Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Đi lên từ tinh hoa của đồng đất quê nhà

Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh là vùng quê với những dãy đồi cát bạc màu, chang chang nắng gió. Người dân nơi đây bao đời vẫn luôn chịu khó, chắt chiu xây dựng cuộc sống mới từ củ sắn, củ khoai và những câu chuyện trạng tạo niềm vui, vơi đi mệt nhọc. Địa phương cũng có nhiều đặc sản nổi tiếng như Tép nhảy bàu Trạng, Dưa hấu Vĩnh Tú, Dưa muối Vĩnh Tú... Tháng 7/2021, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã xây dựng Tổ hợp tác (THT) quầy hàng nông sản sạch xã Vĩnh Tú, đồng thời đưa sản phẩm quảng bá tại đây và được người tiêu dùng đón nhận. Hiện nay, Hội LHPN xã đang hoàn thiện thủ tục để phát triển Tổ hợp tác này thành Hợp tác xã (HTX) với mong muốn phát triển quy mô kinh doanh, giới thiệu đến đông đảo khách hàng nhiều “đặc sản” của địa phương.

Các thành viên THT quầy hàng nông sản sạch xã Vĩnh Tú giới thiệu đặc sản “Dưa muối Vĩnh Tú” tại Tại Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực Việt Nam năm 2023.

Cùng với chị Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Tú, chúng tôi đến tìm hiểu về hoạt động của THT quầy hàng nông sản sạch. Đúng như lời kể, rất nhiều sản phẩm đặc sản của địa phương, từ những hũ dưa muối, kiệu muối, lạc, đậu đến các loại bánh dân dã như Tu Huýt, bánh sắn... được trưng bày khá gọn gàng, đẹp mắt; không khí mua bán cũng khá rộn ràng khi chúng tôi thấy các thành viên THT đang nhanh tay đóng những đơn hàng lớn để gửi đi tiêu thụ.

Vui mừng chia sẻ với chúng tôi, chị Đông nói rằng: “Ban đầu, chúng tôi gặp không ít khó khăn từ cơ sở vật chất hạn hẹp, đầu ra sản phẩm chưa định hình, chị em lại chưa có nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh... Có lúc chúng tôi muốn bỏ cuộc giữ chừng, nhưng nhờ sự động viên, hỗ trợ từ Hội LHPN tỉnh, huyện, chị em THT đã cùng cố gắng, vượt qua để hiện thực hóa ý tưởng. Đến nay, THT đã đi vào hoạt động hiệu quả. Những món ăn được xem là tinh hoa ẩm thực của vùng đất này hiện đã đến tay người tiêu dùng nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh...”.

Khi chúng tôi hỏi, trong số những sản phẩm được trưng bày, đâu là sản phẩm chủ lực, chị Đông không ngần ngại mà trả lời, đó là đặc sản “Thịt bò làng trạng”. Thấy chúng tôi khá ngạc nhiên về tên gọi món ăn này, chị Đông chia sẻ: “Thịt bò làng trạng thực chất là món dưa muối. Để làm được món này, người dân địa phương chọn những trái dưa non, sơ chế sạch rồi đem phơi qua 1, 2 nắng. Khi dưa có độ teo vừa phải thì đem muối để miếng dưa được giòn hơn. Dưa muối có thể chế biến thành rất nhiều món ăn như kho với thịt, cá hoặc đơn giản chỉ xào với một ít mỡ và gia vị cũng đưa cơm vô cùng”.

Xác định sản phẩm chủ lực chính là những món ăn dân dã của địa phương, các thành viên THT họp bàn và đưa ra các phương án nhằm tăng số lượng đơn hàng, dần dần khẳng định thương hiệu. Trong đó, chị em tập trung vào công tác tuyên truyền để bà con trồng chăm sóc các loại cây trồng, đặc biệt là cây dưa đúng quy trình và đảm bảo vệ sinh thực phẩm, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Đồng thời, bắt đầu tìm kiếm phương thức phân phối theo nhu cầu người tiêu dùng như bán lẻ, ship qua mạng, tham gia hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm, đăng ký bán hàng tại các cửa hàng thương mại điện tử, các siêu thị trên địa bàn tỉnh... Nhờ những phương thức này mà THT bán được sản phẩm với số lượng nhiều hơn, các thành viên THT có thu nhập ổn định hơn. Đến nay, ước tính mỗi tháng tổ hợp tác tiêu thụ khoảng 1 tấn nông sản, đặc biệt là dưa muối. Sau khi trừ chi phí, thu nhập thành viên 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Tú, Trần Thị Thu Đông cho biết thêm: “Xét tính khả thi, hiệu quả từ việc sản xuất, kinh doanh dưa muối, tháng 6/2022, Tổ hợp tác quầy hàng nông sản xã Vĩnh Tú được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí trên 190 triệu đồng, xây dựng mô hình Sản xuất và chế biến dưa muối Vĩnh Tú. Đây là cơ hội để chúng tôi đầu tư sản xuất, xây dựng và phát triển thương hiệu”.

Chị Nguyễn Thị Loạn, thành viên THT cũng chia sẻ: “Tại Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực Việt Nam năm 2023 tổ chức tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, chúng tôi đã đem đến đây rất nhiều món ăn mang hương vị quê nhà, trong đó có đặc sản “Dưa muối Vĩnh Tú” và được đông đảo thực khách đón nhận, có nhiều người còn mua làm quà biếu. Chúng tôi cảm thấy rất vui, tự hào vì quảng bá tinh hoa, văn hóa của dân tộc dù chỉ là món ăn chân chất, giản dị như dưa muối”.

Với những tín hiệu tích cực, Hội LHPN xã Vĩnh Tú đã xây dựng ý tưởng phát triển THT quầy hàng nông sản sạch xã Vĩnh Tú thành HTX nông sản sạch Vĩnh Tú với mong muốn giới thiệu đến đông đảo khách hàng nhiều “đặc sản” của địa phương. Theo chia sẻ của chị Trần Thị Thu Đông: “Được sự chỉ đạo, hỗ trợ và động viên từ Hội LHPN tỉnh, huyện và chính quyền địa phương, hiện nay, chúng tôi đã hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ theo quy định đợi được công nhận, ra mắt. Nếu thuận lợi, HTX sẽ ra mắt vào cuối năm 2023. HTX có vốn điều lệ 600 triệu đồng; hoạt động kinh doanh, sản xuất trên nhiều ngành nghề như: trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ nông nghiệp, trồng rừng và sản xuất, chế biến rau củ, kinh doanh các loại bánh được làm từ bột hoặc từ tinh bột... Khi quy mô hoạt động được mở rộng hơn, các sản phẩm nông sản địa phương sẽ được quảng bá rộng rãi, tăng thêm uy tín. 

Chủ tịch Hội LHPN huyện Vĩnh Linh, Nguyễn Thị Tuyết cho biết: “Từ các món ăn dân dã của địa phương, hội viên Hội LHPN xã Vĩnh Tú đã nảy ra ý tưởng xây dựng mô hình sản xuất theo hướng thủ công, tiếp cận chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP đến xây dựng thành công THT, rồi tiến tới phát triển THT thành HTX. Cách làm này của chị em Hội LHPN xã Vĩnh Tú đã dần được đền đáp khi nhưng tinh hoa ẩm thực từ đồng đất quê hương đã được đông đảo người tiêu dùng từ bắc tới nam biết đến, đón nhận và tin tưởng, khen ngợi. Cũng đã có rất nhiều chị em có thu nhập tốt hơn từ đây. Chúng tôi nhận thấy rằng, mỗi bước đi của chị em đều xuất phát từ tâm huyết với quê nhà, ai cũng muốn làm điều gì đó để góp phần phát triển kinh - xã hội ở địa phương. Hi vọng trong thời gian tới, những dự định của chị em sẽ được hiện thực hóa, từ đó tạo tiền đề tiếp tục khẳng định vị thế của người phụ nữ trong xã hội”.

Mỹ Hằng

Bài viết liên quan