Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Khát vọng đưa nông sản vươn xa

Vẫn là những sản phẩm nông nghiệp, nông thôn đặc trưng, tiêu biểu của  địa phương, nhưng từ khi các doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX) hay người dân bắt tay sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng để xây dựng thương hiệu thành sản phẩm OCOP thì giá trị sản phẩm hàng hóa nông sản của huyện Vĩnh Linh đã được nâng cao và thị trường tiêu thụ sản phẩm mở rộng. Với “tấm vé thông hành” là các sản phẩm OCOP được xếp hạng sao, những người sản xuất có điều kiện thực hiện khát vọng đưa nông sản vươn ra thị trường lớn.

Những năm qua, chương trình OCOP được triển khai rộng rãi trên toàn huyện, qua đó, góp phần khơi dậy, đánh thức tiềm năng của những mặt hàng là đặc sản nông thôn.

Những sản phẩm của HTX Sản xuất kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh.

Với tổng diện tích khoảng 1.200ha, hồ tiêu là loại cây trồng được đánh giá phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương. Nhưng những năm gần đây, giá tiêu liên tục sụt giảm. Từ mức đạt 200.000/kg tiêu khô vào năm 2017, đến nay giảm chỉ còn 75.000/kg, gây khó khăn rất lớn cho người trồng tiêu. Trăn trở lớn nhất của họ đó chính là làm sao tìm được đầu ra, giá bán ổn định cho sản phẩm. Nắm bắt nguyện vọng của người dân, đặc biệt từ khi huyện Vĩnh Linh triển khai chương trình OCOP, HTX Sản xuất kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh đã tiến hành thực hiện các bước đăng ký tham gia với mong muốn chương trình sẽ trở thành “bệ phóng” đưa sản phẩm hạt tiêu Vĩnh Linh vươn ra biển lớn.

Từ sự đầu tư nguồn vốn để ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đến việc mua máy móc phục vụ chế biến và làm tem, nhãn, bao bì cho sản phẩm, xây dựng thương hiệu, đến nay, HTX Sản xuất kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh đã nâng tầm sản phầm hạt tiêu mà đặc biệt là “Hạt tiêu đỏ hữu cơ” thành sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Theo Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh Lê Tấn Tửu, hiện HTX có 3 sản phẩm chính đó là: Tiêu đỏ, tiêu xanh, tiêu sọ. So với 2 sản phẩm còn lại, tiêu đỏ có dung trọng cao hơn hẳn. Tiêu đỏ được lựa chọn hái khi buồng có độ chín từ 80 đến 90% và đặc biệt phải được thu mua từ những vườn tiêu trồng theo hướng hữu cơ, đảm bảo các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm. Cứ 2,2kg tiêu đỏ tươi sẽ thu được 1kg tiêu đỏ khô. Theo tính toán của HTX, mỗi kg tiêu đỏ hữu cơ được bán sẽ thu lãi 60.000 đồng. Trong năm 2022, HTX đã bán ra thị trường khoảng 2 tấn tiêu đỏ khô thành phẩm. Hiện nay, sản phẩm hạt tiêu đỏ hữu cơ Vĩnh Linh đã tạo dựng được tên tuổi trên thị trường với số lượng đại lý, cửa hàng bán lẻ mở rộng trên toàn quốc như ở: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Đồng Nai và một số siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh.

Ông Tửu cũng cho biết thêm: “Sau khi được công nhận là sản phấm OCOP 4 sao cấp tỉnh, HTX đặc biệt chú trọng đầu tư công nghệ sản xuất, áp dụng công nghệ cao trong sơ chế, bảo quản và chế biến các sản phẩm hạt tiêu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Với mục tiêu hướng đến các thị trường lớn như Châu Âu, Mỹ và một số nước tiến tiến khu vực Châu Á, cùng với sự hỗ trợ của nghành chức năng, thời gian tới đơn vị tập trung đẩy mạnh các hoạt động liên kết với các công ty và doanh nghiệp, tăng cường quảng bá sản phẩm thông qua việc tham gia các hội thảo, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh việc quảng bá, bán hàng qua internet thông qua Website “htxhattieuvinhlinh.com” của đơn vị”.

Tương tự như cách làm của HTX kinh doanh Hồ tiêu Vĩnh Linh, khai thác lợi thế từ ngư trường trên địa bàn tỉnh, chị Trần Thị Trang, chủ cơ sở sản xuất Gia Hân, xã Vĩnh Sơn đã tiến hành thu mua cá nục - loại cá mặc dù giá trị kinh tế không cao, nhưng lại là loại hải sản được người dân đánh bắt với sản lượng lớn để chế biến thành thực phẩm khô “Muối cá lá”. Theo đó, sau khâu lựa chọn nguyên liệu đảm bảo tươi ngon, cá được sơ chế, gỡ lấy phần thịt tẩm ướp với các loại gia vị như ớt, sả, hành tím, ngò gai rồi đem hấp sấy với nhiệt độ phù hợp và đóng gói bán ra thị trường. Năm 2021 chị Trang đã mang sản phẩm “Muối cá lá” đi tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” và công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Sản phẩm có tem mác truy xuất nguồn gốc, địa chỉ rõ ràng nên dễ dàng cho người tiêu dùng tìm kiếm địa chỉ và đặt hàng.

Chị Trần Thị Trang, chủ cơ sở sản xuất Gia Hân, Sơn cho biết, hiện chị cũng đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục để xây dựng nhà máy với quy mô sản xuất lớn hơn ở khu công nghiệp Krông Klang, huyện Đakrông. Đồng thời chịi cũng đã kết nối được đầu ra cho sản phẩm ở thị trường nước Úc. Đây là động lực để chị tiếp tục duy trì và giữ vững thương hiệu, mong muốn sản phẩm sẽ chinh phục được những người tiêu dùng và thị trường khó tính hơn.

Đến nay, toàn huyện Vĩnh Linh có 11 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3- 4 sao cấp tỉnh. Không dừng lại ở đó, huyện Vĩnh Linh còn có rất nhiều sản phẩm tiêu biểu khác như: ném củ, thanh long ruột đỏ, đậu xanh, khoai môn, gạo hữu cơ, tinh bột sắn dây... rất được thị trường ưa chuộng. Những sản phẩm này đang được địa phương chuẩn bị hồ sơ, đăng ký tham gia đánh giá xếp hạng trong thời gian tới.

Về định hướng thời gian tới, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Linh Lê Thị Thúy Kiều cho biết thêm: “Nhằm đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường hiện nay, trước mắt công tác tuyên truyền quảng bá về chương trình cần tiếp tục được chú trọng để nâng cao nhận thức của người dân. Địa phương sẽ dành nguồn lực để làm tốt hơn công tác tư vấn và phát triển mẫu mã cho các sản phẩm của các chủ thể. Hỗ trợ, vận động chủ thể đầu tư áp dụng công nghệ mới hiện đại để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm đã được công nhận. Đặc biệt, sản phẩm làm ra phải có sự liên kết sản xuất theo mô hình HTX, phải xây dựng được hệ thống bán hàng. Mặt khác doanh nghiệp cũng cần phải bỏ chi phí để tìm hiểu nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của thị trường, từ đó có những giải pháp, định hướng phát triển sản phẩm một cách bền vững, thực hiện hóa khát vọng đưa nông sản địa phương vươn ra xa trên thị trường”.

Một thị trường rộng lớn cho những sản phẩm thế mạnh, đặc hữu của địa phương luôn là điều kỳ vọng của người sản xuất. Và, chương trình OCOP đã “mở lối” để các “đặc sản” vươn xa. OCOP còn là động lực khơi dậy ngọn lửa khởi nghiệp của những người trẻ, nông dân từ chính những đặc sản quê hương.

Mỹ Hằng

Bài viết liên quan