Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Vĩnh Linh nổ lực tháo gỡ “điểm nghẽn” trong thực hiện Đề án 06

Xác định Đề án 06 là hợp phần quan trọng và mang tính đột phá trong tổng thể chương trình chuyển đổi số quốc gia. Việc triển khai thành công Đề án này quyết định sự thành công của Chương trình chuyển đổi số quốc gia nói chung và của từng địa phương nói riêng. Thời gian qua, huyện Vĩnh Linh đã nỗ lực tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn”  trong thực hiện Đề án 06 đã được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tại Công văn số 452/TTg-KSTT ngày 23/5/2023.

Để có sự thống nhất trong công tác thực hiện, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Công văn số 452/TTg-KSTT, dưới sự  chỉ đạo trực tiếp của tỉnh, UBND huyện đã nhanh chóng xây dựng và ban hành Công văn số 840/UBND-VP về việc triển khai các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn trong thực hiện Đề án 06 trên phạm vi toàn địa bàn.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành địa phương tiếp tục thực hiện khẩn trương, nghiêm túc các nhiệm vụ trong Đề án. Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền trong  mọi tầng lớp nhân dân. Giao nhiệm vụ cho lực lượng công an với vai trò nồng cốt, thường trực của Tổ công tác Đề án 06 huyện thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời báo cáo để tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. 

Nhằm góp phần hoàn thiện thể chế, UBND huyện Vĩnh Linh đã tham gia góp ý vào dự thảo các Nghị quyết, Kế hoạch của tỉnh như quy định các khoản phí và lệ phí đối với hoạt động sử dụng dịch vụ công trực tuyến, danh mục dịch vụ công trực tuyến cấp huyện và cấp xã, thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đối với các đối tượng chính sách, thực hiện 2 nhóm liên thông TTHC khai sinh và khai tử.

Tham gia vào việc rà soát, đơn giản hoá TTHC, UBND huyện Vĩnh Linh đã xây dựng báo cáo đề nghị trình UBND tỉnh bãi bỏ 1 TTHC và cắt giảm 18 TTHC cấp xã, đơn giản hoá 27 TTHC cấp xã và 2 TTHC cấp huyện. Song song với đó, theo chức năng và nhiệm vụ được giao, Phòng Tài chính- Kế hoạch huyện đã thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết TTHC thuộc 2 lĩnh vực là thành lập và hoạt động doanh nghiệp, thành lập và hoạt động của hợp tác xã. Riêng việc áp dụng mức thu nộp đối với dịch vụ công trực tuyến được áp dụng từ 1/8/2023 đạt kết quả khả quan với lệ phí đăng ký kinh doanh trực tuyến bằng 80% mức thu phí với hoạt động sử dụng dịch vụ công trực tiếp.

Bám sát sự chỉ đạo của cấp trên và căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, huyện đã đẩy mạnh các giải pháp thực hiện hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến để phục vụ tốt cho Nhân dân. Theo đó, đã tập trung tăng cường các hoạt động chuyển đổi quy trình, thực hiện TTHC, dịch  vụ công từ phương thức truyền thống sang môi trường điện tử;  xây dựng các biểu mẫu điện tử, phần mềm chuyên dụng, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC để làm giàu kho dữ liệu tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp không phải cung cấp lại các thông tin đã có. Thực hiện nghiêm túc việc không yêu cầu công dân xuất trình hộ khẩu, sổ tạm trú giấy trong quá trình tiếp nhận hồ sơ.

Huyện đã tiến hành cung cấp 252 TTHC thực hiện dịch vụ công trực tuyến, trong đó cung cấp DVC toàn trình là 149 TTHC, DVC một phần là 103 TTHC. Đã triển khai cung cấp 53 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, trong đó đã có 21/53 dịch vụ phát sinh hồ sơ, đạt tỷ lệ 39,6%. Kết quả số hoá hồ sơ tại địa phương cũng có nhiều chuyển biến tích cực, từ ngày 23/5/2013 - 4/4/2023, tỷ lệ hồ sơ được số hoá đạt 85,6%; số hoá đầy đủ thành phần đầu vào đạt 83,7% và số hoá giải quyết TTHC đạt 98,82%.

Huyện Vĩnh Linh cũng đã đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng số trên cả 3 nhóm hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin và hạ tầng trung tâm dữ liệu. Cụ thể, huyện đã phối hợp với 3 đơn vị viễn thông đóng trên địa bàn là VNPT, Viettel và Mobifone tiến hành tu sửa, bảo dưỡng và nâng cấp hạ tầng, cung cấp đa dạng các loại dịch vụ đến người dân. Hằng năm, phân bổ kinh phí cho các cơ quan, UBND các xã, thị trấn đầu tư mới, nâng cấp hệ thống mạng, máy tính cùng các thiết bị CNTT nhằm đảm bảo 100% cán bộ, công chức, viên chức từ huyện đến cơ sở đều có máy tính kết nối internet tốc độ cao, băng thông rộng.

Hiện nay, trên địa bàn huyện đã phủ sóng điện thoại di động và Internet đến 100% thôn, bản, tổ dân phố; tỷ lệ dân số được tiếp cận dịch vụ di động 4G đạt 95%; hộ dân có điện thoại thông minh đạt tỷ lệ 80%. Hạ tầng mạng băng thông rộng cáp quang có độ phủ trên 95% hộ gia đình và 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện, doanh nghiệ và hợp tác xã có máy tính đạt 100%. Nhờ đó đã cơ bản đảm bảo những điều kiện cần thiết để góp phần thực hiện thành công đề án.

Đối với vấn đề đảm bảo về nguồn nhân lực, huyện đã quan tâm, đầu tư kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ các cấp. Trong năm qua, huyện đã tổ chức được 5 lớp bồi dưỡng, tập huấn cho gần 400 cán bộ, công viên chức các cấp. Đến nay, 100% cán bộ, công viên chức tại địa phương đều đảm bảo về trình độ, chuyên môn, ứng dụng hiệu quả các nền tảng số, khai thác dữ liệu và cung cấp dịch vụ công của các cấp, ngành. Tổng số nhân lực trực tiếp tham gia các nhiệm vụ Đề án 06 tại địa phương đảm bảo hoạt động hiệu quả, chất lượng với Tổ Công tác triển khai Đề án 06 cấp huyện có 13 thành viên, cấp xã có 199 thành viên và cấp thôn, bản có 952 thành viên; Tổ giúp việc Tổ công tác cấp huyện có 21 thành viên.

Với mục tiêu thực hiện hiệu quả và thành công Đề án 06, thời gian tới huyện Vĩnh Linh sẽ tiếp tục triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ đề ra theo lộ trình của Đề án. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong mọi tầng lớp Nhân dân. Đặc biệt, tiếp tục duy trì thực hiện hiệu quả các giải pháp làm sạch dữ liệu dân cư. Tập trung rà soát, đánh giá và đề xuất bổ sung trang thiết bị phục vụ triển khai dịch vụ công trực tuyến, công tác số hoá hồ sơ. Chọn lựa bố trí cán bộ đảm bảo yêu cầu về năng lực đảm nhận  công tác tiếp nhận, giải quyết các dịch vụ công trực tuyến. Nổ lực duy trì đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống trong suốt quá trình thực hiện Đề án 06.

Phương Nga

Bài viết liên quan