Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ở Vĩnh Linh

Phổ cập giáo dục, xoá mù chữ (PCGD, XMC) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước hướng tới mục tiêu “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Xác định được điều đó, những năm qua huyện Vĩnh Linh đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xoá mù chữ trên địa bàn.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Vĩnh Khê.

Huyện Vĩnh Linh hiện có 51 trường trường mầm non, tiểu học, tiểu học và trung học sơ sở công lập đóng trên địa bàn. Trong đó có 22 trường mầm non; 15 trường tiểu học; 6 trường TH&THCS; 8 trường THCS. Ngoài ra, còn có 1 trường Phổ thông dân tộc nội trú; 2 trường Trung học phổ thông; 2 trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông; 1 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên và 18 trung tâm học tập cộng đồng tại 18 xã, thị trấn. Mạng lưới trường lớp duy trì ổn định, cơ sở vật chất ngày càng được tăng cường, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt trên 95%. Có 43/51 trường học đạt chuẩn quốc gia. 100% đội ngũ cán bộ, giáo viên đạt chuẩn về trình độ chuy môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ dạy và học.

Đối với bậc học mầm non, các tỷ lệ huy động trẻ vào mầm non 5 tuổi, trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình mầm non, trẻ khuyết tật có khả năng học tập được huy động đến lớp  đạt 100%. 18/18 xã thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non. Huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Đối với công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, hàng năm, huyện tập trung đầu tư cơ sở vật chất, bố trí giáo viên để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Tăng thời lượng dạy học, dạy phụ đạo cho học sinh yếu tiếng Việt. Vận động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số. Nâng cao trách nhiệm xã hội trong việc đưa con em đến trường. Nhờ vậy, tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; trẻ em 11- 14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99%. Trẻ khuyết tật 6-14 tuổi có khả năng học tập đến lớp đạt 100%. Huyện đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3.

Đối với phổ cập giáo dục trung học cơ sở, việc giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục THCS được duy trì. Cấp ủy, chính quyền các địa phương đề ra nhiều giải pháp để tiếp tục thực hiện các chủ trương, chính sách và các biện pháp để phát triển giáo dục. Tập trung thực hiện kiên cố hóa trường lớp học, xây dựng phòng học, phòng chức năng, nhà công vụ cho giáo viên ở vùng khó khăn. Nâng cao hiệu quả giáo dục Trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú và trường có học sinh bán trú. Nhờ vậy, giai đoạn 2016 - 2023, Vĩnh Linh giữ vững kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2. Số thanh, thiếu niên trong độ tuổi từ 15-18 tốt nghiệp THCS đạt 97,5%. Số thanh, thiếu niên trong độ tuổi từ 15-18 tuổi đã và đang học chương trình giáo dục phổ thông, TTGDTX, giáo dục nghề nghiệp đạt 93%, đảm bảo tiêu chuẩn phổ cập giáo dục THCS.

Đối với phổ cập bậc trung học, tổng số học sinh từ 18-21 tuổi tốt nghiệp THPT, giáo dục thường xuyên bậc THPT, Trung cấp chuyên nghiệp và đào tạo nghề đạt 89,2%; Có 95,5% tổng số thanh niên từ 15- 18 tuổi được huy động học THPT, GDTX cấp THPT, trung cấp chuyên nghiệp, đào tạo nghề 3 năm.

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Linh, Lê Thanh Hải cho biết: “Thời gian qua, ngành Giáo dục đã tích cực phối hợp với cấp uỷ, chính quyền các địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đầu tư cơ sở vật chất cũng như tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường. Trước mỗi năm học mới các trường học trên địa bàn đều xây dựng kế hoạch, phân công đội ngũ giáo viên đến từng địa bàn dân cư để huy động học sinh đến trường, đến lớp. Nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Đến nay, tỷ lệ biết chữ mức độ 1 đạt 100%; biết chữ mức độ 2 đạt 99,9%; 18/18 xã đạt chuẩn phổ cập xóa mù chữ mức độ 2; Vĩnh Linh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2”.  

Để tiếp tục thực hiện tốt hơn công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ, trong thời gian tới, huyện chú trọng việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và toàn xã hội đối với công tác phổ cập giáo dục; phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn nhằm tạo nền tảng dân trí vững chắc để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu xã hội. Chỉ đạo các nhà trường làm tốt công tác điều tra, tuyên truyền, huy động 100% trẻ trong độ tuổi đến trường, duy trì 100% số lượng học sinh trong suốt năm học, không để xảy ra tình trạng học sinh bỏ học; tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên, tích cực đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá, tạo ra sự chuyển biến rõ nét về chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục.

Phát huy nội lực và tranh thủ tối đa các nguồn lực của Nhà nước, các đoàn thể và cá nhân có lòng hảo tâm để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường học. Ngoài ra, huyện Vĩnh Linh cũng đề ra nhiều chủ trương, chính sách để phát triển giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường như chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho con hộ nghèo, hộ chính sách, hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ mầm non, hỗ trợ tiền ăn, tiền ở cho học sinh bán trú, tiểu học, THCS, trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và hỗ trợ theo các chương trình, dự án... Góp phần không nhỏ giúp giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, tăng tỷ lệ huy động trẻ em đến trường, nâng cao chất lượng dạy và học, đặc biệt là ở vùng đặc biệt khó khăn.

Với những mục tiêu và bước đi cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ ở huyện Vĩnh Linh thời gian qua đã đạt nhiều chuyển biến tích cực ở tất cả các bậc học; thực hiện tốt chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước là "Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài", góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ở địa phương.

Mỹ Hằng

Bài viết liên quan