Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Người đưa món quê “thịt bò làng Trạng” đi khắp nơi

Sản phẩm dưa muối Vĩnh Tú còn có tên gọi thú vị “thịt bò làng Trạng”. Đây là món ăn truyền thống dân dã, qua sự kết nối sản xuất, hỗ trợ xây dựng thương hiệu của chị Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh cùng Tổ hợp tác quầy hàng nông sản xã Vĩnh Tú, sản phẩm này đã đến tay người tiêu dùng nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh…

Chị Trần Thị Thu Đông (thứ 3 từ phải sang) giới thiệu sản phẩm dưa muối Vĩnh Tú tại Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực Việt Nam năm 2023.

Chị Đông cho biết, xã Vĩnh Tú lưu giữ nét văn hóa độc đáo nói chuyện Trạng, những câu chuyện hài hước kết hợp điệu bộ, tiếng địa phương đặc trưng mang lại tiếng cười sảng khoái, cổ vũ tinh thần lạc quan, đoàn kết trong lao động sản xuất.

Vì thế, Vĩnh Tú thường được gọi là làng Trạng. Bên cạnh đó, thiên nhiên còn ưu đãi cho nơi đây nguồn nước, thổ nhưỡng riêng biệt để sản xuất nên loại nông sản nổi tiếng dưa hấu Vĩnh Tú được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Cũng từ dưa hấu, người dân Vĩnh Tú xưa sáng tạo ra món dưa muối, món ăn bình dị, gắn bó với đời sống của bao thế hệ. “Ngày trước, khi cuộc sống còn khó khăn, lương thực, thực phẩm thiếu thốn, hầu hết mọi gia đình ở vùng quê này đều có một vại dưa muối để ăn cùng cơm độn sắn, khoai.

Trong các bữa ăn đạm bạc, khi ăn dưa muối vừa có vị chua mặn, thơm ngọt của dưa và miếng dưa phơi qua 1, 2 nắng trước khi muối nên hơi dai dai, giòn giòn, mọi người thường đùa nhau rằng, đây là món thịt bò được chế biến theo cách riêng của người làng Trạng, cái tên “thịt bò làng Trạng” xuất phát từ đó”, chị Đông giải thích.

Từ những vại dưa muối ấy, nhiều gia đình đùm bọc nhau đi qua tháng năm vất vả, tảo tần nuôi con cháu lớn khôn, ăn học thành tài. Dù đi đâu người dân Vĩnh Tú đều luôn nhớ về hương vị của món dưa muối vội, dưa muối mặn quê mình cũng là vì thế. Sau này đời sống phát triển, không ít hộ vẫn làm dưa muối, không chỉ phục vụ gia đình mà còn mang đến các chợ quê bày bán hoặc cung cấp cho một số quầy hàng dịch vụ ẩm thực.

Nhận thấy những sản phẩm nông nghiệp của nông dân sản xuất có thể chế biến thành các món ăn truyền thống, nhất là dưa muối rất được ưa chuộng, chị Đông ấp ủ dự định liên kết xây dựng mô hình sản xuất, cung cấp những mặt hàng chất lượng ra thị trường, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, tiếp cận chương trình OCOP.

Đề xuất xây dựng tổ hợp tác quầy hàng nông sản của chị Đông nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện của hội cấp trên và chính quyền địa phương cũng như thu hút hội viên phụ nữ tham gia. Tháng 7/2021, Tổ hợp tác quầy hàng nông sản xã Vĩnh Tú chính thức thành lập, đi vào hoạt động. Tổ hợp tác trực tiếp tiếp nhận, quản lý, trưng bày, thực hiện giao dịch đối với khoảng 40 mặt hàng, trong đó xác định sản phẩm chủ lực là dưa muối Vĩnh Tú.

Dưa muối Vĩnh Tú chế biến chỉ từ nguyên liệu quả dưa hấu non và muối, với quy trình sản xuất hoàn toàn không sử dụng phụ gia, chất bảo quản. Dưa muối thông dụng, có ở nhiều địa phương nhưng dưa muối Vĩnh Tú, vốn làm từ loại dưa trồng trên đất Vĩnh Tú, cộng thêm cách muối, kỹ thuật truyền lại lâu đời của người dân nên sản phẩm làm ra hương vị khác biệt.

Dưa vừa độ chín, màu vàng nhạt, ăn vào miệng gặp vị hơi chua nhẹ, ngọt thơm của dưa, giòn giòn, có thể trộn cùng gia vị ăn sống hay chế biến nhiều món như xào cùng thịt ba chỉ, nấu với cá rô đồng… Tổ hợp tác đóng gói dưa muối vào các túi hoặc lọ đã tiệt trùng với trọng lượng 0,2 - 0,5 kg để bảo quản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và dễ dàng trong vận chuyển.

Ngoài bày bán tại cửa hàng, tổ hợp tác còn có kênh bán hàng qua facebook Quầy hàng nông sản xã Vĩnh Tú. Sản phẩm chất lượng, tổ hợp tác dần đón nhận sự tin tưởng của khách hàng trong và ngoài tỉnh.

Nhờ đó, số lượng dưa muối Vĩnh Tú bán ra ngày càng nhiều. Đặc biệt, xét tính khả thi, hiệu quả từ việc sản xuất, kinh doanh dưa muối, tháng 6/2022, Tổ hợp tác quầy hàng nông sản xã Vĩnh Tú được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí trên 190 triệu đồng, xây dựng mô hình Sản xuất và chế biến dưa muối Vĩnh Tú.

Nhờ nguồn vốn này, tổ hợp tác đầu tư mở rộng quy mô hoạt động, tăng doanh thu. Đến nay, ước tính mỗi tháng tổ hợp tác tiêu thụ khoảng 1 tấn nông sản, doanh thu đạt 45 triệu đồng, thu nhập thành viên 3 triệu đồng/người/tháng.

Chị Đông chia sẻ: “Là người con vùng quê nông thôn, khi dưa muối Vĩnh Tú đại diện cho nông sản địa phương tham dự các hội chợ giới thiệu sản phẩm, sự kiện lớn như hội thảo giới thiệu Dự án cộng đồng EM-Ventures: Tự chủ là một lựa chọn để hạnh phúc hơn do Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Trung tâm Vì sự phát triển phụ nữ Bắc Trung Bộ và PDA&Partners tổ chức tại Hà Nội vào tháng 3/2023.

Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực Việt Nam năm 2023 vừa được tổ chức tại Quảng Trị hay đơn giản hơn là hằng ngày, được khách hàng yêu thích, tin tưởng chọn mua, đặt hàng sử dụng, làm quà biếu hoặc theo những chuyến xe ra Bắc vào Nam đến tay người tiêu dùng và nhận về phản hồi tích cực… chúng tôi cảm thấy rất vui và tự hào”.

Có thể thấy, từ sản xuất, kinh doanh dưa muối thành công, tổ hợp tác đã góp phần giải quyết việc làm cho hội viên trên địa bàn, khuyến khích phụ nữ mạnh dạn hơn trong sáng tạo kinh doanh, phát triển kinh tế, gìn giữ nghề truyền thống, nét ẩm thực dân gian của địa phương.

Nguyễn Trang

Bài viết liên quan