Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Khát vọng mùa xuân mới ở miền Tây Vĩnh Linh

Những ngày giáp tết nguyên đán Quý Mão, chúng tôi có dịp đến với các xã miền núi phía tây của huyện Vĩnh Linh. Hiện lên trước mắt là những cánh rừng, nương rẫy ngút ngàn màu xanh, những con đường bê tông phẳng lỳ men theo triền núi, ánh điện chiếu sáng về tận ngõ… Bản làng vùng cao như khoác lên mình chiếc áo mới, chiếc áo của ấm no.

Một góc xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh.

Về thôn Công Ba, xã miền núi Vĩnh Hà chúng tôi cảm nhận rõ không khí vui tươi của cán bộ và người dân nơi đây. Trên tuyến đường dẫn vào thôn nhiều loại hoa đủ màu đua nhau khoe sắc; nhiều ngôi nhà mới được xây dựng khang trang; đi đến đâu cũng nghe người dân hồ hởi bàn nhau chuyện làm ăn kinh tế, xây dựng quê hương đổi mới. Niềm vui hiện rõ trên từng nét mặt, dường như đã đẩy lùi bức tranh ảm đạm trong cuộc sống của họ nhiều năm về trước.

Thôn Công Ba có diện tích khoảng 600ha, 124 hộ dân với 445 nhân khẩu. Trước đây, điều kiện kinh tế của người dân trong thôn còn quá nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp manh mún; các tuyến đường nội thôn chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân... Nhưng với quyết tâm cao của cán bộ và nhân dân trong thôn vào năm 2020, thôn Công Ba trở thành thôn đầu tiên của xã Vĩnh Hà được công nhận đạt chuẩn NTM. Cho đến nay, thu nhập bình quân của người dân thôn Công Ba đạt trên 40 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với năm 2010. Điều đáng phấn khởi là hiện nay thôn không còn hộ nghèo. Bên cạnh đó nhà văn hóa được đầu tư xây dựng mới kiên cố, rộng rãi phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của Nhân dân. Hệ thống điện thắp sáng phục vụ sinh hoạt, sản xuất được đầu tư xây dựng, phủ khắp.

Là một trong ba xã miền núi của huyện Vĩnh Linh, Vĩnh Hà có trên 37% dân số là người đồng bào dân tộc Vân Kiều. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của lòng dân, xã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. Ngày 28/2/2022 UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định số 657-QĐ/UBND công nhận xã Vĩnh Hà đạt chuẩn NTM năm 2021. Đến nay, đời sống và mức thu nhập của người dân không ngừng được nâng cao. Những ngôi nhà dần được xây dựng kiên cố, khang trang. Hệ thống trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu dạy học, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2022 đã đạt 38 triệu đồng/năm, tăng gấp 3 lần so với năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,9%. Một mùa xuân mới lại về, mùa xuân của sự ấm no hạnh phúc, của hy vọng khi tư tưởng, ý thức của đồng bào vùng cao đang có sự chuyển biến mạnh mẽ trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Trong niềm vui trước những đổi thay của quê hương và khát vọng mùa xuân mới, ông Trần văn Quyền chia sẻ: “Người dân Vĩnh Hà trước đây một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ đánh giặc để giải phóng quê hương. Ngày nay, bà con tiếp tục đoàn kết đi theo Đảng để xây dựng nông thôn mới. Tết năm nay là một Tết rất đặc biệt với từng gia đình vì nông thôn mới là niềm mơ ước bao đời của bà con nay đã trở thành hiện thực. Từ niềm vui và khí thế đổi mới của quê hương, bà con chúng tôi sẽ càng quyết tâm hơn xây dựng Vĩnh Hà trở thành xã nông NTM nâng cao trong thời gian không xa”.

Chúng tôi đến với Vĩnh Khê, trong câu chuyện với ông Hồ Văn Toàn Chủ tịch UBND xã, ông vui mừng chia sẻ, Vĩnh Khê có 293 hộ gia đình, 1.068 nhân khẩu với trên 90% là người đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống. Trước đây, do trình độ dân trí thấp, cơ sở hạ tầng hầu như không có gì nên cuộc sống của đồng bào còn nghèo. Lúc bấy giờ người dân chỉ biết phát nương làm rẫy, cực nhọc, lam lũ nhưng đời sống vẫn rất chật vật. Bên cạnh đó, các hủ tục lạc hậu như một gánh nặng làm cho cái nghèo, cái khổ cứ đeo bám người dân hết năm này qua năm khác. Giờ đây, bằng nội lực vươn lên, sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, nhất là các dự án, chương trình giảm nghèo bền vững được triển khai đã giúp người dân có điều kiện vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Những con đường bê tông dẫn vào từng thôn, những công trình dân sinh được xây dựng để phục vụ người dân đã minh chứng cho sự thay đổi diện mạo của xã miền núi này. Giờ đây, đường đến các thôn như Xung Phong, Khe Lương, Khe Cát, Bến Mưng, Khe Trằm, Đá Moọc đã được bê tông hóa sạch đẹp. Điện lưới quốc gia cũng đã về thắp sáng hầu hết các thôn bản. Đến năm 2022, Vĩnh Khê đã đạt 15/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. thu nhập bình quân đầu người đạt 41 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 12%, giảm 4,9% so với năm 2021.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Khê Hồ Văn Toàn chia sẻ thêm: “ Vượt qua mọi khó khăn, thử thách,Vĩnh Khê đang nỗ lực đi lên. So với 10 năm trước đây, đời sống của người dân địa phương đã có rất nhiều thay đổi. Khắp các bản làng, thôn xóm, ánh điện rực rỡ được thắp lên trong từng nếp nhà ấm cúng, như thể hiện những khát khao hướng tới cuộc sống tươi đẹp hơn. Người dân ơn Đảng và Nhà nước rất nhiều. Giờ đây, trong niềm vui và kỳ vọng mùa xuân mới, cán bộ và Nhân dân xã Vĩnh Khê nguyện một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ quyết tâm đưa xã nhà về đích nông thôn mới vào cuối năm 2023”.

Đối với Vĩnh Ô, xã miền núi khó khăn nhất ở Vĩnh Linh, giờ đây cuộc sống của người dân cũng đã từng ngày thay đổi. Là xã thuần nông với gần 97% dân số là người đồng bào dân tộc Vân Kiều. Phát triển kinh tế chủ yếu từ hoạt động nông nghiệp nhưng lại manh mún và không có điểm nhấn. Từ sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và nỗ lực của người dân, công cuộc xây dựng và đổi mới bản làng ở Vĩnh Ô đã có nhiều chuyển biến tich cực. Riêng trong năm 2022, Vĩnh Ô đã huy động và dành nguồn lực trên 24 tỷ đồng để đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng và xây dựng các mô hình kinh tế với phương châm phát huy tốt nguồn giống cây trồng vật nuôi được hỗ trợ, sử dụng tối đa diện tích đất sản xuất. Mặc dù hiệu quả mang lại chưa cao so với vùng đồng bằng, nhưng bước đầu bà con đã sử dụng hiệu quả sức lao động, khai thác tốt tiềm năng hiện có để đảm bảo nguồn lương thực cho gia đình. Thu nhập bình quân đầu người ở Vĩnh Ô đạt 29 triệu đồng/năm. Hiện nay, Vĩnh Ô đã đạt 13/19 tiêu chí. Trong gió xuân, những lá cờ Tổ quốc đỏ thắm đang tung bay giữa nền trời xanh thẳm, những tuyến đường hoa khoe sắc rực rỡ như đang nói thay cho niềm vui của đồng bào về cuộc sống mới.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô Trần Văn Tặng thông tin: “Trong thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm cao nhận thức, tính tự giác chủ động vươn lên thoát nghèo, làm giàu, phát huy tinh thần tự lực, tự cường của người dân. Đồng thời tập trung xây dựng các sản phẩm thế mạnh của địa phương như sản phẩm dê núi và tổ chức thành lập hợp tác xã để bà con có cơ hội hợp tác, tạo ra những sản phẩm mang tính hàng hóa, bán ra thị trường, nâng cao thu nhập. Trong năm 2023, xã Vĩnh Ô đặt mục tiêu sẽ đạt 3 tiêu chí đó là: tiêu chí 5 - Trường học, tiêu chí 13 - Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, tiêu chí 17 - Môi trường và an toàn thực phẩm. Đến năm 2024 sẽ đạt 3 tiêu chí còn lại là: tiêu chí số 9 - Nhà ở dân cư, tiêu chí 10 - Thu nhập, tiêu chí 11 - Nghèo đa chiều; Cơ bản hoàn thành việc xây dựng NTM ở địa phương”.

Đến cuối năm 2022, Vĩnh Linh có 1/3 xã miền núi về đích nông thôn mới. Đó là thành quả của tinh thần đoàn kết, quyết tâm xây dựng đời sống mới của chính quyền và đồng bào các dân tộc nơi đây. Một mùa xuân mới đang về tô thêm vẻ đẹp cho những bản làng vùng cao nông thôn mới giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Theo kế hoạch của huyện Vĩnh Linh, sẽ dành tất cả nguồn lực để hỗ trợ Vĩnh Khê về đích NTM vào năm 2023 và năm 2024 sẽ là xã miền núi Vĩnh Ô. Đồng thời đưa Vĩnh Linh trở thành huyện NTM vào năm 2024.  

Mỹ Hằng

Bài viết liên quan