Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Độc đáo Lễ hội Cầu ngư Rằm tháng 5 âm lịch ở làng chài Vịnh Mốc

Vịnh Mốc là một làng ven biển thuộc xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh. Bao đời nay, người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề khai thác hải sản gần bờ kết hợp với sản xuất nông nghiệp. Gắn bó với với biển cả cùng những chuyến thuyền vào lộng ra khơi, vùng đất này có nhiều nét độc đáo trong hoạt động kinh tế, văn hóa từ xa xưa, được lưu truyền cho các thế hệ con cháu mai sau. Đặc biệt trong số đó phải kể đến Lễ hội Cầu ngư được tổ chức vào ngày Rằm tháng 5 âm lịch với ý nghĩa cầu mong một vụ mùa đánh bắt bội thu và là dịp để con cháu trong làng dù bôn ba nơi xứ người cũng trở về đoàn tụ nơi quê cha, đất tổ.

Phần thi đan lưới được làng Vịnh Mốc tổ chức trong Lễ hội Cầu ngư.

Ông Hồ Minh Vừng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn cho biết, thôn Vịnh Mốc hay còn gọi là làng Vịnh Mốc được hình thành bởi mũi Bang và mũi Lay nhô ra bên chân sóng thuộc vùng biển bãi ngang xã Vĩnh Thạch (nay là xã Kim Thạch). Từ xa xưa người ta gọi đây là làng Vịnh. Làng có hai xóm nhỏ là xóm Thái và xóm Ma, giữa hai xóm có một tảng đá lớn nhô lên do tạo hóa sinh ra. Theo tương truyền, hai xóm của làng đã có một thời gian tách biệt do hai anh em cùng một gia đình bất hòa làm thủ lĩnh của hai xóm nên cư dân không giao lưu, qua lại với nhau.

Cuộc sống của người làng Vịnh Mốc lúc bấy giờ cũng chỉ dựa vào biển cả, quanh năm sinh tử với nghề đánh bắt hải sản gần bờ. Có những chuyến ra khơi gặp nạn, người dân đã cứu nhau thoát khỏi tử thần nên chuyện xích mích của hai xóm dần dần được xóa bỏ rồi trở nên thân thiết. Từ đó, làng Vịnh Mốc lập ra những bãi đá bằng phẳng dọc theo tuyến biển để làm chỗ cúng tế hàng năm, cầu quốc thái dân an, ngư dân ra khơi thuận buồm xuôi gió, vụ mua bội thu, đánh bắt nhiều tôm, cá... Đây cũng chính là một trong những khởi nguồn cho lễ hội cầu ngư của làng được tổ chức từ xưa tới nay.

Lễ hội Cầu ngư Rằm tháng 5 âm lịch - lễ mở màn cho mùa khai thác vụ Nam, là lễ lớn nhất của làng Vịnh Mốc. Lễ hội có rất nhiều nét độc đáo, trong đó, ở phần lễ, có 2 thủ tục cúng tế được làng tổ chức, đó là phần “Đưa linh” và “Cúng làng”. Phần “đưa linh” hay còn còn “rước ngư” được người dân làm lễ cúng ngoài biển để cầu cho những linh hồn bơ vơ gặp nạn trên biển được siêu thoát. Phần “Cúng làng”, làng giao trách nhiệm cho những người cao tuổi làm lễ cúng tế ở Nền Làng, được tổ chức vào ban đêm từ khoảng 19h đến 21h.

Người làm lễ sẽ kính cẩn dâng hương đọc lời khấn cầu phúc cầu tài, sống lâu giàu có, tránh được tai ương, đi biển thuận buồm xuôi gió, cá tôm đầy thuyền, buôn bán thuận lợi, thủ công tinh thông, học hành tiến tới, văn tăng võ tiến, toàn dân phúc lộc đề huề. Tiếp đó, các chi, họ trong làng cử đại diện, thường là trưởng họ hay những người được tôn kính bước ra giữa nền làng dâng hương tế lễ, thành tâm cầu khẩn. Đến cuối buổi lễ, tất cả mọi thành viên trong làng đều có quyền dâng hương, nói lên những nguyện vọng, mong muốn của riêng mình với thần linh.

Ở phần hội, nhiều phần thi thố các trò chơi dân gian được diễn ra rộn ràng, sôi nổi như: thi đan lưới, đua thuyền, kéo co dưới nước với ý nghĩa tôn vinh sự khéo léo, nhanh nhẹn của các ngư dân trong quá trình lao động sản xuất. Đặc biệt, sẽ được nghe những tiết mục hát hò chèo cạn do các nam thanh, nữ tú của làng biểu diễn. Trong trang phục lễ hội, đầu chít khăn tay cầm chèo các nam thanh, nữ tú bước ra dàn thành hai hàng, cất lên những câu hát ca ngợi sự thanh bình, giàu đẹp của quê hương và mong ước được một mùa bội thu tôm cá.

Ông Hồ Minh Vừng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Vịnh Mốc cho biết thêm: “Ngoài Lễ hội Cầu ngư, làng Vịnh Mốc còn có phong tục cúng tế đầu năm vào ngày mùng 4 tháng Giêng, Rằm tháng Hai âm lịch, cúng mộ âm hồn vào Rằm tháng Bảy. Những lễ cúng này nằm trong nét đẹp văn hóa tâm linh nhưng không rộn ràng như lễ hội cầu ngư. Những năm chiến tranh ác liệt, một thời gian dài, người dân làng Vịnh Mốc không tổ chức lễ hội cầu ngư. Sau chiến tranh, phải bước vào công cuộc phục hồi, xây dựng quê hương, cuộc sống của dân làng cũng còn vất vả nên làng cũng chỉ tổ chức phần lễ một cách đơn giản, không tổ chức phần hội.

Dù tổ chức quy mô lớn hay nhỏ, nhưng ý nghĩa của lễ hội cầu ngư truyền thống, cầu mong cho cuộc sống gặp mọi điều suôn sẻ đã ăn sâu vào tâm thức của những người dân suốt đời làm ăn trên đại dương sóng cả. Đến năm 2011, được huyện Vĩnh Linh và chính quyền địa phương khuyến khích, Vịnh Mốc khôi phục lại Lễ hội Cầu ngư Rằm tháng 5 âm lịch, tạo được sự phấn khởi, rạo rực trong nhân dân. Hiện nay, lễ hội được dân làng Vịnh Mốc thống nhất tổ chức trọng thể 5 năm một lần. Thời gian qua, do đại dịch Covid-19 nên làng không tổ chức được. Đến năm nay 2023, làng sẽ tổ chức lễ hội này”.

Cũng như nhiều làng quê khác ở Vĩnh Linh, người dân Vịnh Mốc luôn đoàn kết, chung lòng, vượt qua nhiều gian khó, quyết tâm xây dựng quê hương. Đến hôm nay, Vịnh Mốc đã khoác lên mình màu sắc xanh tươi, đầy sức sống. Đường làng, ngõ xóm được quy hoạch, bê tông hóa khang trang. Những ngôi nhà được xây dựng kiên cố, đỏ tươi mái ngói. Tình làng, nghĩa xóm được thắt chặt, gắn bó. Vịnh Mốc cũng là địa phương xây dựng thành công làng văn hóa sớm nhất ở huyện Vĩnh Linh. Cuộc sống của người dân đang từng ngày thay đổi. Bên trù phú của những vườn hồ tiêu, những vườn lúa, lạc, ngô xanh mướt là biển cả bao la, thuyền về đầy ắp cá, tôm các loại.

Là miền quê nằm liền bên chân sóng, người dân Vịnh Mốc bao đời nay luôn gắn bó vươn khơi, giữ vùng biển trời của tổ quốc. Toàn thôn hiện có 100 thuyền có công suất từ 8 đến 12CV, khai thác hải sản quanh năm. Nghề ngư là chủ yếu, nhưng ngư dân còn trồng trọt, chăn nuôi ở trên đất nên cuộc sống ổn định, không lo lắng khi biển động. Lao động chính đi biển thì chăm lo ngư lưới cụ, lao động phụ thì chăm lo làm nông và làm dịch vụ. Từ nghèo khó, đói kém thường xuyên mỗi mùa giáp hạt, đến nay, Vịnh Mốc đã xóa được đói, đẩy lùi được nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 48 triệu đồng mỗi năm, đời sống vật chất và tinh thần ngày một phát triển, đổi thay.

“Trải qua đau thương, mất mát của chiến tranh, người dân Vịnh Mốc hiểu rất rõ giá trị của cuộc sống hôm nay, chính vì vậy, bao qua nhiêu thế hệ, người dân nơi đây vẫn luôn động viên nhau thi đua làm kinh tế, xây dựng quê hương; nhắc nhở nhau giữ gìn, phát huy những nét văn hóa nguồn cội của Làng. Lễ hội Cầu ngư Rằm tháng 5 âm lịch chính là một trong nét văn hóa nguồn cội đó. Không chỉ mang yếu tố tâm linh, lễ hội còn mang ý nghĩa quan trọng nhằm động viên dân làng đoàn kết, ngày ngày ra khơi bám ngư trường để bảo vệ chủ quyền biển đảo”, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Vịnh Mốc, Hồ Minh Vừng bộc bạch.

Mỹ Hằng

Bài viết liên quan