Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Hoạt động Khoa học và Công nghệ “tiếp sức” thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua huyện Vĩnh Linh đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động Khoa học và Công nghệ (KHCN) vào tất cả các lĩnh vực từ trồng trọt, chăn nuôi đến thủy hải sản. Đây được xem là giải pháp them chốt, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động và góp phần “tiếp sức”  cho  ngành nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Mô hình trồng dưa trong nhà màng ở xã Trung Nam.

Trên lĩnh vực trồng trọt, hoạt động KHCN được tập trung vào việc đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ KHCN vào quá trình canh tác, sản xuất; chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, thay thế các loại giống năng suất, chất lượng kém sang các loại cây trồng có năng suất, chất lượng cao hơn. Cùng với đó là thí điểm và nhân rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, tăng cường cơ giới hóa trong quá trình canh tác... Nổi bật nhất là trên cây lúa, một trong những loại cây trồng chủ lực của địa phương. Thông qua việc thử nghiệm chuyển đổi các bộ giống lúa, huyện đã xác định được bộ giống lúa chủ lực gồm HN6, Thiên Ưu 8, TBR 97, Hương Bình… để đưa vào sản xuất diện rộng. Đến nay, tỷ lệ sử dụng các bộ giống có phẩm cấp toàn huyện đạt 90%, diện tích sản xuất lúa chất lượng cao  được nâng lên  trên 85%. Toàn huyện đã xây dựng được 2.600 ha lúa cánh đồng mẫu lớn tại 30 đơn vị HTX, trong đó có 194 ha sản xuất lúa liên kết và 136 ha sản xuất theo hướng hữu cơ. Bên cạnh đó, huyện đã xây dựng được các mô hình sản xuất nông nghiệp chuyên canh đem lại hiệu quả như sản xuất tiêu hữu cơ tại các xã Kim Thạch, Vĩnh Hòa; các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế như ổi, chanh leo, vải thiều, thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh…ở vùng phía phía Tây huyện.

Trên lĩnh vực chăn nuôi, ứng dụng KHCN được người dân áp dụng từ khâu chọn giống, sử dụng phối trộn thức ăn, chăm sóc nuôi dưỡng đến khâu tiêm vắc xin và phòng chống dịch bệnh; đồng thời đầu tư vào hệ thống chăn nuôi chuồng trại với những trang thiết bị hiện đại, hệ thống xử lý môi trường theo tiêu chuẩn. Từ đó đã góp phần đưa chăn nuôi  phát triển đúng theo các tiêu chí bền vững, an toàn, đảm bảo với môi trường và nâng cao giá trị gia tăng”. Trên địa bàn huyện xuất hiện này càng nhiều các mô hình chăn nuôi ứng dụng tiến bộ KHCN quy mô lớn với 161 trang trại chăn nuôi lợn quy mô 50 con trở lên, 32 trang trại chăn nuôi trâu, bò quy mô 30 con trở lên, 32 trang trại chăn nuôi gà quy mô 5.000 con trở lên. Điều đáng chú ý là phần lớn các trang trại chăn nuôi này vừa áp dụng chăn nuôi ứng dụng tiến bộ KHKT vừa thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị, liên doanh liên kết với các công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Trên lĩnh vực thủy sản, hoạt động ứng dụng KHCN đã góp phần thay đổi tích cực cơ cấu các loại thủy sản. Nhiều đối tượng nuôi mới được đưa vào nuôi trồng thử nghiệm mang lại kết quả như cá chình bông, cá leo, cá chém, cá hồng mỹ… Các quy trình chăn nuôi ứng dụng tiến bộ KHCN, công nghệ cao được áp dụng đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng con nuôi như quy trình nuôi tôm công nghệ trong nhà kính, nuôi tôm hai giai đoạn theo quy trình sinh học. Riêng đối với mô hình nuôi tôm hai giai đoạn hiện đang được nhiều địa phương nhân rộng thực hiện; cụ thể toàn huyện có 30 mô hình với tổng diện tích 22ha, tập trung ở các xã Vĩnh Thái, Vĩnh Sơn, Hiền Thành, Vĩnh Lâm và Vĩnh Giang…

Giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu ở huyện Vĩnh Linh.

Theo Phòng NN&PTNT huyện, từ năm 2012 đến nay đã có trên 25 đề tài, dự án ứng dụng KH&CN vào các lĩnh vực nông nghiệp được triển khai thực hiện, với kinh phí gần 1 tỷ đồng. Nổi bật trong đó có các đề tài như nuôi tôm theo quy trình sinh học 2 giai đoạn nhằm hạn chế dịch bệnh, xử lý sinh học nhờ cá rô phi, cá kình và các chế phẩm thiên nhiên vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao vừa đảm bảo yếu tố môi trường; mô hình ứng dụng công nghệ tưới nước và phân theo phương pháp phun sương, tưới nhỏ giọt trong trồng và chăm sóc cây ăn quả; mô hình ứng dụng nuôi cá chình bông và trồng rau trong hệ thống Aquaponic… Đồng thời, để hoạt động ứng dụng KHCN được người dân tiếp nhận, ứng dụng rộng rãi, huyện cũng đặc biệt quan tâm đến công tác tổ chức các lớp đào tạo, chuyển giao kỷ thuật. Chỉ tính riêng trong năm 2022 đã có 4 lớp đào tạo nghề được mở cho các học viên gồm lớp kỹ thuật chăn nuôi phòng trừ bệnh cho gia cầm; kỹ thuật trồng nấm; kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác mủ cao su; kỹ thuật nuôi và trị bệnh cho đàn lợn.

Tiếp tục phát huy các hiệu quả tích cực của hoạt động KHCN đối với ngành nông nghiệp, trong thời gian tới huyện Vĩnh Linh sẽ tăng cường hơn nữa việc chuyển giao và ứng dụng KHCN, thực hiện xây dựng các mô hình. Trong đó, sẽ tập trung thúc đẩy  ứng dụng sâu rộng KHCN, nhất là CN sinh học, CN thông tin vào quá trình sản xuất và quản lý nông nghiệp. Tập trung ứng dụng các loại giống năng suất, chất lượng, giá trị thương mại cho các đối tượng cây trồng chủ lực phục vụ xuất khẩu và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đặc biệt, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật về thâm canh, phòng trừ sâu bệnh, các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường, nghiên cứu ứng dụng CN tiên tiến trong dự tính, dự báo dịch hại và kiểm dịch thực vật.

Phương Nga

Bài viết liên quan