Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Tổng đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định

Năm 2022, huyện Vĩnh Linh đã tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương và người chăn nuôi thực hiện các giải pháp ổn định, phát triển chăn nuôi. Đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền pháp luật về thú y, công tác tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y. Nhờ đó, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tiếp tục phát triển ổn định.

Thống kê đến ngày 17/11/2022, toàn huyện có đàn trâu 4.167 con đạt 99,9% so kế hoạch năm và tăng 31 con so với cùng kỳ năm trước; đàn bò có 11.966 con đạt 99,4% và tăng 76 con so với cùng kỳ năm trước; đàn lợn có 61.280/kế hoạch 43.000 - 45.000 con, tăng 16.740 con so với năm năm trước; đàn gia cầm có 1.031.200/kế hoạch 750.000 - 795.000 con, tăng 241.770 so với năm 2021.

Trong năm, huyện Vĩnh Linh tiếp tục thực hiện chương trình cải tạo đàn bò, sử dụng tinh các giống bò nhóm Zebu, Branman nội được 507 con đạt 169% so với kế hoạch; cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt 1.650 con đạt 60% kế hoạch, Braman ngoại 400 con.

Bên cạnh đó, các công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm; kiểm dịch - kiểm soát giết mổ; công tác truyền giống được ngành chuyên môn và các địa phương quan tâm. Đến tháng 5/2022 và tháng 7/2022, các địa phương trên địa bàn huyện đã được công bố hết dịch tả lợn Châu Phi và dịch Cúm gia cầm, tạo điều kiện cho người dân tái đàn trở lại có sự kiểm soát của thú y địa phương.

Tuy nhiên, lĩnh vực chăn nuôi ở huyện Vĩnh Linh vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong thực hiện công tác tiêm phòng định kỳ hàng năm, nhất là ở địa bàn miền núi; ý thức của một số hộ chăn nuôi còn kém trong khai báo khi dịch bệnh xảy ra. Đội ngũ thú y đã được kiện toàn, tuy nhiên việc cắt giảm đội ngũ thú y viên cơ sở tạo áp lực lớn đối với nhân viên thú y nhất là những xã vùng sâu, vùng xa, những xã sáp nhập địa giới hành chính…

Kế hoạch năm 2023, huyện Vĩnh Linh có đàn trâu bò từ 16.100- 16.400 con; đàn lợn: 61.000- 62.000 con; đàn gia cầm: 1.000.000- 1.030.000 con. Để đạt được chỉ tiêu nay, huyện chỉ đạo tổ chức sản xuất chăn nuôi phù hợp trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp nhằm hạn chế rủi ro; đẩy mạnh việc ứng dụng các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn vật nuôi, đặc biệt là đàn lợn nái để phục vụ tái đàn phát triển chăn nuôi; thực hiện chuyển đổi, đa dạng hóa vật nuôi, tập trung phát triển chăn nuôi gia cầm, trâu, bò, dê, thỏ, các vật nuôi khác nhằm ổn định sản xuất, tăng thu nhập; tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư phát triển trang trại chăn nuôi trên địa bàn.

PV

Bài viết liên quan