Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Cần đồng bộ các giải pháp hiệu quả, kịp thời gỡ khó cho HTX nông nghiệp

Những năm qua, phong trào phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Linh đã có những bước phát triển về cả số lượng và chất lượng. Toàn huyện hiện có 72 HTX nông nghiệp chuyển đổi, chia tách, thành lập mới với 12.714 thành viên. Tuy nhiên thực tế, vẫn còn nhiều HTX nông nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, hoạt động mang tính chất cầm chừng.

Đẩy mạnh chuyển đổi HTX sẽ góp phần thúc đẩy nông nghiệp nông thôn phát triển phù hợp theo kịp cơ chế thị trường.

38% HTX nông nghiệp hoạt động trung bình, yếu kém

Theo đánh giá từ Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT - UBND huyện Vĩnh Linh, hiện trong số 72 HTX nông nghiệp đang đăng ký hoạt động, HTX hoạt động tốt, khá chiếm 57,7%; số HTX hoạt động trung bình, yếu vẫn chiếm đến 38% (có 4,3% HTX mới thành lập, chưa đánh giá). Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, tồn tại chung của các HTX nông nghiệp hoạt động trung bình, yếu trên địa bàn chính là tính hình thức trong chuyển đổi HTX theo Luật HTX năm 2012 chưa được khắc phục căn bản. Đội ngũ cán bộ quản lý HTX hạn chế về trình độ, năng lực, thiếu tính năng động, nhạy bén trong tổ chức, điều hành, tư duy phát triển sản xuất, kinh doanh chưa theo kịp cơ chế thị trường.

Đa số các HTX chỉ tập trung nhiệm vụ chỉ đạo sản xuất và cung ứng dịch vụ đầu vào như: giống, vật tư, phân bón, bảo vệ thực vật, thủy lợi nội đồng, còn các dịch vụ rất quan trọng gồm: bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa được quan tâm. Hiện mới chỉ có khoảng 10% số HTX bao tiêu được một phần nông sản cho nông dân. Từ đó chưa hỗ trợ cho việc gia tăng sản lượng và giá trị của sản xuất nông nghiệp. Công nợ HTX, nhất là HTX chuyển đổi, chậm được xử lý. Nhìn chung, các HTX quy mô nhỏ, thiếu vốn, tài sản ít, năng lực nội tại yếu. Mức vốn cố định bình quân rất thấp, chỉ khoảng 550 triệu đồng/1 HTX. Vốn lưu động khoảng 350 triệu đồng/1 HTX. Doanh thu HTX, đến cuối năm 2022, đạt 998 triệu đồng/năm; lãi 125 triệu đồng/năm...

Nhiều nguyên nhân

Tình trạng vẫn còn số lượng lớn HTX nông nghiệp hoạt động cầm chừng được huyện Vĩnh Linh xác định từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trước hết chính các HTX nông nghiệp chưa thực sự đổi mới về tổ chức, hoạt động theo đúng nguyên tắc và giá trị của HTX, dẫn đến thiếu động lực phát triển cho cả thành viên lẫn cán bộ quản lý. Những cách nghĩ, cách làm của mô hình HTX cũ vẫn tồn tại, ảnh hưởng đến HTX sau chuyển đổi. Sản xuất của hộ nông dân ở nhiều nơi còn mang tính tự cấp, tự túc, quy mô nhỏ, do đó nhu cầu hợp tác chưa cao. HTX hoạt động với 2 mục đích kinh tế và xã hội, nên rất khó cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác.

Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách hỗ trợ HTX kém hiệu quả, thực tế những cơ chế chính sách khuyến khích phát triển HTX đã được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ như nêu trong Luật HTX năm 2012 và các nghị định liên quan, nhưng không được triển khai tốt. Sự phân công, phối hợp giữa các cấp, ngành, đoàn thể trong việc hướng dẫn, hỗ trợ HTX thiếu chặt chẽ, hiện nay ở tỉnh chỉ có 2 cơ quan gồm Sở Nông nghiệp và PTNT và Liên minh HTX có các hoạt động thường xuyên đồng hành cùng HTX nông nghiệp.

Về phía địa phương, nhiều nơi chính quyền chưa quan tâm đúng mức tới lãnh đạo, chỉ đạo phát triển HTX nông nghiệp; chức năng của Ban Chỉ đạo phát triển KTTT chưa được phát huy. Mặt khác, có địa phương can thiệp quá sâu vào công việc nội bộ của HTX, như: sắp xếp nhân sự, định giá cả dịch vụ, phân phối nhưng lại ít xem trọng việc trợ giúp HTX giải quyết khó khăn. Qua kiểm tra còn tình trạng lẫn lộn trong quản lý HTX và vai trò của chính quyền, nhất là đối với HTX quy mô cấp thôn. Nguồn nhân lực HTX trình độ từ cao đẳng trở lên rất hạn chế, cán bộ quản lý KTTT, HTX chủ yếu bầu từ thành viên nông dân, chỉ một số ít qua đào tạo bài bản, do vậy nhiều đơn vị khó thực hiện công việc trên nền tảng công nghệ số... Từ nhiều nguyên nhân trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển HTX nông nghiệp ở Vĩnh Linh.

Cần đồng bộ các giải pháp hiệu quả, kịp thời gỡ khó cho HTX nông nghiệp

Về định hướng tháo gỡ khó khăn chung của HTX nông nghiệp trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, quan trọng nhất muốn tồn tại và phát triển, bản thân các HTX phải thực hiện tốt nguyên tắc dân chủ, tôn trọng tính độc lập, tự chịu trách nhiệm trong quản lý và bản chất của một tổ chức hợp tác tự nguyện, tự giúp đỡ lẫn nhau của nông dân. Tích cực cải tiến, quản lý HTX theo hướng chuyên nghiệp, khi đó HTX mới có thể nâng cao khả năng cạnh tranh và đáp ứng được các nhu cầu dịch vụ để thành viên tham gia HTX thấy có lợi ích rõ rệt thì họ mới thực sự gắn kết, cùng HTX phát triển bền vững.

Cùng với sự chủ động phát huy nội lực của mỗi HTX, các cấp, địa phương cần cụ thể hóa, thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ hỗ trợ HTX. Riêng Huyện ủy Vĩnh Linh đã ban hành Kế hoạch số 67-KH/HU ngày 31/01/2023 về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII “về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới”; UBND huyện có văn bản số 210/UBND-NN ngày 22/2/2023 về việc triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 20.

Theo đó, Vĩnh Linh xác định rõ các nhóm giải pháp, những chính sách cụ thể. Trong đó, tăng cường tuyên truyền nhằm tạo bước chuyển biến nhận thức về bản chất, vai trò quan trọng của KTTT; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đổi mới tư duy phát triển và đẩy mạnh quyết tâm của các cấp, ngành về nhiệm vụ xây dựng KTTT. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách của địa phương về khuyến khích, hỗ trợ phát triển HTX; cập nhật, bổ sung các chủ trương, chính sách, pháp luật mới để hướng dẫn HTX. Tạo điều kiện tổ chức KTTT vay vốn của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX với lãi suất ưu đãi; làm tốt hoạt động tín dụng nội bộ tại tổ chức KTTT đủ điều  kiện. Hỗ trợ phát triển mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với HTX trong sản xuất, kinh doanh, xây dựng chuỗi giá trị.

Đồng thời, sắp xếp lại các HTX hoạt động yếu, kém. Sáp nhập HTX quy mô cấp thôn để hình thành HTX quy mô cấp xã; HTX quy mô nhỏ cùng chung loại hình, dịch vụ, lĩnh vực hoạt động để hình thành HTX quy mô về vốn, thị trường lớn hơn nhằm tăng năng lực cạnh tranh. Nhân rộng các tổ chức KTTT hoạt động hiệu quả. Tập trung phát triển HTX ở địa bàn khó khăn Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà; nghiên cứu xây dựng thí điểm một số liên hiệp HTX chuyên môn hóa cao. Đảm bảo công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có chuyên môn, năng lực tổ chức, quy hoạch để phát triển KTTT đúng định hướng và đạt hiệu quả gắn với điều kiện thực tiễn địa phương. Củng cố vai trò Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT các cấp…

Ngoài những giải pháp trên, UBND huyện Vĩnh Linh đã có nhiều kiến nghị, đề xuất trình lên cấp trên về những nội dung, chương trình, chính sách liên quan đến HTX trong thời gian tới. Thứ nhất, về tổ chức bộ máy KTTT, HTX, theo Điều 4, Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BKHĐT-BNV ngày 11/12/2015 của Bộ Nội vụ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện có chức năng đăng ký kinh doanh, đăng ký doanh nghiệp, tổng hợp và thống nhất quản lý các vấn đề về doanh nghiệp, KTTT, HTX, kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, hiện nay Phòng Tài chính - Kế hoạch mới chỉ thực hiện chức năng đăng ký kinh doanh cho HTX, còn về tổng hợp và thống nhất quản lý các vấn đề KTTT, HTX lại được giao cho Phòng Nông nghiệp và PTNT. Điều này gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về KTTT, HTX, nhất là các nội dung chỉ đạo, điều hành, báo cáo... Vì vậy, đề nghị cấp trên bố trí cán bộ chuyên trách theo dõi về phát triển KTTT, HTX thống nhất đối với cấp huyện. Thứ 2, để hỗ trợ phát triển KTTT trong nông nghiệp theo quy định tại Nghị định 88/2005/NĐ-CP và Quyết định 272/2005/QĐ-TTg  của Thủ tướng Chính phủ, cần thiết phải bố trí nguồn lực, dự án cụ thể trong khuôn khổ một chương trình hỗ trợ có mục tiêu, đảm bảo đủ nguồn lực để khuyến khích phát triển KTTT. Thứ 3, cần nhất quán chủ trương hỗ trợ các HTX nông nghiệp phát triển dịch vụ tín dụng nội bộ; nghiên cứu bổ sung những hướng dẫn, quy định để nhiều HTX nông nghiệp có nhu cầu được vay vốn, giảm bớt tình trạng cán bộ HTX phải dùng tài sản riêng để thế chấp vay vốn cho HTX. Thứ 4, ngành bảo hiểm xã hội cần có hướng dẫn chung cho các HTX về đóng bảo hiểm xã hội...

Với nhiều giải pháp tại địa phương và mong muốn nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành đối với nhiệm vụ xây dựng KTTT, HTX, Vĩnh Linh đặt mục tiêu đến năm 2030, không còn HTX tồn tại hình thức, hoạt động yếu kém kéo dài. Hàng năm thành lập mới 2 - 3 HTX. Toàn huyện có 85 - 90 HTX. Trên 40% cán bộ, quản lý HTX có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Tối thiểu 70% HTX xếp loại tốt, khá; ít nhất 50% HTX tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Từ đó, phát triển KTTT năng động, hiệu quả hơn, thu hút ngày càng nhiều hộ nông dân, cá nhân và tổ chức tham gia, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của thành viên, thúc đẩy phát triển NTM bền vững.

Nguyễn Trang

Bài viết liên quan