Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Bác Hồ với quê hương Vĩnh Linh anh hùng

Năm 1954, Hiệp định Giơnever được ký kết, tạm thời chia cắt đất nước ta thành 2 miền Nam - Bắc. Huyện Vĩnh Linh với vị trí là mảnh đất đầu cầu giới tuyến đã được Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định thành lập đơn vị hành chính tương đương cấp tỉnh. Từ đây, mảnh đất này đã phải gánh chịu sự đánh phá tàn khốc của quân xâm lược. Dòng sông Bến Hải, cầu Hiền Lương là nhân chứng lịch sử đã chứng kiến biết bao nỗi đau, mất mát, chia ly của cả dân tộc suốt 20 năm trường. Cũng vì lẽ đó, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho Vĩnh Linh những sự quan tâm đặc biệt. Đây cũng chính là động lực cho Vĩnh Linh chiến đấu can trường và làm nên chiến thắng, xây dựng quê hương từng ngày hồi sinh, phát triển.

Bác Hồ trên lễ đài (sân vận động Đồng Hới) ngày về thăm Quảng Bình, Vĩnh Linh 16/6/1957- Ảnh tư liệu.

Sinh thời, Bác chưa có dịp đến thăm Vĩnh Linh. Thế nhưng, mảnh đất này luôn để lại nhớ thương trong lòng Bác. Giữa tháng 6/1957, Bác chia sẻ với cán bộ Vĩnh Linh có mặt trong cuộc gặp gỡ với Người ở Đồng Hới, Quảng Bình: “Vì xe không đến được mà Bác chưa có điều kiện vào thăm”. Người nói: “Quảng Bình cùng với Vĩnh Linh ở tuyến đầu miền Bắc, tiếp giáp với miền Nam. Mọi việc làm tốt hay xấu của các cô, các chú ở đây đều có ảnh hưởng nhất định đến cách mạng miền Nam, đều có ý nghĩa đến việc bảo vệ miền Bắc. Nếu kẻ địch có hoạt động liều lĩnh gì thì Quảng Bình, Vĩnh Linh phải đương đầu với chúng trước hết và phải bảo đảm đánh thắng chúng trước hết”.

Năm 1959, sau khi đi thăm các nước trong phe xã hội chủ nghĩa trở về, Bác đã tặng cho cán bộ và nhân dân xã Vĩnh Kim của Vĩnh Linh một chiếc máy cày mà một hợp tác xã ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc đã tặng cho Bác. Tặng máy cày cho Vĩnh Kim là vì Bác vui mừng, xúc động khi biết  Vĩnh Kim rất hăng hái trong phong trào xây dựng hợp tác hóa; là vì Bác biết Vĩnh Kim tuy đất ruộng cằn cỗi, thiếu nước vẫn tích cực thâm canh, làm thủy lợi, đạt năng suất 5 tấn thóc một héc-ta mỗi vụ.

Tặng máy cày cho Vĩnh Kim là vì Bác mong muốn nhân dân Vĩnh Kim nói riêng, nhân dân Vĩnh Linh nói chung, hãy ra sức thi đua lao động sản xuất, khai phá thật nhiều đất hoang, cấy nhiều lúa, trồng nhiều tiêu để xây dựng Vĩnh Kim, xây dựng Vĩnh Linh giàu mạnh, đứng vững trên địa đầu giới tuyến, xứng đáng là lũy thép kiên cường, là tiền đồn vững chắc của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Chiếc máy cày ấy cho đến nay đã 65 năm trôi qua, cán bộ và nhân dân  Vĩnh Kim (nay là xã Kim Thạch) vẫn lưu giữ như một báu vật.

Nhìn xa trông rộng, thấy trước những điều có thể xảy ra là tầm cao trí tuệ của Bác. Vào những năm đầu thập kỷ sáu mươi, đế quốc Mỹ ngày càng bộc lộ dã tâm xâm lược miền Nam, kiếm cớ leo thang đánh phá miền Bắc. Trong tình hình đó, Bác biết Vĩnh Linh rồi sẽ trên bom dưới đạn, rồi sẽ ác liệt hơn bất cứ nơi nào. Vì vậy nên ngay từ những năm 1963- 1964, Bác đã chỉ thị cho Khu ủy Vĩnh Linh phải ngay từ bây giờ cần huy động sức dân đào hầm trú ẩn. Bác nhấn mạnh là phải thiết lập cho bằng được trong lòng đất Vĩnh Linh một hệ thống hầm hào, địa đạo thật dày đặc, thật kiên cố, thì Vĩnh Linh mới có thể chống chọi được với bom đạn của kẻ thù, để bảo vệ tính mạng của nhân dân và bám trụ đánh Mỹ lâu dài được.

Vâng lời Bác, Khu ủy Vĩnh Linh đã cho bổ nhát cuốc đào địa đạo đầu tiên tại xã Vĩnh Giang. Và chỉ trong vòng 5 năm, từ năm 1963 đến năm 1968, trên toàn địa bàn khu vực Vĩnh Linh đã có cả thảy 114 địa đạo lớn nhỏ được lần lượt ra đời, trong đó có địa đạo Vịnh Mốc với tổng chiều dài trên 1.700 mét. Hệ thống địa đạo đã không những che chở cho nhân dân mà còn giúp bộ đội, dân quân Vĩnh Linh kiên cường bám trụ chiến đấu trong suốt những năm giặc Mỹ đánh phá Vĩnh Linh, đánh phá miền Bắc.

Trong những năm chiến tranh lên đến tột đỉnh ác liệt, cùng với việc chỉ đạo, động viên quân dân Vĩnh Linh bắn rơi thật nhiều máy bay Mỹ, Bác đã họp bàn với Bộ Chính trị cho sơ tán tất cả đồng bào Vĩnh Linh ra các tỉnh phía bắc để tránh sự hủy diệt của bom đạn. Bác đã trực tiếp giao cho Bộ Quốc phòng và Bộ Công an thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này. Khi nghe tin người già, phụ nữ và trẻ em Vĩnh Linh đã sơ tán ra đến Nghệ An, quê hương của Bác, Bác đã trực tiếp căn dặn lãnh đạo tỉnh phải sắp xếp, bố trí nơi ăn ở cho nhân dân Vĩnh Linh thật chu đáo, tạo điều kiện cho con trẻ học tập, chăm sóc những hạt giống đỏ cho quê hương Vĩnh Linh.

Đón nhận tình thương của Bác, vượt lên những mất mát, thương đau trước đạn bom tàn khốc của kẻ thù, cùng với quân dân cả nước, quân dân Vĩnh Linh đã anh dũng chiến đấu đập tan cuộc chiến tranh phá hoại quy mô và tàn bạo của đế quốc Mỹ. Đã độc lập chiến đấu, hợp đồng chiến đấu, bắn rơi 293 máy bay, trong đó có 7 chiếc B52, bắn chìm và bắn cháy 69 tàu chiến các loại của Mỹ. Cồn Cỏ- đảo nhỏ anh hùng, cũng đã góp phần bắn cháy 48 máy bay và hàng chục tàu chiến. Mỗi một chiến công của quân dân Vĩnh Linh đều có sự cổ vũ, khích lệ của Bác mà làm nên. Vĩnh Linh vinh dự là địa phương cấp tỉnh đầu tiên của miền Bắc xã hội chủ nghĩa được Bác ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng. Trong 4 năm, từ năm 1965 đến năm 1968, Bác đã 8 lần viết thư khen ngợi quân dân Vĩnh Linh và bộ đội đảo Cồn Cỏ đánh giỏi thắng lớn.

Lịch sử đã sang trang, nhưng những tình cảm, sự quan tâm, lời căn dặn của Bác dành cho Vĩnh Linh vẫn đang được Nhân dân Vĩnh Linh lưu giữ cẩn thận và trao truyền cho thế hệ tương lai. Đây cũng chính là động lực để Vĩnh Linh vươn lên trong chặng đường đổi mới. Hôm nay, về với Vĩnh Linh, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay da, đổi thịt của miền quê một thời là nơi chia cắt hai miền Nam - Bắc. Những công trình khang trang mọc lên ngày càng nhiều. Làn gió nông thôn mới đã tỏa lan khắp các miền quê của huyện. Nhớ về Bác, Vĩnh Linh nguyện tiếp tục phát huy truyền thống Anh hùng trong chiến đấu và thời kỳ đổi mới để xây dựng quê hương ngày càng rạng rỡ, xứng đáng với những mong đợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người cha già kính yêu của toàn dân tộc.

Mỹ Hằng

More