Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Vĩnh Linh đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ

Thời gian qua, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ được xem là bước chuyển dịch tích cực trong sản xuất, được nhiều nông dân trên địa bàn huyện  Vĩnh Linh áp dụng. Mô hình này đã từng bước hướng nông dân tiến đến nền nông nghiệp phát triển an toàn, bền vững, góp phần gia tăng chất lượng cho sản phẩm lúa gạo của địa phương trên thị trường.

Mô hình trồng lúa hữu cơ tại HTX Đức Xá, Vĩnh Thủy.

Mô hình lúa hữu cơ đầu tiên được thực hiện trên địa bàn huyện Vĩnh Linh vào năm 2015 tại HTX Đức Xá, xã Vĩnh Thủy, với sự liên kết của “4 nhà”. Theo đó, HTX đã đứng ra cung ứng lúa giống, phân bón  hữu cơ và tổ chức xuống giống, chăm bón tập trung. Đến cuối vụ, HTX liên kết với doanh nghiệp thu mua nông sản cho các thành viên. Ngay trong vụ đầu tiên, mô hình  đã cho thấy tín hiệu tích cực. Theo đánh giá của bà con nông dân, năng suất lúa thu được cao hơn sản xuất truyền thống từ 5-6 tạ/ha/vụ, chi phí cho sản xuất cũng giảm từ 10- 15%, mặt khác giá cả đầu ra lại bảo đảm ổn định và cao hơn thị trường từ 1.000- 2.000 đồng/kg.

Từ hiệu quả của mô hình, HTX Đức Xá tiếp tục thực hiện vụ thứ 2 vào Đông Xuân 2017- 2018 với diện tích 26ha, sử dụng phân bón Ong Biển và giống lúa thuần chất lượng cao RVT; kết quả  đến cuối vụ năng suất thu được đạt 58 tạ/ha, cao hơn so với vụ trước. Đến nay, HTX Đức Xá đã nhân rộng với diện tích trên 110,8ha. Không riêng ở Đức Xá, nhiều HTX khác trên địa bàn xã cũng đã và đang triển khai thực hiện  sản xuất lúa theo mô hình này. Vĩnh Thủy đang là đơn vị có diện tích sản xuất lúa hữu cơ lớn nhất tại huyện Vĩnh Linh; đặc biệt trong đó có nhiều diện tích sản xuất  áp dụng chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật  như mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ sinh học, phân bón hữu cơ tại Đức Xá, Thủy Ba Tâymô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn Thủy Ba Hạ  với 120 hamô hình sản xuất các loại giống lúa mới với diện tích 30 ha…

Ông Nguyễn Quang Chiến - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thủy khẳng định: “Sản xuất lúa hữu cơ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân với những ưu điểm như  hạn chế sử dụng phân bón hóa học, các chất kích thích tăng trưởng, hóa chất bảo vệ thực vật  đã tạo ra sản phẩm an toàn, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, sức khỏe con người”.

HTX Tiên Mỹ của xã Vĩnh Lâm cũng vừa có một vụ mùa bội thu với mô hình sản xuất lúa hữu cơ liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đông Xuân 2022- 2023 là vụ đầu tiên HTX Tiên Mỹ tham gia liên kết với Công ty  Cổ phẩn Tổng công ty Thương mại Quảng Trị. Mô hình triển khai trên quy mô 14ha với 17 hộ tham gia, sử dụng giống lúa ST25. Quá trình thực hiện mô hình, các hộ được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí về giống, khay mạ và vật tư phân bón, chế phẩm. Công ty Cổ phẩn Tổng công ty Thương mại Quảng Trị hỗ trợ khâu sản xuất mạ khay, cung ứng phân hữu cơ, các chế phẩm dinh dưỡng và dịch vụ cấy lúa, phun chế phẩm bằng máy bay không người lái. Đồng thời bao tiêu sản phẩm với giá lúa tươi thu mua tại ruộng là 12.000đ/kg. Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình từ khâu xuống giống đến chăm sóc  nên đến cuối vụ thu hoạch năng suất đạt 62- 65 tạ tươi/ha. Sau khi trừ các khoản chi phí cho lợi nhuận hơn 30,8 triệu đồng/ha, cao hơn so với ruộng đối chứng khoảng 13,3 triệu đồng. Đây là tín hiệu tích cực giúp bà con nông dân tự tin mở rộng quy mô sản xuất trong những vụ  lúa tiếp theo.

Với khoảng 7.000 ha diện tích canh tác mỗi năm, lúa là một trong những loại cây chủ lực trong lĩnh vực trồng trọt tại huyện Vĩnh Linh. Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương, định hướng sản xuất theo hương hữu cơ được xác định là một trong những giải pháp tối ưu, mở ra hướng phát triển mới cho sản xuất. Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm lúa gạo, bà con nông dân đã tích cực sử dụng các giống lúa có phẩm cấp, chất lượng cao như HN6, Thiên Ưu 8, Bắc Hương 9, QS447, Đài Thơm 8... Nhờ đó tỉ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao trên địa bàn đến nay đạt trên 90%; cơ cấu giống xác nhận và trên cấp xác nhận đạt trên 95%. Đồng thời tập trung chỉ đạo dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, đẩy mạnh cơ giới hoá và kêu gọi doanh nghiệp liên kết với nông dân đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, với chủ trương xây dựng và nhân rộng các mô hình cánh đồng mẫu lớn, hiện nay toàn huyện đã nhân rộng được hơn 2.600 ha lúa mô hình cánh đồng mẫu lớn tại 30 đơn vị HTX; trong đó có 221 ha thực hiện sản xuất lúa liên kết và 144 ha sản xuất theo hướng hữu cơ với Công ty CP Tổng Công ty Sông Gianh và Công ty Cổ phẩn Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị.

Ông Diệp Hồng Cương- Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Linh cho biết: “Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đang là hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp nói chung. Qua các vụ sản xuất lúa hữu cơ tại địa phương, chúng tôi nhận thấy mô hình mang lại khá nhiều lợi ích cho người nông dân. Cùng với hiệu quả về mặt kinh tế, quá trình canh tác đã giúp cho bà con nắm bắt được kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ, đảm bảo an toàn về sức khỏe và  bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời góp phần thay đổi tích cực nhận thức của người nông dân từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang hình thức sản xuất hàng hóa tập trung; gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng giữa người sản xuất với các doanh nghiệp, dưới sự quản lý của Nhà nước”.

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, toàn huyện nhân rộng được trên 6.000 ha lúa chất lượng cao với 600- 800 ha thực hiện sản xuất có liên kết và 300- 500 ha sản xuất hữu cơ, huyện Vĩnh Linh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ. Triển khai các giải pháp như tập trung vào công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về lợi ích sản xuất lúa hữu cơ; tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa hữu cơ. Đồng thời, sẽ phối hợp với các ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi và có các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy mô hình ngày càng phát triển hơn nữa, từng bước hướng đến xây dựng thương hiệu sản phẩm lúa gạo hữu cơ Vĩnh Linh.

Phương Nga

Bài viết liên quan