Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh
Những người sinh ra từ lòng địa đạo
- 18-06-2024
- 116 lượt xem
Trong chiến tranh gian khổ và ác liệt, từ lòng địa đạo Vịnh Mốc (xã Vĩnh Thạch cũ), nay thuộc xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, đã có 17 đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời. Dâu bể đời người, những đứa trẻ ra đời trong những năm tháng đó đến nay cũng ngấp nghé tuổi lục tuần, phần lớn đã lên chức ông, chức bà. Vậy mà, mỗi khi nhắc đến nơi “chôn nhau cắt rốn” đặc biệt ấy, những “đứa trẻ” năm nào giờ tóc đã hoa râm bỗng khóe mắt rưng rưng.
Chị Hường và chị Giữ tham quan địa đạo Vịnh Mốc - Ảnh: Đ.V
“Những đứa con đặc biệt” của Vịnh Mốc
Trong kháng chiến chống Mỹ, sự ra đời và tồn tại của địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm ở Vĩnh Linh không chỉ đóng vai trò quan trọng trong công tác chiến đấu, phục vụ chiến đấu, chi viện cho đảo Cồn Cỏ và chiến trường miền Nam. Địa đạo, hệ thống làng hầm này còn đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn và duy trì sự sống cho người dân vùng tuyến lửa, góp phần đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, cùng cả nước thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Có rất nhiều kỳ tích được kể lại từ địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, trong đó có câu chuyện về những đứa trẻ sinh ra trong lòng đất nơi đây.
Là một người con của quê hương Vịnh Mốc, song mỗi lần xuống hầm địa đạo, chị Hồ Thị Hường (57 tuổi) - một trong 17 đứa trẻ sinh ra từ địa đạo Vịnh Mốc năm xưa - vẫn không khỏi bồi hồi xao xuyến. Trong lòng chị luôn có một cảm xúc đặc biệt, như được trở về nơi mình từng hít bầu không khí thuở ấu thơ. Nơi căn hầm địa đạo này, năm 1967, chị Hường cất tiếng khóc chào đời sau khi mẹ chị là bà Trần Thị Nghiên (năm nay 86 tuổi) trở dạ trong khó nhọc. Thời khắc ấy, phía trên mặt đất, tiếng bom gầm đạn rú diễn ra liên hồi thì phía dưới, một sự sống mới được ươm mầm.
Chị Hường xúc động kể: “Ba mẹ tôi kể lại là tôi được sinh ra trong lòng địa đạo. Trong địa đạo hồi ấy, mỗi gia đình được bố trí một khoảng trống khoét âm vào vách lối đi nhỏ hẹp để ở và sinh hoạt. Ở hầm thiếu thốn đủ bề, từ nước uống đến cơm ăn, áo mặc. Nghe kể lại những năm tháng gian khổ cùng cực đấy, tôi rất thương và thầm biết ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau, cùng cha nuôi tôi khôn lớn. Tôi cũng cảm thấy tự hào vì mình được sinh ra trong điều kiện đặc biệt như vậy”.
Một đời tần tảo nuôi con khôn lớn từ trong chiến tranh cho đến thời bình, bà Nghiên vẫn không thể nào quên được lần sinh chị Hường trong hầm địa đạo.
Bà nói, trên thế giới này chuyện sinh nở của những người như mẹ con bà và người dân Vịnh Mốc có lẽ rất hiếm. Nắm tay đứa con gái bé bỏng năm xưa nay tóc đã lấm tấm sợi bạc hàn huyên những câu chuyện cũ, bà Nghiêm hồn hậu kể lại: “Ở hầm địa đạo sinh nở hồi nớ cực khổ lắm. Ăn thì bữa đói bữa no, bữa nào có lon gạo thì độn thêm với sắn, với khoai ăn cho no để có sữa cho con bú. Sinh con ra không có tả, đồ lót, phải lấy vải rách, tro bếp ủ ấm cho con. Con đói khóc thì đi quanh các gia đình xin chắt nước cơm cho uống. Dưới hầm gặp khi nước mưa dột xuống, nền ướt át không có đồ mà che. Ban đêm chỉ có ngọn đèn dầu leo lét. Cực khổ trăm bề rứa mà lần hồi rồi cũng vượt qua được, con cái cũng lớn lên khỏe mạnh như cây cỏ”.
Chị Hồ Thị Hường và mẹ là bà Trần Thị Nghiên kể lại câu chuyện sinh nở đặc biệt năm xưa dưới lòng địa đạo Vịnh Mốc - Ảnh: Đ.V
Tham quan không gian trưng bày trong Nhà bảo tàng Địa đạo Vịnh Mốc, chị Hường xúc động khi bắt gặp lại hình ảnh của những đứa trẻ, trong đó có mình được sinh ra từ lòng địa đạo ẩm thấp. Những đứa trẻ ấy được đặt nằm trong nôi mây, được chăm sóc, nuôi dưỡng trong điều kiện vô cùng thiếu thốn.
Cũng như chị Hường, chị Hồ Thị Giữ sinh ra trong địa đạo Vịnh Mốc vào thời khắc chiến tranh rất ác liệt. Rơm rớm nước mắt khi nhớ về người mẹ kính yêu của mình đã mất hơn 10 năm, chị Giữ thổn thức: “Mỗi khi kể lại chuyện sinh nở ở hầm thì mẹ tôi thường khóc. Mẹ sinh ra tôi vào tháng 11/1967 trong mùa mưa giá rét. Vừa mới sinh nhưng mẹ phải đi lại trong hầm nước mà chân không có dép, giày mang nên bị phù nề, dẫn đến sức khỏe giảm sút nhiều. Mỗi khi nghĩ đến mẹ, nhớ mẹ tôi lại khóc thương một thời quá đỗi gian khổ và lấy đó làm động lực sống vươn lên, để nuôi dạy con cháu nên người”.
Hoài niệm một thời thương khó
Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, việc ăn ở và phần lớn sinh hoạt của quân, dân Vĩnh Linh được duy trì dưới hầm địa đạo. Sống trong những đường hầm ẩm thấp, tối tăm và thiếu thốn nhưng con người nơi đây vẫn làm bao nhiêu công việc nặng nhọc. Vậy nên để sinh nở, nuôi dạy trẻ đã là một kỳ tích của những bà mẹ thời chiến.
Chị Hường và chị Giữ thăm lại hầm hộ sinh dưới lòng địa đạo Vịnh Mốc với niềm cảm xúc trào dâng - Ảnh: Đ.V
Để đảm bảo an toàn cho người dân và những mầm non của vùng đất lũy thép, các kế hoạch K8 và K10 của Trung ương Đảng về sơ tán người dân không có khả năng chiến đấu ở vùng ác liệt nhất của Vĩnh Linh ra các tỉnh phía Bắc đã được thực hiện từ năm 1966 - 1968. Trong số đó có nhiều đứa trẻ sinh ra từ địa đạo Vịnh Mốc như chị Hường, chị Giữ đã được đưa đi.
Bà Nghiên kể: “Nghe lệnh sơ tán gấp rút, tui chỉ kịp quấn cái khăn quanh cổ con Hường khi ấy chỉ mới 1 tháng 14 ngày và dắt theo mấy đứa con nhỏ nữa rời đi ngay. Ông nhà tôi là dân quân du kích thì ở lại chiến đấu. Vượt qua nhiều hiểm nguy, mấy mẹ con tui được đưa ra sơ tán ra ở nhiều xã của huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Khoảng 6 năm sau, khi chiến tranh tạm lắng, mấy mẹ con tui mới trở về quê Vĩnh Linh”.
Trong khi đó, chị Giữ cũng được mẹ đưa đi sơ tán ra xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình và trở lại quê khi đã biết đi chập chững. Trở về quê hương khi chiến tranh tạm lắng, gia đình bà Nghiên cũng như hàng trăm gia đình khác ở địa phương không còn phải ở hầm như trước. Mọi sinh hoạt dần được chuyển lên mặt đất, ai về nhà đó để sinh sống, lao động sản xuất.
Riêng những đứa trẻ như chị Hường, chị Giữ và nhiều bạn khác, trò chơi gắn với tuổi thơ ngày ấy là niềm vui chạy nhảy lên xuống theo các hầm hào địa đạo. Rồi sau đó được đi học lớp vỡ lòng, bắt đầu ê a theo con chữ... Thoáng chốc hơn nửa đời người trôi qua. Những “đứa con của Vịnh Mốc” như chị Hường, chị Giữ giờ đã đề huề gia thất, lên chức bà và tóc bắt đầu điểm bạc.
Trong chiến tranh, để tồn tại, chiến đấu và chiến thắng, Đảng ủy khu vực Vĩnh Linh đưa ra chủ trương quân sự hóa toàn dân, quân sự hóa toàn khu vực, “một tấc không đi, một li không rời”, mỗi làng xã là mỗi pháo đài chiến đấu. Bởi vậy, trên mảnh đất Vĩnh Linh anh hùng có hơn 114 làng hầm, địa đạo phân bố rộng khắp cả huyện, trong đó tiêu biểu nhất là địa đạo Vịnh Mốc. Sống trong địa đạo, tiếng cười nói của trẻ thơ luôn vang mãi trong lòng đất như minh chứng phần nào cho ý chí “tồn tại hay không tồn tại” của con người Vĩnh Linh trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất. |
Trời chiều cuối tháng 5 yên ả, chị Hường và chị Giữ ngồi ở ghế đá trong khuôn viên địa đạo Vịnh Mốc, dưới xanh ngắt hàng tre tỉ tê bao chuyện cũ. Rồi họ nhìn ngắm thật kỹ tấm hình toàn bộ 17 bạn cùng sinh ra trong hoàn cảnh giống mình, được một đoàn làm phim chụp tại địa đạo Vịnh Mốc lúc khoảng 5-6 tuổi.
Bất giác cả hai chị trào dâng niềm xúc động khó tả. Các chị kể trong số những đứa trẻ ngày ấy, bây giờ có những người vẫn gắn bó với quê nhà Vịnh Mốc và quê hương Quảng Trị nhưng cũng có những người lập nghiệp ở nơi xa.
Cũng có người ốm đau, người đã mất. Song trong tâm khảm, trong trái tim của các chị và nhiều “đứa trẻ” cùng thời ấy, kỷ niệm về nơi mình sinh ra mãi chôn chặt trong lòng. Những người cùng sinh ra trong không gian đặc biệt, trong những năm tháng ác liệt đó như những người bạn thân thương.
“Chúng tôi có dịp gặp mặt chung một lần nhưng lâu lắm rồi. Chúng tôi vẫn mong sẽ có dịp được gặp lại các bạn đầy đủ nhất, thêm một lần nữa”, ngắm tấm hình kỷ niệm các bạn lưu giữ trong điện thoại, chị Giữ xúc động nói.
Đức Việt (Nguồn: https://baoquangtri.vn/nhung-nguoi-sinh-ra-tu-long-dia-dao-186204.htm)
- Hoàng Vân và “Bài ca Vĩnh Linh” (30/05/2024)
- Những cô gái quả cảm bên dòng sông Bến Hải (20/05/2024)
- Bác Hồ với quê hương Vĩnh Linh anh hùng (10/05/2024)
- Bằng khen Bác Hồ tặng thiếu niên và nhi đồng thôn Duy Viên (06/05/2024)
- Tài liệu tuyên truyền 70 năm truyền thống Vĩnh Linh 25/8 (1954- 2024) (15/02/2024)
- 70 năm đất thép nở hoa (05/02/2024)
- Hiện thực hóa khát vọng huyện nông thôn mới (03/02/2024)
- Bảo tồn và phát huy giá trị của những câu chuyện trạng Vĩnh Hoàng (22/01/2024)
- Đẩy mạnh thu hút khách du lịch thông qua các hoạt động lễ hội (11/01/2024)
- Phát huy giá trị di tích lịch sử để phát triển du lịch (10/01/2024)
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĨNH LINH TỈNH QUẢNG TRỊ
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Chịu trách nhiệm chính: Hoàng Thị Phụng- Chánh Văn phòng HĐND&UBND, Trưởng Ban Biên tập
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Liên hệ: 0913.485.126 (Trưởng Ban) 0963.138.913 (Phó Ban trực)
Email: vinhlinh@quangtri.gov.vn Địa chỉ: 01/ Huyền Trân Công chúa, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị
Bản quyền thuộc Cổng TTĐT huyện Vĩnh Linh (Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ website này)