Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh
Hoàng Vân và “Bài ca Vĩnh Linh”
- 30-05-2024
- 126 lượt xem
Hoàng Vân (1930- 2018) có tên khai sinh là Lê Văn Ngọ, sinh tại Hà Nội, là một trong những nhạc sỹ lớn, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại. Ông là tác giả nhiều bài hát nổi tiếng được công chúng nhiều thế hệ yêu thích như “Hò kéo pháo”, “Hà Nội- Huế - Sài Gòn”, “Tâm tình người thủy thủ”, “Quảng Bình quê ta ơi!”, “Bài ca xây dựng”, “Bài ca giao thông vận tải”, “Nổi trống lên rừng núi ơi!”, “Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng”, “Hát về cây lúa hôm nay”, “Tình yêu của đất và nước”…và rất nhiều bài có giá trị quen biết khác không thể kể hết. Ông cũng là tác giả nhiều bài hát giành cho tuổi thơ không em nhỏ nào không biết: “Mùa hoa phượng nở”, “Em yêu trường em”, “Có con chim vành khuyên”. Số lượng tác phẩm của ông đồ sộ đi liền với chất lượng nghệ thuật đặc sắc, có giá trị vĩnh hằng, càng theo thời gian càng phơi bày thêm vẻ đẹp tiềm ẩn.
Đặc điểm phong cách âm nhạc của Hoàng Vân là luôn thấm đượm phong vị dân tộc, có giai điệu đẹp, trau chuốt, giàu sức biểu cảm, dễ vào lòng người. Đa số các ca khúc của ông đều có chất liệu từ những làn điệu dân ca mà “Bài ca Vĩnh Linh” được nói đến trong bài viết này là một trường hợp tiêu biểu. Bài hát được ông sáng tác vào khoảng năm 1966. Lúc này đế quốc Mỹ đã thực hiện leo thang chiến tranh ra miền Bắc. Hà Nội, Hải Phòng và nhiều thành phố lớn khác dã bị không lực Hoa Kỳ ném bom. Người dân nơi đây cùng nhiều cơ quan đã đi sơ tán về các vùng nông thôn, miền núi hẻo lánh để tránh bom, chỉ còn lại những người trực tiếp sản xuất và chiến đấu. Không khí chiến tranh khắp nơi đang rất nóng bỏng và khẩn trương.
Lúc này, nhạc sỹ Hoàng Vân đang làm công tác chỉ đạo nghệ thuật, chuyên dàn dựng và chỉ huy dàn nhạc ở Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Ông được tham gia một đoàn nhạc sỹ vào tuyến lửa miền Trung (Quảng Bình, Quảng Trị) để thâm nhập thực tế sáng tác. Đây là lần đầu tiên ông đặt chân đến một nơi mà mới chỉ nghe nói, bất cứ người Việt Nam nào cũng phải tự hào về mảnh đất kiên cường, có truyền thống yêu nước, đánh giặc ngoại xâm và sản sinh ra nhiều người con tài giỏi, trở thành những danh nhân trong nhiều lĩnh vực. Vĩnh Linh lúc này có thể nói là cái túi đựng bom của giặc. Thiên nhiên, thổ nhưỡng nơi đây vốn dĩ khắc nghiệt cộng với chiến tranh khốc liệt đã tôi rèn con người xứ sở này trở nên giàu bản lĩnh, kiên cường. Nơi đầu sóng, ngọn gió này đã khiến Hoàng Vân như là không bắt kịp được cảm xúc.
Ông cho biết khác hẳn với những đợt đi thực tế trước đó ở các tỉnh miền Bắc dưới thời bình (trước năm 1964), có nhiều khi đã rất hiểu đối tượng sẽ để cập nhưng cảm xúc vẫn chưa đến nên sáng tác có khi bị “bí”. Lần vào tuyến lửa đó, chủ đề âm nhạc của “Bài ca Vĩnh Linh” được hình thành chỉ sau một thời gian ngắn đặt chân tới đây. Và những câu nhạc đầu tiên được tuôn ra rất nhanh: “Ngó bên tê Trường Sơn một dải/Nghe bên ni sóng vỗ Cửa Tùng/Vĩnh Linh ơi trăm mến ngàn thương/Quê ta đó đứng đầu sóng gió…”. Rồi tiếp theo, ông đã phát triển bài hát không mấy khó khăn. Chỉ trong một ngày, ông đã hoàn thành với 2 lời ca rất giàu nội dung.
Trong đợt sáng tác này, trước đó chỉ vài ngày, Hoàng Vân đã viết bài “Quảng Bình quê ta ơi”. Viết xong, ông hát cho bà con nông dân nghe, họ đã thích thú ngay và truyền tụng. Thế là trước khi trở về Hà Nội thu thanh và phát trên làn sóng, “Quảng Bình quê ta ơi!” đã nhanh chóng lây lan ở nơi tác giả về thâm nhập thực tế. Thành công này đã khiến ông phải thận trọng khi cho ra đời “Bài ca Vĩnh Linh”. Lúc chưa qua đời, trong một lần tiếp xúc, tôi được ông kể về trường hợp ra đời bài này như nói trên. Ông kể tiếp:
- Cả hai bài viết về Quảng Bình và Vĩnh Linh mình đều cố gắng tranh thủ hoàn thành tại chỗ để hát cho bà con nghe, mong nhận được phản hồi và sự đóng góp ý kiến của họ. Bởi mình quan niệm sáng tác chỉ thành công khi có được sự đón nhận của công chúng. Bản thân người viết ra có thể rất thích thú với đứa con tinh thần của mình, lãnh đạo có thể rất trân trọng tác giả và tế nhị mà khen nhưng công chúng thờ ơ, không mặn mà tiếp nhận tác phẩm thì cũng là thất bại vì tác phẩm viết ra là giành để phục vụ công chúng chứ không phải để tác giả tự nhấm nháp và để lãnh đạo biểu dương. Bài “Quảng Bình quê ta ơi” thì mình rất yên tâm là đã được bà con nơi đây hưởng ứng. Bằng chứng là nhiều bạn trẻ đã thuộc ngay và hát lại cho mình nghe chỉ sau một lúc tập. Trong mọi cuộc tiếp xúc với bà con sau đó, mình đều được họ yêu cầu hát đi hát lại và nghe rất say sưa. Vừa viết xong bản thảo đầu tiên bài “Bài ca Vĩnh Linh” thì đến thời hạn đoàn đi thực tế phải trở về Hà Nội. Thế là mình đã không kịp hát cho bà con Vĩnh Linh nghe giống như trường hợp bài viết về Quảng Bình. Trở ra Hà Nội, mình ít nhiều băn khoăn về điều này. Vì vậy mà chưa đưa ngay lên làn sóng mặc dù mình có điều kiện làm việc này một cách nhanh chóng nhất.
Nhạc sĩ Hoàng Vân (Ảnh từ trang https://hoangvan.org/).
Thời gian này, bài “Quảng Bình quê ta ơi!” đã được thu thanh, phát sóng và nhanh chóng có hiệu ứng tốt. Ngay sau khi phát một, hai lần, nhiều thư từ các nơi gửi về yêu cầu phát lại trong chương trình “Theo yêu cầu thính giả” sáng chủ nhật hàng tuần. Sự việc này khiến mình rất vui nhưng đồng thời cũng băn khoăn về bài “Bài ca Vĩnh Linh” như đã nói do chưa được kiểm nghiệm qua sự thẩm định của bà con nơi mình sáng tác. Cứ trù trừ thì may quá trong một lần được mời đến nói chuyện tại một trường bồi dưỡng cán bộ cho một ngành, mình tiếp xúc được với một số anh chị em quê ở Vĩnh Linh, Quảng Trị. Mình bèn hát tặng họ. Cả lớp học đều thích thú. Nhưng riêng mấy người quê ở Quảng Trị thì góp ý.
Đến hôm nay mình vẫn còn nhớ nguyên văn lời góp của một chị lần đó. Chị nói rằng bài hát rất tình cảm, lời ca sâu sắc, nét nhạc rất Quảng Trị đúng là dân ca nơi đây không lẫn với đâu. Nhưng giá mà vui vui hơn một chút, không quá trầm lắng và làm thế nào cho “bốc” thêm thì sẽ có hiệu quả hơn nhiều. Mình cứ suy nghĩ mãi điều chị học viên này góp và hát đi hát lại rất nhiều lần, cộng với tham khảo thêm ý của một số người khác và quyết định phải sửa lại bằng việc cho phần sau của bài hát “bốc” thêm chứ không trầm lắng ít nhiều miên man như trước. Đó là đoạn dẫn đến kết bài: “Hò ơ… ớ ơ ơ ơ ờ. Quê ta đó Vĩnh Linh đứng đầu sóng gió/Đất Cồn Cỏ đất anh hùng của tổ quốc vinh quang/Thuyền đi khơi thuyền đi lộng/Ngày lại ngày quên mình trong lao động/Hò ớ… lúa vẫn lên xanh, lửa đạn bốn bề/Nghe tiếng máy tưởng như nghe tiếng gọi trả thù/Trị Thiên ơi nghe thấy chăng/Chiều chiều tin chiến thắng nức lòng quê hương chúng ta”.
Sau khi sửa, mình hát cho một vài người quê Quảng Trị lúc đó đang công tác ở Hà Nội nghe. Mình cũng hát cả bài lúc chưa sửa. Họ đều nói bài sửa lại hay hơn nhiều. Yên tâm, sau đó mình mới cho dàn dựng, thu thanh và phát sóng. Lúc này, bài “Quảng Bình quê ta ơi” đã bắt đầu lây lan, được nhiều người khắp nơi tán thưởng. Nhưng “Bài ca Vĩnh Linh” thì chỉ mới xuất hiện”.
Có một sự thật là sau khi mọi bài hát được dàn dựng hoàn chính rồi thu thanh để đưa vào kho băng của Đài thì việc phát sóng lại thuộc trách nhiệm của người khác nhiều khi không phải là nhạc sỹ mà chỉ là người biên tập các chương trình ca nhạc. Họ thích bài nào thì phát nhiều. Lúc này, Hoàng Vân cho biết hầu như người làm chương trình nào cũng thích “Quảng Bình quê ta ơi” mà quên mất còn bài thứ hai sau bài này không lâu của cùng một tác giả cũng rất hay. Đó là “Bài ca Vĩnh Linh”. Và bài này tần xuất phát sóng đã không bằng bài ông viết về Quảng Bình trước đó. Có lẽ vì vậy mà mức độ lây lan, phổ biến của “Bài ca Vĩnh Linh” đối với công chúng cả nước đã có phần khiêm tốn hơn so với bài trước. Nhưng thực sự là một ca khúc hoàn chỉnh, mẫu mực về mọi phương diện của nghệ thuật sáng tác ca khúc, đặc biệt là ca khúc viết về các vùng quê hương đất nước. Sinh thời, nhạc sỹ Đỗ Nhuận- nguyên Tổng thư ký Hội Nhạc sỹ Việt Nam nhiều khóa đã nói về Hoàng Vân:
- Ở nước ta, có hai nhạc sỹ tài ba viết về các địa phương hay nhất. Đó là Nguyễn Văn Tý và Hoàng Vân. Riêng Hoàng Vân, cùng sử dụng chất liệu các điệu hò miền Trung mà cho ra được hai bài thật đặc sắc về hai địa phương sát cạnh nhau. Đó là Quảng Bình và Vĩnh Linh.
Sau sự thành công của hai bài trên, vào những năm cuối thế kỷ trước, Hoàng Vân được cả hai tỉnh là Quảng Bình và Quảng Trị mời tiếp tục sáng tác cho địa phương. Nhưng ông đã rất chân thành nói: - “Rất cảm ơn các đồng chí, nhưng tôi tự thấy không thể vượt qua được cái bóng của chính mình nên xin khất để một dịp nào đó cảm thấy thoát ra được, tôi sẽ chủ động sáng tác”. Tuy nhiên, chưa kịp làm thì ông qua đời vào năm 2018, hưởng thọ 88 tuổi . Riêng tôi đã nghe nhiều ca khúc viết về Quảng Trị thấy cho đến nay, ngoài bài của Xuân Giao có tên “Giữ biển trời Quảng Bình, Vĩnh Linh”, chưa có bài nào thoát khỏi được cái bóng của “Bài ca Vĩnh Linh”.
Nhạc sĩ Nguyễn Đình San
- Những cô gái quả cảm bên dòng sông Bến Hải (20/05/2024)
- Bác Hồ với quê hương Vĩnh Linh anh hùng (10/05/2024)
- Bằng khen Bác Hồ tặng thiếu niên và nhi đồng thôn Duy Viên (06/05/2024)
- Tài liệu tuyên truyền 70 năm truyền thống Vĩnh Linh 25/8 (1954- 2024) (15/02/2024)
- 70 năm đất thép nở hoa (05/02/2024)
- Hiện thực hóa khát vọng huyện nông thôn mới (03/02/2024)
- Bảo tồn và phát huy giá trị của những câu chuyện trạng Vĩnh Hoàng (22/01/2024)
- Đẩy mạnh thu hút khách du lịch thông qua các hoạt động lễ hội (11/01/2024)
- Phát huy giá trị di tích lịch sử để phát triển du lịch (10/01/2024)
- “Bông Sen Hồng” năm ấy- nay không ngừng “tỏa hương” (04/01/2024)
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĨNH LINH TỈNH QUẢNG TRỊ
Địa chỉ: Thành Công, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh - Điện thoại: (0233).3820491; Fax: (0233).3820787
HỆ THỐNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ