếp tục tăng trong thời gian tới. 

Một số sản phẩm OCOP của huyện Vĩnh Linh giới thiệu tại Hội chợ thương mại năm 2022.

Từ nguồn vốn thực hiện Chương trình OCOP, giai đoạn 2016- 2021 huyện Vĩnh Linh đã chi hơn 600 triệu đồng để hỗ trợ cho các cơ sở, doanh nghiệp phát triển sản xuất. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp làm nên những thương hiệu với các nông sản nổi tiếng như: ném, hồ tiêu, thanh long ruột đỏ, sắn dây, tinh dầu lạc, tinh dầu sả, cốm gạo lứt rong biển, miến ngũ sắc, dầu lạc nguyên chất, nước mắm nhĩ cá cơm, hải sản Cửa Tùng...  Đến nay, toàn huyện Vĩnh Linh có trên 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3-4 sao cấp tỉnh. Đạt được những kết quả trên là nhờ sự định hướng đúng đắn trong công tác nghiên cứu, quy hoạch, xây dựng các vùng nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP. Rà soát sản phẩm của địa phương và định hướng sản phẩm đặc trưng gắn theo hướng sản xuất sản phẩm hàng hóa để tham gia chương trình OCOP, đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm- OCOP.

Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Vĩnh Linh, Lê Thị Thúy Kiều cho biết: “Chương trình OCOP đã tạo được sự lan tỏa rộng khắp, góp phần tái cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống người dân nông thôn. Các sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP hạng 3- 4 sao đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng mẫu mã, bao bì; bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất, kinh doanh đã thấy được lợi ích của Chương trình OCOP nên tích cực, chủ động tham gia. Nhờ đó, các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP có chiều hướng tăng lên.

Để tiếp tục phát triển đa dạng sản phẩm OCOP, ngành nông nghiệp địa phương tổ chức quán triệt sâu rộng, tuyên truyền, tập huấn, làm thay đổi nhận thức của cộng đồng, khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp; hỗ trợ các chủ thể thường xuyên nâng cao chất lượng các sản phẩm đã được công nhận; xây dựng trung tâm trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP; chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ trong sản xuất sản phẩm. Riêng đối với các chủ thể OCOP cần nâng cao chất lượng, quản trị quy trình sản xuất và phát triển sản phẩm, bảo hộ nhãn hiệu, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm, tổ chức giới thiệu sản phẩm, bán hàng, xúc tiến thương mại…”.

Mỹ Hằng

Bài viết liên quan