Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Nâng cao hiệu quả bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động việc làm

Với mục tiêu “Giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động việc làm, tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động”, thời gian qua, vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nữ, đặc biệt là lao động nông thôn đã được huyện Vĩnh Linh quan tâm triển khai thực hiện. Cùng với chủ trương triển khai mở rộng các khu công nghiệp trong huyện và đưa lao động đi làm việc có điều kiện ở nước ngoài đã tạo điều kiện cho nhiều lao động, trong đó có lao động nữ được tạo việc làm và thu nhập ổn định.

Xác định những khó khăn của các cấp Hội Phụ nữ gặp phải trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là đa số lao động nữ trên địa bàn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thiếu kiến thức làm ăn, chưa được trang bị kiến thức về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thiếu nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh…, huyện đã chủ trương tạo mọi điều kiện để phụ nữ được tiếp cận vay vốn; đồng thời tích cực giới thiệu việc làm, tư vấn xuất khẩu lao động; tập huấn khoa học kỹ thuật cũng như hỗ trợ về cây, con giống… Nhờ vậy, nhiều lao động nữ đã mạnh dạn đầu tư vốn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, phát triển các trang trại, gia trại, cơ sở kinh doanh dịch vụ mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định và tạo việc làm cho nhiều người khác.

Năm 2022, toàn huyện có gần 2.100 lao động được tạo việc làm mới; trong đó có 870 lao động nữ, chiếm tỷ lệ 42%. Xuất khẩu lao động có 70 nữ trong tổng số 154 người, chiếm tỷ lệ 45,5%. Tỷ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 55%, cao hơn năm 2011 khoảng 20%; tỷ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức đạt 93% cao hơn năm 2011 khoảng 38%; tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt khoảng 10%.

Đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của hội viên phụ nữ Vĩnh Linh đã đạt 53 triệu đồng/ năm, cao hơn so với năm 2015 khoảng 15 triệu đồng.

Mỹ Hằng

Bài viết liên quan