Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh
Gìn giữ văn hóa cồng chiêng nơi thượng nguồn Bến Hải
- 12-10-2022
- 2016 lượt xem
Nép mình bên dãy Trường Sơn hùng vĩ, đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều tại xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, bao đời nay gìn giữ, phát huy giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, trong đó có văn hóa cồng chiêng. Trong những dịp lễ hội của bản làng hay các đám giỗ, việc cưới, việc tang... tiếng cồng chiêng ngân vang giữa bao la đại ngàn đã góp phần gắn kết cộng đồng, hướng dân bản đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Kỹ thuật đánh chiêng của ông Hồ Văn Liên được nhiều người biết đến - Ảnh: TRẦN TUYỀN
“Nghệ nhân” của bản
Ngôi nhà nhỏ của ông Hồ Văn Liên ở thôn Lền nằm dưới tán cây rợp bóng, sát bờ suối. Mặc dù năm nay đã 90 tuổi nhưng ông Liên vẫn còn khỏe mạnh, tinh anh. Bên trong nhà, ông Liên đang say sưa thổi sáo Klui (nhạc cụ này chỉ những người cao niên, có kinh nghiệm mới thổi được). Ông Liên từng là giáo viên dạy xóa mù chữ. Sau đó, ông công tác tại văn phòng UBND xã rồi làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Vĩnh Ô. Ông còn được biết đến là “nghệ nhân” của bản. Bởi, ông là người tường tận nguồn cội văn hóa cồng chiêng; biết chơi nhiều loại nhạc cụ như cồng chiêng, trống, sáo; biết chỉnh thanh âm của chiêng và biết làm trống Xi cơn. Ông cũng là người đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo tồn, truyền dạy cách sử dụng cồng chiêng cho người dân trong thôn, xã.
“Tôi biết đánh cồng chiêng từ năm 15 tuổi. Lúc bấy giờ, tôi thường đi theo các ông, các bác trong những dịp lễ hội. Thấy họ đánh cồng chiêng thì mình xem, nghe rồi đánh theo. Dần dần, tôi đánh được cồng chiêng, trống và trở thành một trong những người đánh chính trong các dịp lễ hội của bản làng”, ông Liên mở đầu câu chuyện. Theo ông Liên, văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc Vân Kiều ở xã Vĩnh Ô đã có từ lâu đời. Mỗi khi trong gia đình có đám đám giỗ, lễ mừng lúa mới, lễ cúng miếu thờ, các lễ hội văn hóa văn nghệ của thôn, xã... thì những thanh âm của cồng chiêng, trống Xi cơn lại vang lên. Tùy theo từng nghi lễ mà nhịp điệu của cồng chiêng, trống Xi cơn dồn dập, tươi vui hay khoan thai, thong thả.
Ông Hồ Văn Liên không chỉ đánh cồng chiêng giỏi mà còn biết chỉnh tiếng chiêng cho ngân vang - Ảnh: TRẦN TUYỀN |
Không chỉ sử dụng thuần thục các loại nhạc cụ, ông Liên còn có khả năng nghe tiếng của chiếc chiêng bị hỏng để chỉnh âm lại cho vang. Trong xã chỉ ông có khả năng đặc biệt này. Không đợi tôi thắc mắc, ông Liên bật mí, để nghe được thanh âm của một chiếc chiêng, người nghe phải có năng khiếu và trình độ thẩm âm nhất định. Khi phát hiện chiếc chiêng bị “điếc” (hỏng) hoặc âm phát ra không hay, không đều, ông sẽ dùng cám rượu cần chùi sạch chiêng rồi sau đó dùng đục gỗ hoặc cán rìu, cán rựa để cạo, gõ chỉnh tiếng chiêng.
“Không muốn văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình bị mai một nên thời gian qua, tôi luôn cố gắng truyền dạy những điều mình biết cho con cháu và người dân trong thôn bản. May mắn là hiện nay con cháu trong gia đình tôi đều đánh được các loại nhạc cụ và trong thôn xuất hiện nhiều người tài giỏi, không chỉ đánh hay mà còn truyền dạy cho thêm nhiều người nữa”, ông Liên bộc bạch. Ông Liên cũng là “cây đại thụ” trong nghề làm trống Xi cơn. Hiện nay, những người biết làm trống trong xã Vĩnh Ô hầu hết đều là học trò, con cháu của ông.
Người làm trống Xi cơn
Ở Vĩnh Ô hiện có khoảng 5 người biết làm trống Xi cơn. Trong đó, ông Hồ Văn Thương (80 tuổi) ở thôn Lền là người lành nghề, làm trống đẹp, đánh trống hay. Để tôi hiểu thêm về trống Xi cơn, ông Thương vào nhà mang ra một chiếc trống do chính tay ông làm. Chiếc trống được ông gìn giữ như bảo vật của gia đình.
Ông cho hay: “Thân chiếc trống được làm từ gỗ cây mít. Muốn trống có âm hay, bền thì phải chọn gốc cây có phần roòng màu vàng sẫm hoặc đỏ. Khi đã chọn được cây, tôi dùng rìu đẽo gọt bên ngoài cho nhẵn bóng. Tiếp đó, dùng đục để đục rỗng bên trong thân trống sao cho rộng hai đầu, hẹp ở giữa như hình chiếc đồng hồ cát. Một bước nhỏ nhưng không kém phần quan trọng là phải đục một lỗ hình tròn hoặc hình thoi lên thân trống để thoát hơi”.
Truyền dạy cách đánh trống Xi cơn cho người trẻ - Ảnh: TRẦN TUYỀN |
Khi làm xong phần thân trống, ông tìm mua hoặc xin da bò tươi về phơi khô khoảng nửa tháng. Khi da bò đã khô, ông dùng dao cạo sạch lớp lông rồi căng mặt da lên 2 bên thân gỗ để cắt vừa khớp tạo thành mặt trống. Bước tiếp theo, ông tìm da trâu cắt thành sợi nhỏ bằng ngón tay út của người lớn rồi phơi khô khoảng 1 tuần tạo độ dai, bền bỉ. Đến đây, ông Thương đục nhiều lỗ trên 2 tấm da bò để xâu sợi dây bằng da trâu qua, kéo căng 2 mặt da bò. Bước cuối cùng, ông dùng đá cuội hoặc giấy nhám mài đều mặt da bò.
Khi chiếc trống đã hoàn thành, ông dùng 2 que gỗ hoặc nhựa làm dùi trống. “Trung bình mỗi cái trống làm trong 10 ngày là xong. Nay, người biết làm trống ít hơn trước nên giá trị của những chiếc trống ngày càng cao. Riêng chiếc trống của tôi có người trả 6 triệu đồng nhưng tôi không bán”, ông Thương nói. Tính đến nay, ông đã làm được hơn 10 cái trống và truyền nghề cho nhiều người trong xã.
Trống Xi cơn thường được sử dụng cùng với cồng chiêng trong các dịp lễ hội, đám giỗ, việc tang, việc cưới... Theo phong tục của địa phương, đám giỗ sẽ có 2 người gánh trống và cùng đánh vào 2 mặt trống. Lễ mừng lúa mới, việc cưới thì chỉ 1 người đánh trống. Mỗi khi muốn đánh trống hoặc sửa trống, chủ nhân chiếc trống phải làm 1 con gà để cúng ở miếu thờ của thôn bản.
Để tiếng cồng chiêng vang mãi
Xã Vĩnh Ô có 7 thôn, 376 hộ. Hiện, trong xã còn khoảng 50 người có độ tuổi trên 60 đánh được các nhạc cụ cồng chiêng, trống. Điều đáng mừng là nhiều người trẻ cũng đam mê và biết đánh cồng chiêng. Những người này sẽ được tập hợp lại mỗi khi thôn, xã có lễ hội hoặc đám đình. Mới đây, UBND xã Vĩnh Ô giao Hội Cựu chiến binh xã quản lý đội cồng chiêng này.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hồ Văn Tuân thông tin: “Trong xã hiện còn nhiều người cao tuổi lưu giữ cồng chiêng để truyền dạy cho con cháu như các ông: Hồ Văn Lơ, Hồ Thủy ở thôn Xà Lời; Hồ Sông Hào ở thôn Xóm Mới; Hồ Văn Liên, Hồ Văn Thí, Hồ Văn Lương ở thôn Lền; Hồ Văn Khắc ở thôn Mít; Hồ Văn Sáu ở thôn Thúc... Nhờ sự quan tâm, gìn giữ và phát huy tốt nên những năm gần đây, số người trẻ tuổi ở Vĩnh Ô biết đánh cồng chiêng ngày càng nhiều”.
Ông Hồ Văn Thương là người làm trống Xi cơn lành nghề tại xã Vĩnh Ô - Ảnh: TRẦN TUYỀN |
Theo lãnh đạo xã Vĩnh Ô, thời gian qua địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng. Đây là nét đẹp văn hóa có từ lâu đời, được người dân tộc Vân Kiều lưu truyền từ đời này sang đời khác. Mỗi khi có dịp lễ hội, đám đình, những người đánh cồng chiêng sẽ mặc trang phục truyền thống biểu diễn. Đội cồng chiêng của xã cũng từng đạt nhiều giải thưởng cấp huyện. Hiện, toàn xã còn khoảng 15 cái chiêng, 5 chiếc cồng và 5 cái trống Xi cơn. Các nhạc cụ này phân tán trong cộng đồng. Mỗi khi cần huy động thì xã phải mượn hoặc thuê.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô Trần Văn Tặng cho biết: “Xã dự kiến thành lập câu lạc bộ cồng chiêng kết hợp làm du lịch cộng đồng để phục vụ du khách. Tuy nhiên địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn vì tiềm lực có hạn. Chúng tôi mong muốn chính quyền các cấp quan tâm, hỗ trợ về nhiều mặt để tạo điều kiện cho đội cồng chiêng hoạt động bài bản, chuyên nghiệp và lâu dài hơn. Cùng với đó là cho cán bộ địa phương đi tham quan, học hỏi ở những nơi phát triển mạnh về văn hóa cồng chiêng để làm tốt công tác quản lý, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Vân Kiều nơi thượng nguồn Bến Hải”.
Trần Tuyền (Nguồn: http://baoquangtri.vn/Phong-su-Ghi-chep/modid/412/ItemID/171051/title/Gin-giu-van-hoa-cong-chieng-noi-thuong-nguon-Ben-Hai)
- Gỏi tép nhảy Bàu Trạng lọt top món ăn đặc sản nổi bật do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố (23/09/2022)
- Thầy giáo trẻ vững về chuyên môn, nhiệt huyết với công tác Đoàn (26/08/2022)
- Chiến sĩ trẻ tiêu biểu về học tập và làm theo lời Bác của lực lượng Công an (26/08/2022)
- Nam sinh trở thành thủ khoa sau một năm “trượt đại học” (13/09/2022)
- Gương sáng trong phong trào hiến máu nhân đạo (26/08/2022)
- Tấm gương nhà giáo yêu nghề, làm kinh tế giỏi (26/08/2022)
- Dành cả thanh xuân chăm sóc chốn linh thiêng (26/08/2022)
- Lê Văn Sơn và chặng đường trưởng thành cùng thể thao (22/07/2022)
- Một gương sáng học đường (05/07/2022)
- Cô gái Quảng Trị mở nhà hàng ẩm thực Việt trên đất nước Singapore (05/07/2022)
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĨNH LINH TỈNH QUẢNG TRỊ
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Chịu trách nhiệm chính: Hoàng Thị Phụng- Chánh Văn phòng HĐND&UBND, Trưởng Ban Biên tập
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Liên hệ: 0913.485.126 (Trưởng Ban) 0963.138.913 (Phó Ban trực)
Email: vinhlinh@quangtri.gov.vn Địa chỉ: 01/ Huyền Trân Công chúa, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị
Bản quyền thuộc Cổng TTĐT huyện Vĩnh Linh (Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ website này)