Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Hiệu quả từ mô hình nuôi cá Lóc ở Vĩnh Thái

Nhằm từng bước đa dạng hóa nghề nuôi trồng thủy sản, nhiều hộ dân ở xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh đã phát triển mô hình nuôi cá lóc thương phẩm trong ao lót bạt. Phương thức nuôi này, không chỉ tận dụng được quỹ đất cát không canh tác được mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Văn Quyện ở thôn Đông Luật, là một trong những hộ đầu tiên ở xã Vĩnh Thái nuôi cá Lóc trong bể lót bạt. Theo lời ông Quyền, vào đầu năm 2018, sau chuyến đi tham quan tìm hiểu thực tế mô hình nuôi cá Lóc của người dân ở tỉnh Quảng Bình; nhận thấy tiềm năng phát triển mô hình này ở địa phương, ông đã mạnh dạn bỏ nguồn vốn gần 100 triệu đồng để đầu tư sản xuất. Ban đầu ông xây dựng 2 bể xi măng có tổng diện tích 200m2. Mỗi bể cao khoảng 1,2m; phần đáy bể có độ dốc để thuận lợi mỗi khi thay nước. Nguồn nước trong bể được ông duy trì khoảng 1m. Phía trên bể có mái che bằng lưới nhằm hạn chế ánh sáng trực tiếp cũng như hạn chế nhiệt độ trong bể nuôi.

Ông Quyện cho biết: “Nuôi cá lóc trong bể không khó, chỉ cần nuôi 1-2 vụ đầu là cơ bản nắm vững được kỹ thuật nuôi. Cá nuôi trong bể xi-măng có mái che giúp kiểm soát được nhiệt độ, thức ăn, nguồn nước nên cá sinh trưởng và phát triển tốt; tỷ lệ hao hụt thấp (khoảng 1%). Tuy nhiên, để cá sinh trưởng và phát triển thì nguồn nước cần phải thay mỗi ngày và luôn bảo đảm sạch, mát. Đối với các hộ nuôi cá Lóc ở xã Vĩnh Thái, các hộ đều phải khoan giếng với độ sâu 40 mét để lấy nước ngọt, đảm bảo môi trường sinh trưởng cho cá. Thường  nước trong bể cá sẽ được thay vào lúc chiều tối”.

Ông Quyện giải thích: “Thời điểm này nhiệt độ xuống thấp nên cá ít bị ảnh hưởng của môi trường khi bể khô. Ngoài ra, thay nước vào thời điểm này có thể cho cá ăn nhiều lần trong ngày. Nhờ vậy, cá tăng trọng nhanh, ít bệnh tật”.

Với sự chịu khó học hỏi trong chăn nuôi, trên diện tích rộng 200m2 mặt nước, từ năm 2018 đến nay, mỗi vụ ông thả nuôi 30 ngàn cá giống. Sau 7 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng từ 0,7 - 1kg/mỗi con. Theo tính toán, với giá bán từ 45 - 50 ngàn đồng/kg, bình quân ông Quyện thu lãi khoảng 10.000 đồng/kg cá thương phẩm. Riêng năm vụ nuôi trong 2022, ông xuất bán được một ao nuôi, 6 tấn cá với giá 260 triệu đồng, cho lãi 60 triệu đồng. Hiện vẫn còn một ao nuôi, dự kiến sẽ kịp thu hoạch vào dịp cuối năm, nếu giá tăng lên sẽ cho ông Quyện có thêm nguồn thu nhập cao.

Nhận thấy hiệu quả của mô hình nuôi cá Lóc thương phẩm của ông Quyện, nhiều hộ dân ở xã Vĩnh Thái cũng đã học tập, nhân rộng mô hình. Hiện nay, trên địa bàn xã có 10 hộ dân phát triển mô hình này; đồng thời liên kết thành nhóm hộ gia đình, cùng giúp nhau về kinh nghiệm trong sản xuất.

Anh Ngô Thế Biên, ở thôn Thử Luật, xã Vĩnh Thái cho biết, sau khi thấy tính khả thi của mô hình nuôi cá Lóc, cuối năm 2018, anh đầu tư xây dựng 3 bể cá với diện tích 300m2 mặt nước; đồng thời khoan thêm 3 giếng nước ngọt để đảm bảo nguồn nước cho chăn nuôi. Ban đầu, chưa có kinh nghiệm thực tế nên anh chỉ đưa vào nuôi thử nghiệm với số lượng ít. Quá trình chăm sóc, được sự hỗ trợ, chia sẻ về kỹ thuật và tìm hiểu về đặc tính của loại cá lóc cũng như tìm hiểu kỹ thị trường đầu ra, anh đã trực tiếp vào tận tỉnh An Giang để nhập con giống đảm bảo chất lượng về thả nuôi với số lượng lớn. Trong quá trình chăn nuôi anh thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của cá lóc. Đặc biệt ở tháng thứ 2 là thời điểm cá sinh trưởng mạnh nên dễ phát sinh một số bệnh như: xuất huyết, lở loét, nấm mang. Do đó, cần sớm phát hiện bệnh để có những biện pháp phòng ngừa, điều trị kịp thời, hợp lý.

Hiện nay, tôi đang thả nuôi khoảng 25 ngàn cá giống/mỗi vụ. Tương tự như ông Quyện, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình có nguồn lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/năm”, anh Biên bộc bạch.  

Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, Nguyễn Văn Năm cho biết: “Mô hình nuôi cá Lóc thương phẩm ở xã Vĩnh Thái cho thu nhập khoảng 100 - 120 triệu đồng/vụ nuôi. Đối với người nông dân vùng biển bãi ngang như xã Vĩnh Thái thì đây là nguồn thu nhập cao; có khả năng nhân rộng trên địa bàn. Tuy nhiên, khi sản xuất lớn, khó khăn của người dân chính là thị trường tiêu thụ. Do vậy, thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn, mở các lớp tập huấn về kỹ thuật cho bà con nuôi cá trên địa bàn để giúp họ củng cố, nâng cao kiến thức về kỹ thuật thả nuôi, phòng trị các loại bệnh, chăm sóc cá Lóc, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đồng thời, hướng dẫn người dân xây dựng mô hình hợp tác xã chuyên mua bán cá Lóc để mở rộng thêm thị trường. Mặt khác phối hợp với Ngân hàng Chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được vay vốn, phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu”.

Cá Lóc là loại cá nước ngọt có phẩm chất thịt ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện nay, nguồn cá trong tự nhiên bị khai thác quá mức đã ngày càng cạn kiệt. Do đó, việc phát triển mô hình nuôi cá Lóc trong bể xi-măng, lót bạt của các hộ gia đình ở xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh đã góp phần đảm bảo nhu cầu của thị trường. Mô hình còn góp phần đa dạng hóa sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân; mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương.

Mỹ Hằng

Bài viết liên quan